Xem phim Disney, chúng ta luôn nhìn thấy biểu tượng một tòa lâu đài tuyệt đẹp hiện ra trước tiên. Kỳ thực, nó được lấy nguyên mẫu từ lâu đài Neuschwanstein tọa lạc trên rặng núi Alps và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất châu Âu. Ngày nay, lâu đài thuộc về Bayern - bang lớn nhất nằm ở cực nam nước Đức, xa xưa từng là Vương quốc Bayern hay Bavaria.
Tại sao Disney lại lấy cảm hứng từ lâu đài này? Đó không chỉ bởi vẻ đẹp lộng lẫy huyền ảo mà do lâu đài được xây dựng vào bởi Hoàng đế Ludwig II của xứ Bavaria. Ông là một vị vua tài hoa yểu mệnh, gắn với nhiều giai thoại và các biệt danh độc đáo như "vua điên", "vua mặt trăng" hay "vua truyện cổ tích".
Cuộc đời ngắn ngủi 40 năm của Ludwig II là một chuỗi bi kịch, khi ông được tạo hóa ban cho một tâm hồn quá nhạy cảm, lãng mạn nhưng cũng gánh trên vai trọng trách đứng đầu vương quốc giữa thời chiến tranh loạn lạc.
Không thể đem văn thơ và kịch nghệ ra chống đỡ khiên giáo của kẻ thù, cuối cùng, Ludwig II chết trong cảnh "nước mất nhà tan", di sản chỉ còn lại hàng loạt tòa lâu đài tuyệt đẹp mà ông đã cho dựng nên. Tuy vậy, đối với người dân xứ Bavaria, vị vua của họ vẫn là một con người tài hoa "sinh bất phùng thời", đáng thương hơn là đáng trách.
Thời niên thiếu của Ludwig II: Thái tử mộng mơ sinh ra giữa thực tại tàn nhẫn
Ludwig II sinh ra tại Hohenschwangau - một trong những lâu đài đẹp nhất vùng. Cậu bé Ludwig thời thơ ấu dành trọn thời gian của mình để kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh xảo đến từng chi tiết của cung điện trên dãy Alps, vốn sở hữu phong cảnh thơ mộng như tranh.
Bên trong lâu đài là các bức tranh mô tả những người anh hùng trong truyền thuyết Đức/Bavaria thời xưa cùng hàng loạt truyện kể thần thoại.
Nhưng đối lập với phông nền ấy là một gia đình hoàng gia thực tế đến tàn nhẫn. Công nương Marie - mẹ của Ludwig - là một người đặc biệt quy tắc với phương châm dạy con "thương cho roi cho vọt". Hơn nữa, bà vốn là công chúa nước Phổ, lấy phụ thân của Ludwig trong một cuộc hôn nhân chính trị chứ không phải vì tình yêu.
Thái tử Ludwig (trái) cùng với cha mẹ và em trai của mình
Năm 1848, ông nội của Ludwig truyền ngôi lại cho vua Maximilian, bản thân Ludwig trở thành thái tử. Đó cũng là lúc bi kịch của ông chính thức bắt đầu. Mẹ ông, hoàng hậu Marie trở nên nghiêm khắc hơn bao giờ hết để huấn luyện con mình trở thành người trị vì tương lai.
Bà là người phụ nữ xuất thân từ nước Phổ hùng mạnh, vậy nên lúc nào cũng có đủ quyết đoán để dạy Ludwig những điều cần thiết khi lên làm vua nhưng lại không đủ tinh tế để nhận ra bờ vai mỏng manh của con mình.
Bất chấp điều đó, vua Maximilian đã băng hà vào năm 1864. Ludwig chính thức đăng cơ khi chỉ mới 18 tuổi, nắm giữ vận mệnh của vương quốc Bavaria rộng lớn.
Vị vua đam mê xây lâu đài hơn là trị vì vương quốc
Cái chết của vua Maximilian cũng là dấu hiệu báo thời suy tàn của vương quốc Bavaria. Các nước xung quanh khi biết tin vua băng hà đã lập tức củng cố lực lượng, chờ ngày kết hợp nhiều nước nhỏ thành một khối thống nhất (ngày nay là Liên bang Đức).
Người dân Bavaria thừa hiểu vị vua trẻ của mình không thể nào chống nổi lực lượng liên minh hùng mạnh, dẫn đầu là Phổ.
Tuy vậy, họ vẫn rất yêu thích Ludwig II. Ông sở hữu vẻ ngoài điển trai tuấn tú, chiều cao 1m91 hoàn toàn nổi bật ở bất kì đâu. Hơn nữa, Ludwig còn hay ngao du sơn thủy, thích nói chuyện với người dân trên đường và thưởng tiền hậu hĩnh cho những ai làm ông cảm thấy hài lòng.
Đặc biệt, Ludwig đổ rất nhiều tiền của vào văn hóa nhạc kịch của vương quốc. Đó là do từ thời niên thiếu, ông đã được xem các vở nhạc kịch của Richard Wagner và bị cuốn xoáy vào cái thế giới huyền hoặc của nó.
Đắm chìm vào chúng, nhà vua trẻ có thể quên đi thực tại tàn nhẫn mà lại quay về với thế giới của những vị anh hùng xa xưa, những thần thoại ông đã thuộc nằm lòng từ thời thơ bé trong cung điện.
Ludwig II dành hết lòng đam mê cho nhạc kịch và kết bạn tâm giao với tác giả nổi tiếng Richard Wagner
Sự đam mê lạ lùng dành cho các vở kịch và tác giả Wagner sâu sắc đến nỗi, nhiều giai thoại đã nói vua Ludwig đồng tính. Trên thực tế, ông hủy hôn với một người phụ nữ xinh đẹp dòng dõi quý tộc và lập lời thề sẽ sống cô đơn đến trọn đời, bởi tình yêu đồng giới lúc bấy giờ là điều cấm kỵ.
Nhưng rồi dường như Ludwig đã đem lòng yêu Wagner - người bạn tâm giao hơn mình đến 32 tuổi - đồng thời cũng là một tiền bối hết sức dịu dàng, cho ông những lời khuyên từ tốn khác hẳn với bậc cha mẹ đầy hà khắc của mình. Thế nhưng khi ở tuổi ngoài 60, Wagner bắt đầu hứng chịu những cơn đau tim đột ngột và qua đời năm 1883 ở Venice, Ý.
Ludwig II cùng Sophie - người mà ông đã từ hôn
Nhà vua Ludwig sau cái chết của người bạn tri kỉ càng sầu não và nhạy cảm hơn, xa lánh dân chúng để sống trong thế giới nội tâm phức tạp. Dẫu vậy, chiến tranh như vũ bão đã kéo tới vương quốc Bavaria.
Năm 1866, vua Ludwig ký hiệp định liên kết cùng với đế quốc Áo tham gia vào cuộc chiến Áo - Phổ. Dù quyết định tham chiến nhưng vì bản tính không muốn đụng đến quân sự, nhà vua đã lánh nạn ở Thụy Sĩ, việc chinh chiến giao lại cho các bộ trưởng lo liệu.
Kết quả là Bavaria cùng liên minh do Áo lãnh đạo đã bại trận, trả tiền bồi thường cho nước Phổ và chấp nhận mất đi 2 vùng đất.
Trở về từ Thụy Sĩ sau khi binh biến đã tạm lắng xuống, nhà vua chỉ ra thực địa vào 1 tháng ngắn ngủi trong năm 1866, sau đó, ông buông bỏ mọi thứ để hoàn toàn chìm đắm trong thế giới lãng mạn của mình. Đó là lúc lâu đài Neuschwanstein bắt đầu được xây dựng.
Sống trong cổ tích mộng mơ, chết như một nhân vật phản diện
Lâu đài Neuschwanstein chính là dự án tuyệt tác cuối cùng của Ludwig, và cũng là món quà dành tặng cho người bạn Wagner quá cố.
"Vị trí này là một trong những nơi đẹp nhất có thể tìm thấy, rất linh thiêng và bất khả xâm phạm, một ngôi đền đáng giá...", trích bức thư mà Ludwig gửi cho Wagner từ lâu về ý định xây lâu đài tráng lệ nhất của mình.
Họ từng mơ mộng rằng từ tòa đài ngự trên dãy Alps, âm thanh của các vở nhạc kịch sẽ chảy ngày đêm xuống chân núi bên dưới... Mặt khác, ám ảnh về chiến tranh và nỗi dằn vặt mất đi 2 vùng đất quan trọng không lúc nào buông tha cho Ludwig, khiến ông cứ "nửa tỉnh nửa mê", lúc hư lúc thực.
Lâu đài trong quá trình xây dựng
Trước tình hình đó, nhà vua đã bị các bộ trưởng âm mưu lật đổ, phế truất vì cho rằng ông quẫn trí điên loạn. Việc xây lâu đài cũng đình lại do thiếu kinh phí, điều này càng khiến vua suy sụp, phát tướng và mất hẳn đi vẻ điển trai ngày nào.
Một buổi chiều tháng 7 năm 1886, chỉ vài tháng sau cuộc chiến bại và bị phế truất, nhà vua có hẹn khám bệnh tâm thần với một bác sĩ hoàng gia. Họ chắc là đã đi dạo một đoạn cùng nhau... Đến mấy ngày sau, có 2 thi thể được tìm thấy trôi trên hồ nước.
Hồ nước được cho là nơi Ludwig II vong mạng 133 năm trước
Người ta nói rằng Ludwig đã gieo mình xuống hồ sâu tự vẫn, vị bác sĩ nhảy xuống cứu nhưng không may thiệt mạng theo. Hoặc cũng có giả thiết cho rằng bác sĩ đã thành công trong việc ám sát "vua điên" dù phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Điều đó vẫn mãi là một bí ẩn, khuất lấp sau vẻ đẹp huyền ảo và vĩ đại của lâu đài Neuschwanstein. Quả thật lời tuyên bố "sống cô đơn trọn đời" mà Ludwig đưa ra năm xưa đã ứng nghiệm, ông chết cô quạnh giữa tòa lâu đài đang xây dở dang...
Đám tang của Ludwig II
Tương truyền Ludwig II lúc còn sống không bao giờ muốn cho dân thường vào tham quan các tòa lâu đài vì sẽ làm mất đi tính huyền thoại của chúng. Thậm chí Ludwig nhiều lần dọa sẽ tự vẫn và phá hủy mọi viên gạch của khối kiến trúc mộng mơ.
Suy nghĩ này thật ích kỷ nhưng cũng là kết tủa của bao bi kịch mà vị vua xứ Bavaria phải trải qua: ông đã mất hết mọi thứ từ người bạn tri kỉ, các bản nhạc kịch đắm say và cả thực quyền cai trị đất nước.
Lâu đài Neuschwanstein chính là nơi cuối cùng trên thế gian mà ông có thể sống tiếp trong cuộc đời phù phiếm của mình, những bức tường của nó được tượng trưng cho tình yêu, tội lỗi, dằn vặt và cả sự cứu rỗi trong tâm hồn Ludwig.
Ngoài ra, cần nói thêm Ludwig được cho là một vị vua thuần hậu, luôn hòa nhã và trọng dụng các bộ trưởng, ấm áp với người dân của vương quốc mình, chỉ tiếc là ông thiếu đi nhiều phẩm chất của một minh quân...
Trong dự án lâu đài cuối cùng của mình là Neuschwanstein, vua Ludwig cũng góp phần giúp cho người dân nghèo có công ăn việc làm sau chiến tranh. Đó là một vài lí do giải thích vì sao người dân bang Bayern ngày nay vẫn luôn yêu thích các câu chuyện về vua Ludwig II thay vì chỉ trích ông.
Hiện giờ lâu đài Neuschwanstein vẫn uy nghi tọa lạc trên dãy núi Apls và đã đón hơn 1 triệu du khách (bất chấp nguyện ước cuối cùng của Ludwig là không mở cửa tham quan).
Bên cạnh lối kiến trúc xa hoa, du khách khi đến lâu đài còn được phóng tầm mắt khắp cả vùng Bayern, ngắm núi Tyrol, hồ Aplsee và thung lũng Hohenschwangau thơ mộng. Phong cảnh xung quanh lúc nào cũng có vẻ hư ảo khiến người ta không khỏi đồng cảm đôi chút với "vị vua cổ tích" Lugwig II.
Bên trong và xung quanh lâu đài Neuschwanstein ngày nay.
(Tổng hợp)