"Ác mộng" sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ?

Trang Ly |

Trong khi chúng ta đang tranh cãi biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, thiên tai... là do tự nhiên hay con người thì tất cả chúng đang cùng lúc giáng xuống đầu chúng ta.

Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, thiên tai, rác thải nhựa, siêu bão, băng tan... là những cụm từ được nhắc đến mòn mỏi bởi các nhà khoa học Trái Đất hiện nay. Trong nhiều năm nay, họ đều cố gắng cảnh báo con người về sự nguy hiểm trên quy mô toàn cầu từ sự "phẫn nộ của tự nhiên".

Trái Đất hiền hòa, mát mẻ cách đây hàng trăm năm giờ đang chịu những sức nặng của con người từ những hoạt động sản xuất, sự bùng nổ dân số, và hoạt động khai thác tự nhiên đến cạn kiệt của chúng ta.

Kết quả tất yếu xảy ra: (1) Đại dương giận giữ tạo ra nhiều con bão lớn tàn phá con người và nhà cửa; Nắng nóng, sóng nhiệt cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm; (2) Trong khi đại dương ngày càng dâng cao, xâm lấn đất đai thì hành tinh này lại chứng kiến sự phình to của dân số. Liệu chăng, đến một lúc nào đó chúng ta không còn đủ đất để sinh sống? (3) Còn tài nguyên? Giờ chỉ còn là những lỗ hổng găm sâu vào lòng đất, không gì có thể vùi lấp sau những gì mà con người đã đi qua...

Điều đáng sợ là tất cả những hậu quả này đang cùng lúc giáng xuống đầu chúng ta. Không tự nhiên mà giới nghiên cứu xếp biến đổi khí hậu vào danh sách Những thảm họa có thể kết liễu sự sống trên quy mô toàn cầu, cùng với thảm họa thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất và chiến tranh hạt nhân.

Ác mộng sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ? - Ảnh 1.

Brad Balukjian - Giám đốc Chương trình Lịch sử Tự nhiên & Bền vững tại Đại học Merritt (Mỹ). Ảnh: Linkedin

Tháng 11/2014, PBS (Mỹ) đăng tải bài viết của Brad Balukjian - Giám đốc Chương trình Lịch sử Tự nhiên & Bền vững tại Đại học Merritt (Mỹ), tựa đề "Why Doesn’t Everyone Believe Humans Are Causing Climate Change?" (tạm dịch: Sao không ai chịu tin chính con người đang gây nên biến đổi khí hậu?), để bàn về câu chuyện: Dù có nhiều thập kỷ bằng chứng nhưng hầu hết chúng ta không chịu tin rằng chính con người là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu.

Mời độc giả theo dõi.

Trong chuyến công du châu Á năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một thỏa thuận liên quan đến sự nóng lên toàn cầu với Trung Quốc. Đó là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt khiến nhiều người kỳ vọng có thể phá vỡ bế tắc từng khiến hai nhà phát khí thải lớn nhất thế giới luôn chọn đứng bên lề các cuộc đàm phán quốc tế nhằm hạn chế khí thải nhà kính. 

Theo đó, cả hai quốc gia đều cam kết giảm lượng khí thải CO2, với việc Mỹ tăng cường cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất này bắt đầu vào năm 2020, còn Trung Quốc bắt đầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, sau chuyến công du từ châu Á về, Tổng thống Barack Obama vẫn phải đối mặt với những cử tri không tin rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra.

Ác mộng sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ? - Ảnh 2.

Trong khi chúng ta đang tranh cãi biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, thiên tai... là do tự nhiên hay con người thì tất cả chúng đang cùng lúc giáng xuống đầu chúng ta. Ảnh minh họa: Getty Images

Cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, chỉ 40% người Mỹ tin rằng sự nóng lên toàn cầu gây ra từ các hoạt động của con người (hoạt động sản xuất, giao thông, sinh hoạt). Số 60% còn lại không tin rằng chính con người là tác nhân gây nên nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, bất chấp những bằng chứng khoa học hàng thập kỷ và những hiện thực mà con người đang đối mặt.

Sự bất đồng về nhận thức của người dân Mỹ về biến đổi khí hậu đã khiến hai nhà khoa học Mỹ là Michael Ranney, giáo sư giáo dục tại Đại học California, Berkeley và Dan Kahan, giáo sư luật tại Đại học Yale phải lên tiếng.

Nhận thức chưa đúng

Vào những năm 1990, giáo sư Michael Ranney bắt đầu hỏi các cộng sự về vấn đề họ cho là lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. 

Từ những câu trả lời ông nhận được, Michael Ranney bắt đầu nghe nhiều hơn đến cụm từ "biến đổi khí hậu". Chính chúng đã biến ông từ một người được đào tạo về vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu trở thành giáo sư tâm lý học nhận thức.

Ông nhận thấy rằng, trong khi cộng đồng khoa học đều có chung câu trả lời về biến đổi khí hậu thì công chúng Mỹ lại nói "không".

Michael Ranney và nhóm của ông kết luận, chính "sự thiếu hụt về nhận thức" đã dẫn đến những mơ hồ của công chúng trong việc đánh giá đúng đắn về biến đổi khí hậu. Hay nói cụ thể hơn là sự thiểu hiểu biết về một cơ chế nóng lên toàn cầu của công chúng.

Ác mộng sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ? - Ảnh 4.

"Đối với nhiều người Mỹ, họ bị mắc kẹt thông tin giữa một bên là người dẫn chương trình truyền hình - và một bên là giáo sư của một trường đại học, khi cả hai cùng nói về sự nóng lên toàn cầu nhưng dưới góc nhìn khác nhau. Nếu chưa hiểu sự mắc kẹt này là gì, bạn có thể hiểu vấn đề tương tự như sự mê muội của công chúng ở thời mà Galileo đối đầu với Giáo hội Công giáo Roma để bênh vực Thuyết Nhật tâm(1) của Copernicus cách nay vài thế kỷ." - Giáo sư Michael Ranney cho hay. 

Mặc dù thực tế là công chúng bị "ngập" trong các sự kiện khoa học liên quan đến sự nóng lên toàn cầu nhưng trình độ hiểu biết về khí hậu của họ không cao. Nói cách khác, dù chúng ta có thể nghe nhiều về biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu nhưng chúng ta không thực sự hiểu bản chất của nó, điều này xảy ra ngay cả với những nhà khoa học.

Giáo sư Michael Ranney nhận định, một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất là năng lượng ánh sáng đã bị "bật" ra khỏi bề mặt Trái Đất, sau đó bị mắc kẹt hoặc "đập ngược" trở lại bởi các khí nhà kính.

Cơ chế nóng lên toàn cầu đúng đắn mà nhóm của Michael Ranney đưa ra chỉ gói gọn trong 35 từ (tiếng Anh): Trái Đất chuyển ánh sáng khả kiến (ánh sáng nhìn thấy được) của Mặt Trời thành hồng ngoại. Hồng ngoại bị hấp thụ bởi khí nhà kính (CO2, CH4...) nên thoát khỏi Trái Đất chậm. Khi con người phát thải khí nhà kính, năng lượng hồng ngoại thoát ra ngày càng chậm, khiến cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên.

Biến đổi khí hậu: Không cần "đao to búa lớn"

Giáo sư luật Dan Kahan tại Đại học Yale thì cho rằng việc không công nhận con người là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu không phải do nhận thức chưa đúng về bản chất của biến đổi khí hậu, mà phải xét đến yếu tố chính trị hóa văn hóa của chủ đề này.

Mọi người không cần hiểu quá phức tạp về biến đổi khí hậu, họ chỉ cần có khả năng nhận ra rằng những bằng chứng khoa học ứng với thực tế rằng: Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang tạo ra một loạt tác động khôn lường, trực tiếp lên sức khỏe và của cải của con người.

Ác mộng sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ? - Ảnh 6.

Chúng gồm: Băng tan, nước biển dâng, lũ lụt, siêu bão, nắng nóng, hạn hán... Tất cả đều tăng nguy cơ gây nguy hiểm cho con người, làm tăng khả năng mắc các bệnh nghiêm trọng. Tồi tệ hơn là tác động trực tiếp đến sinh mạng và của cải của chúng ta.

Theo giáo sư Dan Kahan, vấn đề nằm ở cách diễn đạt ngôn ngữ (sao cho thật dễ hiểu) xoay quanh vấn đề tưởng chừng "đao to búa lớn" - là biến đổi khí hậu - này.

Sau khi nhóm của giáo sư Dan Kahan thực hiện các cuộc khảo sát trên 1.769 người, thu thập dữ liệu nhân khẩu học, bao gồm cả định hướng chính trị, ông không nhận thấy mối tương quan giữa sự hiểu biết của một người về khoa học khí hậu - với sự chấp nhận của anh ta đối với sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Tuy nhiên, nếu không chấp nhận hiện thực này thì chúng ta khó lòng khắc phục được "cơn phẫn nộ" của tự nhiên ngày càng mạnh mẽ giáng xuống đầu chính chúng ta. Nói cách khác, nếu không hiểu được chỉ một việc nhỏ như sử dụng vật dụng bằng nhựa cũng góp phần khiến môi trường biến đổi thì sẽ không có những hành động cách mạng "cứu" lấy Trái Đất.

Dù cố chấp nhưng chúng ta không thể không nhận thấy những tác động mạnh mẽ từ tự nhiên trong thời đại công nghiệp diễn ra quá mạnh mẽ này. Chỉ riêng năm 2018, cả thế giới phát thải 37 tỷ tấn CO2 ra bầu khí quyển, tăng 2,7% so với năm 2017. Nếu cứ đà này, Trái Đất nóng lên không ngừng sẽ giết chết sự sống nhiều nơi.

Ác mộng sánh ngang thảm họa thiên thạch tấn công Trái Đất: Chính con người là tội đồ? - Ảnh 7.

Rác thải nhựa đang "xâm chiếm" nhiều nơi trên Trái Đất. Ảnh: Plastic Pollution Coalition

Cần phải nhắc lại rằng, biến đổi khí hậu sánh ngang với nguy cơ hủy diệt sự sống quy mô toàn cầu với chiến tranh hạt nhân và thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất!

Chú thích:

(1) Thuyết Nhật tâm của nhà thiên văn học người Ba Lan Copernicus cho rằng Mặt Trời ở trung tâm của Thái Dương Hệ, bác bỏ lý Thuyết Địa tâm mà Giáo hội Công giáo Roma ủng hộ từ thời Hy Lạp cổ đại, khi cho rằng: Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt Trời cùng các thiên thể khác quay quanh Trái Đất.

Bài viết sử dụng nguồn: PBS

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại