Nhìn từ Paris: Pháp và ám ảnh mô hình Đức

(Soha.vn) - Có một sự thật: Với người Pháp, nước Đức luôn là một thứ gì đó gây ám ảnh. Trong hầu như mọi lĩnh vực. Bóng đá, cũng từng không phải ngoại lệ.

Một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất vài năm qua trong mọi tầng lớp tinh hoa Pháp, từ các chính trị gia, tri thức… là “le modèle allemand – mô hình Đức”. Người Pháp đặt ra nhiều câu hỏi: Đâu là sự ưu việt của mô hình Đức? Tại sao trong thời buổi cả châu Âu khủng hoảng, trong đó có cả nước Pháp, nền kinh tế Đức vẫn vững vàng? Hỏi để tìm ra câu trả lời: Liệu Pháp có theo đuổi mô hình đó được không?

Các tranh luận kéo dài liên miên nhưng, như những bài học lịch sử dữ dội giữa hai đất nước láng giềng hùng mạnh nhất châu Âu này, kết luận cuối cùng thường là: Pháp khác Đức. Người Pháp khác người Đức. Người Đức có kỷ luật ngân sách vì họ chấp nhận sống khổ, làm việc nhiều, ít kêu ca, không có lương tối thiểu trong khi người Pháp có vẻ nghiện đình công và luôn có xu hướng tự hào thái quá về mô hình an sinh xã hội rộng lượng nhưng tốn kém của mình.

Trước năm 2000, hầu như không có sự khác biệt giữa Đức và Pháp. Mức sống dân chúng hai nước ngang nhau, sản xuất công nghiệp ngang nhau, tốc độ phát triển tương đương. Nhưng giờ thì khác quá xa. Một bên là nước Đức, sau một loạt các cải cách mạnh dạn về thị trường lao động, thuế, ngân sách… tiếp tục phát triển vững chắc và một bên là Pháp ì trệ kéo dài, công nghiệp sản xuất trong nước trên bờ sụp đổ, nợ công lên mức báo động. Nhận thức chung trong dân chúng Pháp bây giờ là: từ khi có đồng euro, Pháp đã thua Đức. Và sự thua thiệt này đang ngày càng lớn dần.

Đức và Pháp đều đã thay đổi hoàn toàn phong cách truyền thống. Ai sẽ thắng trong cuộc đối đầu đêm nay?

Nhưng nếu có một gì đó mãi không thay đổi trong tâm thức Pháp-Đức này thì đó là việc người Pháp, dù có ám ảnh vì người Đức đến đâu, cũng không bao giờ chịu thua. Đức có thể là số 1 châu Âu trong hầu hết lĩnh vực nhưng Pháp cũng quyết phải là số 1 châu Âu trong các địa hạt khác. Đêm nay, là trong bóng đá.

Lịch sử đụng độ giữa Les Bleus và Die Mannschaft có quá nhiều thứ để nói. Từ khi biết Pháp sẽ gặp Đức đêm nay ở Maracana, báo chí Pháp ngày nào cũng nói về trận đấu 32 năm trước ở Sevilla, nói về cú song phi suýt nữa đoạt mạng Batiston từ thủ môn Harald Schumacher. Họ nói cả về khả năng Manuel Neuer sẽ song phi một cú tương tự, sau khi nhìn thủ môn này ra ngoài vòng cấm địa phá bóng nhiều lần trong trận gặp Algeria. Người Pháp, khác với sự tiết chế thường thấy, đang hướng đến trận đấu đêm nay với một tâm lý báo thù tương đối gay gắt.

Có những thứ khiến người Pháp tự tin. Trong quá khứ, bóng đá Đức như khắc tinh của bóng đá Pháp vì triết lý bóng đá đối lập như nước với lửa, giữa một bên chú trọng tính trình diễn (Pháp) với một bên chỉ quan tâm hiệu quả (Đức). Nhưng thời thế thay đổi, cả Les Bleus lẫn Die Manschaft hiện tại đều không phải là những đội bóng với những phẩm chất như trong quá khứ. ĐT Pháp ngày nay chơi một thứ bóng đá thể lực, nhanh, mạnh, trực diện và cơ hội còn ĐT Đức lại thích cầm bóng, chơi đẹp. Cả hai, như đang đổi ngược chỗ cho nhau.

Quan trọng nhất, các cầu thủ Pháp bây giờ không có khái niệm về “modèle allemand” trong đầu. Từ sau thế hệ Zidane, với họ, không có chỗ cho tâm lý yếu thế trước người Đức. Năm 2006, trên chính đất Đức, tuyển Pháp chơi thứ bóng đá đỉnh cao với đôi chân ma thuật của Zidane. Vài năm qua, Franck Ribery - một người Pháp, làm mưa làm gió ở Bundesliga.

Người Pháp “cổ điển” có thể mang tâm lý ngại Đức, chứ người Pháp “3B” (Black-Blanc-Beur) thì chẳng quan tâm đến chuyện đó. Như bình luận của Blaise Matuidi về chuyện Oliver Kahn nói Pháp không phải đội mạnh, thì: “Nói trước trận đấu chẳng để làm gì. Nói sau cũng chẳng để làm gì. Thích nghĩ gì thì nghĩ”.

Có thể, người Đức vẫn nghĩ rằng họ luôn mạnh hơn người Pháp.

Trên lý thuyết, thì đúng là thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại