01.
Vấn nạn thứ nhất: Hỏa hoạn
Từ vụ cháy rừng thảm khốc nhất lịch sử California, Mỹ...
Tháng 11/2018, vụ hỏa hoạn Woolsey đã thiêu rụi gần 100.000 mẫu đất của các quận Los Angeles và Ventura (thuộc tiểu bang California, Mỹ), phá hủy các khu rừng, cánh đồng và hơn 1.500 công trình, khiến 300.000 người phải sơ tán khẩn cấp ròng rã trong 14 ngày.
Vụ hỏa hoạn dữ dội tới nỗi nó hằn một vết sẹo khổng lồ trên dải đất của bang miền Tây nước Mỹ, có thể nhìn thấy từ không gian.
Ảnh: Wally Skalij—LA Times via Getty Images
Các nhà điều tra xác định rằng vụ hỏa hoạn Woolsey bắt nguồn từ Phòng thí nghiệm dã ngoại Santa Susana, một khu vực nghiên cứu hạt nhân bị ô nhiễm năm 1959 sau khi tiến hành Chương trình thí nghiệm lò phản ứng Natri khiến nhiên liệu bị nóng chảy, thoát ra lượng lớn khí nhiễm xạ.
Cục Kiểm soát Chất độc (DTSC) của bang California báo cáo rằng, các thí nghiệm về không khí, tro và đất của Cục được tiến hành trên khu đất sau vụ cháy khổng lồ cho thấy không có bất cứ dấu hiệu phóng xạ nào ngoại trừ đường cơ sở của khu vực nghiên cứu hạt nhân cũ.
Tuy nhiên, theo tổ chức khoa học phi lợi nhuận Bulletin of the Atomic Scientists, thì báo cáo của DTSC vẫn thiếu nhiều thông tin cơ bản, gồm 'một vài phép đo thực tế' về khói từ đám cháy và các dữ liệu báo động.
Nghiên cứu về Chernobyl ở Ukraine sau các vụ cháy rừng năm 2015 cho thấy nó đã giải phóng rõ ràng bức xạ từ nhà máy điện hạt nhân cũ. Từ vấn đề này, người ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về chất lượng của các cuộc thử nghiệm truy tìm gốc rễ của vụ hỏa hoạn Woolsey từ DTSC.
Hơn nữa, các nhà khoa học như Nikolaos Evangeliou, người nghiên cứu phóng xạ từ các vụ cháy rừng tại Viện nghiên cứu không khí Na Uy, chỉ ra rằng các điều kiện nóng, khô và gió tương tự làm trầm trọng thêm vụ cháy Woolsey (tất cả liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra) là tiền thân cho việc giải phóng phóng xạ liên quan đến khí hậu trong tương lai.
Với một thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, các thảm họa treo trên đầu nhân loại như hỏa hoạn quy mô lớn, siêu bão cực đoan, nước biển dâng, băng tan... luôn chờ chực giáng xuống con người, thì năng lượng hạt nhân được cho là sự thay thế khả dĩ nhất cho quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng (nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu mạnh mẽ). Theo đó, năng lượng hạt nhân có thể giảm đáng kể lượng phát thải khí CO2.
Tuy nhiên, bằng chứng khoa học và những thảm họa gần đây đặt ra câu hỏi: Liệu năng lượng hạt nhân có thể hoạt động an toàn trong một thế giới đang ngày càng nóng lên của chúng ta hay không?
Ảnh: PIXABAY
Thời tiết cực đoan khó lường, hỏa hoạn, động đất, ấm lên toàn cầu, nước biển dâng cao... tất cả đều làm tăng nguy cơ tai nạn hạt nhân. Đó là chưa kể đến việc xử lý chất thải phóng xạ không an toàn, còn có thể gây hậu quả dai đẳng, ngấm ngầm và đáng sợ hơn cho con người và môi sinh.
Khu vực nghiên cứu hạt nhân có chứa Phòng thí nghiệm dã ngoại Santa Susana lâu nay vốn nổi tiếng là nơi có đất đai và nước ngầm bị ô nhiễm phóng xạ nặng. Báo cáo của một hội đồng tư vấn năm 2006 chỉ ra, công nhân tại phòng thí nghiệm Santa Susana cũng như cư dân sống gần đó có mức phơi nhiễm cao với các hóa chất công nghiệp và hóa chất có liên quan đến tỉ lệ mắc các bệnh ung thư.
Sau khi phát hiện mức độ ô nhiễm tại khu vực này, Cục Kiểm soát Chất độc (DTSC) năm 2010 đã yêu cầu chủ sở hữu của nó là Boeing tiến hành dọn dẹp, dưới sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Nhưng việc dọn dẹp chất thải phóng xạ đã không được thực hiện nghiêm ngặt. Kết quả khiến cho nhiều khu vực tại đây vẫn ô nhiễm chất thải chết người nặng.
02.
Vấn nạn thứ hai: Lũ lụt
Con người đang "trả giá" cho cuộc đua hạt nhân điên cuồng thể kỷ 20
Giống như Phòng thí nghiệm Santa Susana Field, Chernobyl vẫn không được quan tâm và xử lý đúng mức. Mỗi năm trôi qua, xác thực vật chết tích tụ đi kèm với nhiệt độ tăng không ngừng đã khiến nó dễ bị hỏa hoạn trong thời đại biến đổi khí hậu.
Phát thải phóng xạ từ đất và rừng bị ô nhiễm có thể phát tán và gây ảnh hưởng đến con người sống cách đó hàng ngàn km, nhà nghiên cứu phóng xạ người Na Uy Nikolaos Evangeliou cho biết.
'Các hồ sơ cho thấy đã có những vụ hỏa hoạn ở khu vực Chernobyl làm tăng mức độ phóng xạ lên gấp 7 đến 10 lần kể từ năm 1990,' Brown nói. Xa hơn về phía bắc, các sông băng tan chảy chứa 'bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân toàn cầu và tai nạn hạt nhân ở cấp độ cao gấp 10 lần so với các nơi khác', - Kate Brown, một nhà sử học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Khi băng tan, dòng chảy phóng xạ chảy vào đại dương, bị hấp thụ vào khí quyển và rơi xuống như mưa axit. 'Với hỏa hoạn và băng tan, về cơ bản, chúng ta đang phải "trả giá" cho cuộc đua hạt nhân điên cuồng thế kỷ 20', Kate Brown kết luận.
Bên cạnh hỏa hoạn, lũ lụt cũng là một "căn bệnh" khác của sự nóng lên toàn cầu có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.
Nhiều nhà máy hạt nhân được xây dựng gần bờ biển cho tiện việc sử dụng nước biển như chất làm mát. Mực nước biển dâng, xói lở bờ biển, bão ven biển và sóng nhiệt - tất cả các hiện tượng khí hậu thảm khốc này (được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn khí Trái Đất tiếp tục nóng lên) đều tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nặng nề cho các nhà máy điện hạt nhân ven biển.
Yếu tố giảm phát thải khí nhà kính không đủ để đánh giá năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng thích hợp nhất trong một thế giới mà biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu.
"Năng lượng hạt nhân mới dường như là cơ hội để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí và an ninh năng lượng", Mark Jacobson, giám đốc Chương trình Năng lượng và Khí quyển của Đại học Stanford (Mỹ) nói.
"Nhưng nó không có ý nghĩa kinh tế hoặc năng lượng. Mỗi 1 USD chi ra cho kết quả hạt nhân bằng 1/5 năng lượng mà người ta sẽ có được bằng năng lượng gió hoặc Mặt trời [với cùng chi phí]; và năng lượng hạt nhân phải mất từ 5 đến 17 năm trước khi được sử dụng. Do đó, hạt nhân không thể giúp đỡ cho mục tiêu khí hậu là giảm 80% lượng khí thải vào năm 2030.
Ngoài ra, trong khi chúng ta chờ đợi hạt nhân, than, khí đốt và dầu đang bị đốt cháy và gây ô nhiễm không khí. Chưa hết, hạt nhân có rủi ro về an ninh năng lượng mà các công nghệ khác không có: Gia tăng vũ khí hủy diệt, chất thải phóng xạ chết người, và những nguy cơ mắc bệnh ung thư của công nhân."
Ảnh: Internet
Trên khắp thế giới, 31 quốc gia có các nhà máy điện hạt nhân hiện vẫn đang hoạt động, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngược lại, 4 quốc gia đã có những động thái nhằm loại bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima 2011, và 15 quốc gia vẫn phản đối và không có nhà máy điện chức năng.
Với lượng khí thải CO2 của hầu hết các quốc gia ngày càng tăng - Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ dẫn đầu thế giới - đất nước Đan Mạch nhỏ bé của vùng Scandinavia là một ngoại lệ. Lượng khí thải CO2 của nước này đang giảm mặc dù họ không sở hữu bất kỳ năng lượng hạt nhân nào. Đan Mạch nhập khẩu một số năng lượng hạt nhân do các nước láng giềng Thụy Điển và Đức sản xuất.
Tháng 2/2019, Đan Mạch đã công bố một kế hoạch khí hậu mới vạch ra một con đường để nước này bắt đầu dựa vào 100% năng lượng tái tạo, phi hạt nhân của mình để sản xuất năng lượng và nhiệt vào năm 2030. Kế hoạch sẽ yêu cầu đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời và gió, điện lưới thông minh và xe điện tăng gấp đôi pin.
Nói về năng lượng hạt nhân trong thời đại biến đổi khí hậu nóng lên như một vấn đề toàn cầu, Gregory Jaczko, cựu chủ tịch Ủy ban điều tiết hạt nhân Mỹ, tin rằng công nghệ này không còn là phương pháp khả thi để đối phó với biến đổi khí hậu: 'Nó nguy hiểm, tốn kém và không đáng tin cậy. Việc từ bỏ nó sẽ không gây ra khủng hoảng khí hậu.'
Chuyển ngữ từ nguồn: AEON
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.