Vừa thừa nhận khả năng của S-500, Mỹ đột nhiên đổi giọng

Anh Dũng |

Tạp chí National Interest cho rằng, ngày hệ thống này hoạt động được với 100% tiềm năng vẫn còn là điều mơ hồ

Ngày 4/11, Tạp chí National Interest cho biết, dù chưa từng công bố một bức ảnh nào về S-500 Prometheus nhưng Nga khẳng định, đây là hệ thống phòng không siêu hiện đại, với khả năng tấn công 10 mục tiêu trên không cùng lúc ở khoảng cách lên tới hơn 600km, độ cao đánh chặn từ 185-250km, thời gian phóng các tên lửa liên tiếp chỉ cách nhau từ 3 đến 4 giây.

Giống như hệ thống tên lửa phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, S-500 sử dụng các loại đạn tên lửa 776N-N và 776N-N1 với công nghệ đánh chặn kiểu va chạm trực tiếp chứ không phải nổ mảnh như các loại đạn cũ. Đạn 776N sẽ bay ở vận tốc từ 5 đến 7 km/s nhằm cho phép nó hạ được cả tên lửa hành trình siêu thanh.

Hệ thống radar cảnh giới trên không của S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, tầm phát hiện mục tiêu của nó thậm chí đạt tới 800-1000km, đủ khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Vừa thừa nhận khả năng của S-500, Mỹ đột nhiên đổi giọng  - Ảnh 1.

Tổ hợp S-500 Nga sẽ có những đặc tính chiến đấu vượt trội hơn hẳn S-400 và S-300.

Ở S-500, Nga cũng sẽ trang bị hệ thống truyền thông radio tân tiến hơn mọi thiết bị cùng loại trên thế giới. Sự hiện đại và khác biệt của hệ thống thông tin liên lạc này sẽ ngăn chặn mọi cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền, thu nhận hoặc làm nhiễu sóng tín hiệu của S-500.

Đây là sự cải tiến quan trọng trong thời đại mà sự bí mật và khả năng chống nhiễu chính là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của mọi tên lửa phòng không.

Quân đội Nga có kế hoạch sẽ mua 10 tiểu đoàn tên lửa S-500 để tăng cường sức mạnh cho các đơn vị phòng không hiện tại và có thể sẽ nhận được hệ thống này ngay vào năm 2017.

Phủ nhận

Tạp chí National Interest cho rằng, những thông số trên là vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, việc giới chức Nga chưa hề tiết lộ bất kì thông tin nào về kết quả quá trình thử nghiệm của S-500 khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thực sự của loại tên lửa phòng không này.

Mỹ là quốc gia có sự tiến bộ nhất thế giới về công nghệ chế tạo tên lửa, nhưng cũng phải trải qua hàng trăm thất bại trong suốt một thập kỉ thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không giai đoạn cuối (THAAD).

Do đó có lí do để cho rằng, việc Nga phát triển ra một hệ thống phòng không với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 200km như S-500 không phải là điều dễ dàng.

Theo National Interest, có dấu hiệu chứng minh chương trình S-500 đang tiến chậm hơn kế hoạch và sẽ không thể biên chế trong tương lai gần.

Đầu tiên là S-500 phụ thuộc vào tên lửa N776 nhưng 2 nhà máy sản xuất loại tên lửa này không thể hoạt động hết công suất cho tới hết năm 2016. Hãng sản xuất Almaz-Antey thậm chí còn đang chưa thể sản xuất đủ tên lửa cho hệ thống S-400.

National Interest dẫn lời nhà phân tích Paul Schwartz cho rằng, ngày triển khai S-500 chắc chắn sẽ phải lùi lại so với thời gian mà Moscow đã tuyên bố trước đó. Trong khi một điều tra của Học viện Nghiên cứu Chiến lược (SSI) còn chỉ ra rằng, S-500 sẽ chỉ sẵn sàng bàn giao cho quân đội Nga sau năm 2020.

Nếu chưa thể sử dụng tên lửa đánh chặn siêu thanh 776N, S-500 có thể dùng tạm các tên lửa 40N6M của S-400. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là hệ thống chưa thể hoạt động với khả năng ưu việt tối đa như Nga nhắc tới.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà S-500 vẫn chưa thể giải quyết đó là khả năng bắn hạ các chiến đấu cơ tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ. Hệ thống radar cảnh giới của S-500 được đánh giá là có thể phát hiện những máy bay tàng hình trên nhưng việc điều khiển tên lửa nhằm tiêu diệt nó vẫn là điều nan giải.

Như vậy, có thể kết luận rằng, Nga đã đạt được những thành tựu nhất định ở việc gia tăng tầm bắn và khoảng cách phát hiện mục tiêu của S-500. Tuy nhiên, ngày hệ thống này hoạt động được với 100% tiềm năng vẫn còn điều mơ hồ. Bên cạnh đó, nó không phải là bất khả xâm phạm khi đối đầu với các máy bay tàng hình tân tiến của Mỹ.

Thừa nhận

Đáng chú ý, những thông tin trên được tạp chí National Interest đưa ra ngay sau khi tờ tạp chí này dẫn những phân tích của chuyên gia quân sự Sebastien Roble.

Sebastien Roble cho rằng, việc xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa của Nga hiện nay đang đặt trọn lòng tin vào tổ hợp tên lửa phòng không S-500.

Theo vị chuyên gia này, S-500 cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ sẽ áp dụng khái niệm "đánh chặn động năng điều khiển học", khi chỉ sử dụng động năng của tên lửa để diệt mục tiêu.

Vận tốc bay của tên lửa Nga có thể thay đổi, nhờ đó tên lửa S-500 là thật đa năng, có thể kịp thời đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay và có lẽ ngay cả vệ tinh của đối phương.

Nhà phân tích Sebastien Roblin viết, "do khả năng tấn công tầm xa rất lớn của S-500, tổ hợp này trở thành loại vũ khí lý tưởng chống lại những mục tiêu lớn và khó nhận thấy nhất.

Dù xác định và tiêu diệt máy bay ném bom từ khoảng cách xa là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng, các máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) và máy bay trinh sát-tác chiến điện tử sẽ phải định hướng hoạt động bên ngoài phạm vi tác dụng của S-500".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại