Website ra đời như thế nào?

Lê Du |

Nhờ Tim Berners-Lee và những người tiên phong về Internet, hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống hiện nay đều có thể được thực hiện trực tuyến.

Tim Berners-Lee trong một buổi nói chuyện tại CERN.

Ngày 6/8/1991, tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) ở ngoại ô Geneva, Thụy Sĩ, Tim Berners-Lee, nhà khoa học máy tính người Anh, lướt nhanh các ngón tay trên bàn phím máy tính, rồi nhấn Enter sau khi gõ một lệnh.

Không ai, ngay cả Tim, nhận ra rằng đây là một khoảnh khắc mang tính cách mạng và sẽ làm thay đổi thế giới: Trang web đầu tiên trên thế giới vừa ra đời.

Ý tưởng ban đầu

Vào tháng 6/1980, tại CERN, Tim Berners-Lee lúc đó 25 tuổi, ngồi vào bàn làm việc, mở ngăn kéo và đổ một hộp bút chì, bút mực và cục tẩy vào đó. Tiếp theo, ông sắp xếp giấy tờ thành những chồng gọn gàng.

Đây là ngày đầu tiên Tim làm việc tại CERN theo hợp đồng 6 tháng, giúp lập trình máy tính chạy một trong những máy gia tốc hạt của CERN. Công việc đòi hỏi kỹ năng cao và Tim là một lập trình viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chiếc bàn làm việc mới của chàng trai trẻ không có máy tính.

Bốn thập niên trước, trong Thế chiến II, máy tính điện tử đã được sử dụng để giải các mật mã của quân đội Đức. Sau khi các nhà khoa học và kỹ sư phát triển công nghệ giải mã được giải ngũ, họ đã điều chỉnh máy tính của mình để sử dụng cho mục đích dân sự.

Nhưng những chiếc máy tính đầu tiên sau chiến tranh cực kỳ đắt tiền và mạch điện cần thiết lớn đến mức chiếm hết cả một căn phòng. Vì vậy, chỉ có các viện nghiên cứu chuyên ngành như CERN mới sử dụng chúng.

Mặc dù, một số công ty khi đó đã bắt đầu chế tạo máy tính để bàn nhỏ hơn, nhưng chúng vẫn chưa có khả năng giải các phép tính phức tạp cần thiết để vận hành máy móc tại CERN. Do đó, Tim phải làm việc với bút chì và giấy trước khi chuyển mã của mình sang bảng điều khiển tại một trong các phòng máy tính của CERN.

Những ngày đầu tiên, Tim phải làm quen một cách vất vả với các hệ thống xa lạ ở CERN. Khi gặp phải vấn đề khó, anh thường vào một thư viện nhỏ trong phòng điều khiển máy tính trung tâm để tham khảo. Nhưng đó là một quá trình gây khó chịu và tốn thời gian. Tim chắc chắn rằng có một cách tốt hơn, hiệu quả hơn để lưu trữ và chia sẻ thông tin phức tạp.

Vì vậy, trong thời gian nghỉ giữa các lần lập trình, Tim thiết kế một cơ sở dữ liệu có tên là ENQUIRE để sắp xếp và đối chiếu thông tin về các hệ thống của CERN. Cơ sở dữ liệu này liên kết các bit thông tin khác nhau, giống như mạng nhện, nghĩa là nếu có vấn đề ở một khu vực, Tim có thể theo dõi dấu vết để xem nó có thể ảnh hưởng đến các phần khác của hệ thống như thế nào.

Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web.

Bước đột phá lớn

Sau 6 tháng ở Geneva, hợp đồng của Tim hết hạn và anh trở về Anh. Nhưng Tim không thể quên công việc của mình tại CERN. Vì vậy, 4 năm sau, khi ở đó cần một vị trí làm việc cố định, Tim nắm bắt cơ hội quay trở lại.

Nhưng CERN lúc này khác nhiều so với khi anh rời đi. Bây giờ, mỗi nhân viên đều có máy tính riêng trên bàn làm việc, được kết nối qua mạng cục bộ. Tim không còn phải đến phòng máy tính mỗi khi cần nhập mã nữa. Và ngay sau khi anh đến, máy tính của CERN cũng được kết nối với Internet - một mạng máy tính toàn cầu.

Nhưng Internet có một nhược điểm lớn. Không có cách chuẩn hóa nào để các máy tính giao tiếp với nhau. Vào tháng 3/1989, Tim đề xuất một giải pháp. Ông muốn làm việc trên một hệ thống quản lý thông tin giống như cơ sở dữ liệu ENQUIRE cũ của mình, cho phép máy tính giao tiếp tốt hơn.

Sau khi được chấp thuận, Tim bắt tay vào làm việc. Và chẳng mấy chốc, ông đã có cơ sở cho một hệ thống, sử dụng các liên kết siêu văn bản để điều hướng giữa các tài liệu và tệp khác nhau. Tim viết một ngôn ngữ lập trình để tạo các tệp mới, mà ông gọi là Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản hay HTML.

Tim cũng thiết lập một bộ quy tắc để truyền tệp qua Internet, hay Giao thức truyền siêu văn bản, hay HTTP. Cuối cùng, Tim thiết kế một hệ thống địa chỉ mà mọi tệp sẽ sử dụng để xác định chính nó. Các địa chỉ này được gọi là Định vị tài nguyên thống nhất, hay URL.

Tim mất hai năm làm việc để hoàn thành dự án này. Ông trình bày cái mà gọi là World Wide Web với các ông chủ của mình tại CERN. Và để chứng minh tính năng của nó, Tim nhấp chuột và cho họ xem trang web đầu tiên mà ông cho ra vào đầu ngày hôm đó. Đây là một trang web đơn giản có địa chỉ http://info.cern.ch dựa trên văn bản bao gồm một số tài liệu phác thảo về World Wide Web và cách thức mà nó hoạt động.

Nhưng khó khăn là thuyết phục mọi người sử dụng nó. World Wide Web sẽ không hoạt động nếu mọi người không sử dụng ngôn ngữ lập trình của Tim, hoặc tải lên bằng giao thức truyền của ông. Cách tốt nhất để khiến họ sử dụng là làm cho nó dễ dàng và rẻ nhất có thể.

Vì vậy, vào tháng 4/1993, gần hai năm sau khi ra mắt trang web đầu tiên, Tim đã thuyết phục các ông chủ của mình tại CERN phân phối phần mềm cần thiết để truy cập World Wide Web miễn phí. Kể từ đó, số lượng người truy cập web không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 11/2022, cơ sở dữ liệu từ Internet Live Stats đã ước tính có gần 2 tỷ trang web trên Internet.

Nhờ Tim Berners-Lee và những người tiên phong khác về Internet, hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày hiện nay đều có thể được thực hiện trực tuyến, và tất cả đều có thể truy nguyên nguồn gốc từ trang web đầu tiên, được xuất bản trên một máy tính ở Geneva vào ngày 6/8.

Tim Berners-Lee được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 2004 do công lao mang tính tiên phong của ông. Ngoài ra, ông còn là thành viên danh dự của một số hội học thuật danh tiếng và được tạp chí Time đưa vào danh sách “100 người quan trọng nhất thế kỷ 20”. Năm 2016, Tim Berners-Lee nhận được giải thưởng Turing “vì đã phát minh ra World Wide Web, trình duyệt web đầu tiên, và các giao thức và thuật toán cơ bản cho phép Web có thể mở rộng quy mô”.

Theo Historydaily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại