Sinh ra ở gia đình thuần nông, học trường làng
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Nguyễn Thị Trà My học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phương, TP Hà Nội đã xuất sắc đạt thành tích 28,4 điểm (Toán 9,4; Ngữ văn 9 và Tiếng Anh 10) qua đó vượt qua nhiều thí sinh khác trở thành nữ thủ khoa khối D1 của cả nước.
Ngôi nhà nhỏ của Trà My ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội những ngày này luôn tràn ngập tiếng cười khi kết quả kỳ thi THPT Quốc gia được công bố. Khi gặp em, chúng tôi đã hiểu vì sao người ta gọi em là "nữ sinh trường làng" bởi sự giản dị, mộc mạc, chân chất của mình .
Sự giản dị của thủ khoa trường làng.
Là con thứ 2 trong gia đình bố mẹ thuần nông. Trước Trà My còn có chị gái vừa tốt nghiệp đại học, sau còn một cậu em trai đang học lớp 8 và cô em gái út chưa tròn 1 tuổi.
Cũng như bao bạn đồng trang lứa khác, từ nhỏ đến khi học cấp 3, Trà My học hết trường làng rồi lên đến trường huyện. Vì gia đình mỗi người một công việc, em còn nhỏ nên những ngày bắt đầu học cấp 3 Trà My ý thức tự bản thân cố gắng.
Bên cạnh đó em cũng nhận được sự chỉ bảo, hỗ trợ và truyền động lực của các thầy cô giáo và đặc biệt là sự động viên rất lớn từ bố mẹ và bạn bè. Vì vậy, trong suốt 12 năm học năm nào Trà My cũng giành được kết quả học tập tốt.
Thành tích đáng ngưỡng mộ của Trà My.
Khi mới gặp mặt Trà My còn rất ngại ngùng, vẫn còn cảm giác bất ngờ, em cho biết: "Sau khi thi xong và xem đáp án em đã tự chấm điểm được ở hai môn Toán và Tiếng Anh, còn môn Văn thì em phải chờ đợi, môn đó khá là khó chấm chính xác.
Mặc dù vậy em không ngờ mình lại đạt điểm môn Văn cao như vậy và càng bất ngờ khi biết mình có điểm khối D cao nhất cả nước.
Em nghĩ đấy cũng là một điều may mắn của mình bởi kỳ thi năm nay có rất nhiều bạn giỏi nhưng có thể vì lí do nào đó các bạn để mất điểm ở những câu dễ.
Trước và sau hôm biết được kết quả em không ngủ được, cứ trằn trọc. Sáng hôm dậy xem điểm có cả bố ngồi bên cạnh, lúc đó hai bố con rất là hồi hộp, khi xem xong điểm em còn hét lên, bố ngồi bên cạnh cũng rất vui".
Sau những giờ học ở trường, gia đình Trà My luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để em có thể dành thời gian cho việc học. Những lúc rảnh rỗi em vẫn phụ bố mẹ làm việc nhà, trông em nhỏ và thời gian của em hầu như đều ở góc học tập nhỏ của mình.
Góc học tập của thủ khoa khối D.
"Thường thì ngoài thời gian học ở trường, tối đến em có học một chút nhưng không học quá khuya vì em nghĩ nó hại cho sức khoẻ. Bản thân em không đặt nặng và gò bó việc mình dành thời gian bao nhiêu tiếng để học trong một ngày, em sắp xếp thời gian học mỗi khi rảnh và không kể buổi nào", Trà My chia sẻ.
Với kết quả đạt được trong kỳ thi vừa qua, Trà My dự kiến sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Ngoại thương, ngành Kinh tế đối ngoại hoặc ngành Tài chính Ngân hàng. Ngoài ra Trà My còn nộp nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Mục tiêu được em dán ở góc học tập để nhắc nhở bản thân.
Chị Hoàng Thị Dung (mẹ của Trà My) xúc động cho biết: "Gia đình cũng rất bất ngờ, vui mừng và tự hào về kết quả con đạt được. Gia đình làm nông, trước tôi cũng chỉ học đến lớp 7, thấy con chăm học nên hai vợ chồng cố gắng tạo mọi điều kiện để con có thể dành thời gian tối đa cho việc học của mình.
Có được kết quả ngày hôm nay ngoài sự cố gắng của con, gia đình rất biết ơn các thầy, cô trong trường cũng như thầy cô ở trung tâm đã nhiệt tình giúp đỡ em trong việc học tập".
Vừa học bài, vừa ôm em cho đỡ buồn ngủ
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình Trà My cho biết em không có bí quyết học gì nhiều mà chỉ cố gắng phân bổ thời gian thật tốt cho việc học của mình.
"Trên lớp em cố gắng tập trung nghe thầy cô giảng vì đó là những kiến thức cơ bản và quan trọng trong chương trình học, về nhà tìm tỏi học hỏi thêm để rèn luyện đề như vậy kiến thức cũng như khả năng làm đề sẽ nâng cao hơn.
Ngoài ra em tư tìm cho mình những thầy cô mà phù hợp với phương pháp giảng dạy để đồng hành cùng mình. Em cũng rất may mắn khi tìm được nhiều thầy cô phù hợp, từ đó nó giúp ích rất nhiều cho việc học của em", Trà My chia sẻ.
Bảng thời gian cho kỳ thi được Trà My dán lên góc học tập để nhắc nhở bản thân không được chậm trễ.
Thời gian học ở nhà, Trà My luôn cố gắng dành những thời gian tỉnh táo để có thể tập trung cho việc ôn bài. Có một điều đặc biệt ở nữ sinh này đó là em thường để rất nhiều chuông báo thức vì sợ ngủ quên và Trà My còn có một phương pháp rất đặc biệt và dễ thương mỗi khi buồn ngủ.
"Em thường đặt rất nhiều chuông báo thức, cứ 20 phút chuông lại kêu một lần. Hồi đầu năm mẹ mới sinh em bé thì em cũng hay phụ bố mẹ trông em. Nhiều khi buồn ngủ em lại chạy lại bế em, thời gian đó cũng vất vả nhưng em nghĩ mình vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn", Trà My chia sẻ.
Chơi với em là phương pháp giúp em tỉnh táo nhất để tiếp tục học bài.
Nơi góc học tập của Trà My cũng vô cùng đặc biệt, mọi chỗ trống có thể dán, viết, hoặc treo em thường viết lên đó những dòng chữ như "mình sẽ làm được, mọi chuyện sẽ ổn", "Toán 9, Văn 9, Anh 10 nhé cô gái!" đặc biệt là logo của Trường ĐH Ngoại thương được dán trên mặt bàn như để Trà My tự động viên mình phải cố gắng.
Luôn động viên bản thân để đạt được ước mơ của mình.
Chia sẻ về những dòng chữ viết trên mặt bàn Trà My cho biết: "Những câu em viết trên bàn nó không phải của em mà từ cô giáo dạy Văn, trong giờ học mỗi khi cô động viên bằng một câu nói nào đó em đều ghi chép lại rồi về nhà viết ra bàn hoặc viết ra giấy rồi treo lên tường chỗ góc học tập của mình.
Khác với các bạn một chút, em luôn tự đặt mục tiêu cao hơn so với khả năng của mình. Đặt mục tiêu cao hơn nó vừa là áp lực nhưng sẽ là động lực để em cố gắng hơn trong việc học.
Những lúc căng thẳng em thường kể những chuyện vui với bố mẹ trong bữa ăn khi về nhà, còn trên lớp thì tranh thủ giờ ra chơi để nói chuyện với các bạn đó là cách giúp em thoải mái nhất".
Em trai và em gái của Trà My.
Trong việc học tập, mấy chị em trong gia đình Trà My tự chỉ bảo nhau học hành, luôn có ý thức tự giác. Những ngày gần thi Trà My luôn có chị gái và bố mẹ đồng hành.
Sau kỳ thi THPT Quốc gia chị gái tiếp tục với công việc của mình trên Hà Nội, còn My đã tự chuẩn bị chiếc bảng nhỏ trước nhà để dạy cậu em trai học bài những ngày không phải đi học chính khóa trên trường.