Ghế ngồi - tín hiệu chính trị đặc biệt
Trước thềm Lưỡng hội, những suy đoán về sự trở lại chính trường của cựu trùm "đả hổ" Vương Kỳ Sơn luôn gây được nhiều chú ý, đặc biệt từ khi ông có tên trong danh sách Đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tỉnh Hồ Nam ngày 29/1 và không xuất hiện trong danh sách "lãnh đạo trung ương thăm hỏi các đồng chí cũ" do Tân Hoa Xã đăng tải hôm 13/2.
Đặc biệt hơn, trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc sáng nay 5/3, cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Vương Kỳ Sơn - với tư cách đại biểu, thành viên đoàn Chủ tịch hội nghị bước vào hội trường, sau 7 Ủy viên Ban thương vụ đương nhiệm.
Ông Vương ngồi cùng hàng ghế thứ 2 - hàng ghế đoàn Chủ tịch cùng với các ủy viên Ban thường vụ. Theo quan sát, ông này ngồi giữa Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế và ủy viên Bộ chính trị Mã Khải.
Trước đó, chương trình thời sự tối ngày 4/3 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin về Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu nhân đại toàn quốc cùng ngày cho thấy, ông Vương Kỳ Sơn ngồi cùng hàng ghế Ban thường vụ, với một bên là ủy viên Hàn Chính, bên còn lại là ghế bỏ trống.
Ống kính máy quay sau khi quay cận cảnh 6 ủy viên Ban thường vụ gồm Tận Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính (ông Uông Dương vắng mặt do chủ trì Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc) đã dừng lại ở Vương Kỳ Sơn.
Trong khi đó, các ủy viên Bộ chính trị khác ngồi ở hai hàng ghế phía sau của Ban thường vụ và ông Vương ngồi.
Theo giới quan sát, động thái trên không chỉ cho thấy vị thế chính trị của cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương CCDI - chỉ xếp sau Ban thường vụ - mà còn mở ra khả năng ông sẽ giữ vị trí cao trong nhà nước như nhiều người dự đoán trước đó.
Từ trái sang phải: Uông Dương, Triệu Lạc Tế, Vương Kỳ Sơn, Mã Khải. Ảnh: Reuters
Một Vương Kỳ Sơn khác biệt
Vương Kỳ Sơn được đánh giá là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, không chỉ ở lĩnh vực chống tham nhũng mà còn ở phạm trù quản lý kinh tế tài chính.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008, Vương Kỳ Sơn lúc này đang đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng Quốc vụ viện đã hỗ trợ Thủ tướng Ôn Gia Bảo đối phó vấn đề, giúp Trung Quốc dễ dàng vượt qua khủng hoảng.
Năm 2003, khi khống chế thành công dịch SARS lan rộng, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Vương Kỳ Sơn bấy giờ đã được mệnh danh là "đội trưởng đội cứu hỏa".
Dù không được đào tạo bài bản về kinh tế nhưng ông này vẫn có kinh nghiệm khi xử lý các vấn đề kinh tế. Trưởng thành từ Phòng nghiên cứu chính sách nông thôn Quốc vụ viện, sau đó lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng cải cách thể chế kinh tế Quốc vụ viện, Giám đốc ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn tài chính quốc tế Trung Quốc.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, Vương Kỳ Sơn khéo léo xử lý vụ án nợ, phá sản nổi tiếng của Tập đoàn đầu tư ủy thác quốc tế Quảng Đông.
Sau Đại hội 18 năm 2012, Vương Kỳ Sơn trở thành Bí thư CCDI, lãnh đạo đội ngũ kiểm tra kỷ luật được cho là "cứng rắn nhất" trong lịch sử Trung Quốc, tạo nên làn sóng chống tham nhũng "vô tiền khoáng hậu", giúp người đứng đầu Trung Nam Hải xử lý rất nhiều quan chức tham nhũng máu mặt.
Chính điều này đã khiến quan trường Trung Quốc lan truyền câu nói: "Thà gặp Diêm Vương chứ không gặp ông Vương [Kỳ Sơn]".
Hay về vấn đề quan hệ Trung-Mỹ, Vương Kỳ Sơn cũng đóng vai trò ấn tượng. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman từng khen ngợi Vương là một nhà đàm phán xuất sắc, rất linh hoạt và mạnh mẽ khi đối phó với người Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, Vương Kỳ Sơn đã trở thành một "hiện tượng" hiếm thấy trên chiến trường Trung Quốc, người đã khiến dư luận "ngỡ ngàng khi ra đi và kinh ngạc khi trở lại".
Thậm chí giới phân tích còn liên tưởng tới "độc chiêu đả hổ" của ông: Vương thường "ẩn dật" trước khi đốn gục một "hổ lớn" nên bộ phận ý kiến cho rằng, ông sẽ lại tỏa sáng trên chính trường Trung Quốc sau thời gian hơn 4 tháng nghỉ hưu.
Vương Kỳ Sơn tham gia Lưỡng hội 2018