Theo CNN, hiện vẫn chưa rõ liệu có phải tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng gói viện trợ quân sự để gây áp lực nhằm buộc Ukraine điều tra ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ - ông Joe Biden - hay không.
Những người ủng hộ ông Trump cho rằng tới nay vẫn chưa có bằng chứng rằng ông Trump đã đưa ra đề xuất "có qua có lại" với Ukraine và khẳng định người tuồn thông tin bí mật ra bên ngoài đã nhận được nội dung về cuộc nói chuyện của ông Trump thông qua một người khác.
Nhưng nếu ông Trump thực sự sử dụng quyền lực để ép buộc một lãnh đạo nước ngoài can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, đây có thể là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong những năm gần đây ở nước Mỹ.
Bên cạnh đó, việc này sẽ khiến đội ngũ của ông Trump - vốn bị coi là nhận nhiều ưu thế nhờ vào sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ năm 2016 - bị nghi ngờ vì sử dụng quyền tổng thống để dẫn đầu trong cuộc bầu cử năm 2020 sắp tới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cảnh báo rằng những diễn biến mới có thể sẽ dẫn tới "một cuộc điều tra mới". Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump hiện vẫn giữ im lặng.
Ông Trump cho biết đã đối thoại với tổng thống Ukraine về ông Biden
Hôm 22/9, ông Trump nói ông đã đối thoại với tổng thống Ukraine về ông Biden giữa bối cảnh Kiev đang chờ đợi gói viện trợ quân sự 250 triệu USD từ Mỹ. Cuộc gọi với ông Zelensky được thực hiện vào ngày 25/7. Quốc hội thông qua dự luật vào tháng 8 và Nhà Trắng đã triển khai khoản tiền vào tháng 9 này.
"Tôi chủ yếu chúc mừng ông Zelensky, và chúng tôi không muốn những người như ông Biden và con trai ông ta làm tồi tệ thêm nạn tham nhũng ở Ukraine," ông Trump nói.
CNN dẫn các nguồn tin cho biết, ông Trump đã thúc giục ông Zelensky điều tra về con trai của ông Biden trong cuộc gọi ngày 25/7. Tuy nhiên, cuộc đối thoại này không đề cập tới khoản viện trợ quân sự, và do đó không có nội dung về cuộc trao đổi có qua có lại giữa hai phía.
Đây cũng chính là điều khiến bà Pelosi do dự trong việc khởi động quy trình luận tội nhằm vào tổng thống Trump.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói: "Nếu tổng thống Trump giữ viện trợ quân sự vào đúng lúc ông muốn buộc một nhà lãnh đạo nước ngoài làm gì đó mờ ám, bôi nhọ hình ảnh của đối thủ trong cuộc vận động tranh cử, thì những việc đó đang thể hiện một hành vi không minh bạch".
Tầm nghiêm trọng của vấn đề
Tổng thống Mỹ được kì vọng là người sẽ hành động vì quyền lợi của mỗi người dân Mỹ và không được phép sử dụng quyền hạn trong chính sách đối ngoại để đạt được những mục tiêu trả thù chính trị hoặc làm xáo trộn nền dân chủ Mỹ.
Do đó, vụ việc liên quan tới Ukraine rất nghiêm trọng bởi nó có thể là bằng chứng của sự lạm quyền.
Ông Trump và đội ngũ của ông đã có sự mâu thuẫn về việc có nên công bố đoạn đối thoại với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không.
Ông Trump khẳng định rằng ông "không nói gì sai" trong cuộc đối thoại. "Cuộc nói chuyện rất hoàn hảo," ông Trump nói.
Những vụ bê bối trước đó - bao gồm cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, hàng loạt vụ việc gây tranh cãi từ hành vi gây xúc phạm đối với cựu nghị sĩ John McCain và những khoản tiền "im lặng" để trả cho những phụ nữ từng tuyên bố đã từng qua đêm với ông Trump - đã không thể khiến ông Trump bị luận tội.
CNN cho rằng, có thể ông Trump đã rút ra được nhiều bài học từ những bê bối như vậy.