Vượt khó trong mùa dịch

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Lao động khu vực phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 1-2020 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và việc làm của người lao động (NLĐ). Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ riêng trong tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động và khoảng 84,8% DN được khảo sát cho biết đang gặp khó khăn do Covid-19, chủ yếu ở các ngành, vùng, địa phương, nhất là các ngành: công nghiệp chế biến - chế tạo (hơn 1,3 triệu lao động); bán buôn, bán lẻ (hơn 1 triệu lao động); vận tải - kho bãi (khoảng 400.000 lao động); dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 750.000 lao động).

Tổn thương do tái cơ cấu

Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động.

Lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động (HĐLĐ), lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19.

Mới đây, nhận được thông báo chấm dứt HĐLĐ, chị H.Y.N - nhân viên một công ty lữ hành quốc tế có trụ sở tại quận 1, TP HCM - rất buồn. Lý do chị N. bị đưa vào diện cắt giảm là do nhiều tháng nay công ty không có khách nên mọi hoạt động đình trệ, buộc phải tái cơ cấu bộ máy nhân sự.

"So với các đồng nghiệp cùng phòng, bằng cấp của tôi thấp hơn và cũng ít kinh nghiệm hơn, do vậy tôi đành chấp nhận với quyết định của công ty" - chị N. bày tỏ và cho biết sẽ tranh thủ học thêm nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân.

Chồng chị N. là một kỹ sư xây dựng và từ nhiều tháng nay chỉ hưởng 50% lương cơ bản do công ty đang gặp khó khăn. Do vậy, trước mắt vợ chồng chị là những khó khăn chồng chất.

Anh Đỗ Quốc Miện (38 tuổi; quê Cà Mau; tạm trú quận 12, TP HCM), nhân viên lái xe một công ty dịch vụ vận chuyển, rất lo lắng khi nghe thông tin mình nằm trong số 25 lao động bị cắt giảm vào tháng 5-2020.

Anh Miện cho biết công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển cho chuyên gia nước ngoài từ TP HCM đi các tỉnh. Thế nhưng, từ sau Tết đến nay, dịch bệnh khiến nhiều khách hàng hủy hợp đồng với công ty và anh phải ở nhà nằm chờ việc, được hưởng 50% lương cơ bản.

"Thu nhập giảm sút khiến cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Tôi phụ vợ bán hàng online nhưng cũng ế ẩm lắm. Đầu tuần rồi, tôi có gọi lên công ty hỏi thăm thì biết công ty vẫn chưa ấn định ngày hoạt động trở lại và đang xem xét cắt giảm lao động để giảm chi phí.

Cùng với 5 đồng nghiệp khác, tôi bị đưa vào diện cắt giảm. Tôi cũng chưa tính được mình sẽ làm gì khi thất nghiệp" - anh Miện lo lắng.

Có sức khỏe thì còn nhiều việc để làm

Để hỗ trợ NLĐ mất việc, thiếu việc làm do dịch Covid-19, ngày 9-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ an sinh xã hội lên đến 62.000 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 24-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong tháng 5-2020, các địa phương trong cả nước đang tập trung triển khai thực hiện để người dân sớm được thụ hưởng

Đánh giá cao chính sách nhân văn này của Chính phủ Việt Nam, song ông Patrick Belser, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng các cơ quan có liên quan cũng như các địa phương cần phải công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện gói chính sách này, bảo đảm tiền phải đến được với những NLĐ cần giúp đỡ nhất.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong khi một số NLĐ có thể làm việc tại nhà với mức thu nhập không mấy thay đổi thì nhiều NLĐ khác (lao động phi chính thức, lao động không có HĐLĐ) không thể làm như vậy do không có điều kiện hoặc không thể. Họ phải chọn làm việc với thu nhập bị cắt giảm triệt để hoặc nghỉ hẳn.

Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hàng triệu lao động bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch Covid-19 gây ra. "Chính phủ các nước đã và đang áp dụng các biện pháp trên quy mô lớn nhằm duy trì việc làm, hỗ trợ DN và NLĐ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, không phải tất cả NLĐ hay DN đều được hưởng lợi từ những biện pháp này của chính phủ. Đối với NLĐ trong khu vực kinh tế phi chính thức, giảm giờ làm do đại dịch đồng nghĩa với việc mất thu nhập nhưng không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp" - ông Patrick Belser nói.

Ông Alice Nguyên Đỗ, một chuyên gia về tuyển dụng, lao động và việc làm của HR Strategy, cho rằng dịch Covid-19 đã gây nên một làn sóng thất nghiệp và điều tồi tệ chẳng ai mong muốn. Tình hình này đang càn quét khắp thế giới và chắc chắn để lại hệ lụy lâu dài.

"Tôi nghĩ đây là một biến cố và NLĐ không còn sự lựa chọn nào khác. Tất nhiên, vẫn còn nhiều con đường để chúng ta đi. Không làm việc này thì làm việc khác bởi NLĐ bị ảnh hưởng do dịch là đối tượng lao động dễ chuyển việc nhất.

Do đó, việc bây giờ NLĐ cần làm là cùng nhau phòng dịch thật tốt, dịch sẽ qua nhanh thôi và chúng ta làm lại từ đầu. Đôi khi trong "nguy" có "cơ", cứ có sức khỏe thì vẫn còn nhiều việc khác để làm" - ông Alice Nguyên Đỗ bày tỏ.

10% doanh nghiệp cắt giảm nhân sự lẫn lương và phúc lợi

VietnamWorks vừa có báo cáo "Covid-19 và thị trường nhân lực: Những thách thức để tiến tới trạng thái bình thường mới". Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát của 400 DN và 3.400 người tìm việc.

Báo cáo cho thấy nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% DN đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các DN chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương và phúc lợi.

Qua kết quả khảo sát có gần 40% NLĐ đã mất việc và chưa có việc làm toàn thời gian trở lại, trong số 60% lực lượng lao động còn đang đi làm thì 50% trong số này đã đang bị giảm thu nhập.

Khi được khảo sát về việc "cắt giảm nhân sự tại các cấp bậc trong công ty", 72% DN chọn cắt giảm nhóm nhân viên cấp thấp, trong đó 51% chọn cắt giảm nhóm nhân viên ít kinh nghiệm, 21% chọn nhóm thực tập sinh/mới ra trường.

Vượt khó trong mùa dịch - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại