Ngày 24/1, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại TP HCM đã chính thức ra phán quyết với đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
HĐXX nhận định, tại tòa phúc thẩm các bị cáo và những người liên quan không có nhiều tình tiết mới so với phiên tòa sơ thẩm trước đó. Căn cứ vào hồ sơ vụ án có cơ sở xác định, Phạm Công Danh đã lập ra nhiều công ty ảo để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh (Danh giữ chức Tổng giám đốc).
Ngoài ra, nguyên Chủ tịch VNCB cùng các cấp dưới còn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng này.
Tại tòa cấp cao, bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) đề nghị giải tỏa kê biên khu đất hơn 50.000 m2 của Tập đoàn Thiên Thanh tại biển Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. HĐXX nhận định, khu đất này Tập đoàn Thiên Thanh đem thế chấp rồi chuyển nhượng cho bà Trần Ngọc Bích.
Theo bản án sơ thẩm, khu đất này không liên quan đến vụ án nhưng có liên quan đến nhân vật Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, đã trốn ra nước ngoài), bị tòa sơ thẩm khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa cấp cao cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án giai đoạn 2, nếu thấy mảnh đất không liên quan đến Trang Phố Núi, lúc đó mới giải tỏa kê biên.
Phạm Công Danh cùng các đồng phạm trước vành móng ngựa.
Về số tiền 5.190 tỷ đồng gây tranh cãi trong vụ án, HĐXX nhận định, việc giải ngân tiền trước rồi mới hoàn tất thủ tục cho vay là vi phạm. Tòa tuyên thu hồi toàn bộ số tiền này vì là vật chứng của hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Do tiền bị thu hồi nên ông Thanh, bà Bích được xác định còn nợ của VNCB 5.190 tỷ đồng; trong khi đó Phạm Công Danh được xác định nợ của cha con ông Thanh 5.190 tỷ đồng.
Tại tòa, đại diện VKSND cấp cao cũng đề nghị cấm xuất cảnh và xem xét trách nhiệm hình sự với cha con ông Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích và một số người khác đóng vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại 5.190 tỷ đồng của VNCB.
HĐXX cho biết, trong quá trình xử lý giai đoạn 2, nếu thấy cần thiết thì Bộ Công an sẽ ra quyết định cấm xuất cảnh và xem xét trách nhiệm hình sự với những người liên quan đến vụ án. Tòa cấp cao ghi nhận ý kiến của VKS về việc truy thu thuế thu nhập cá nhân và làm rõ hành vi trốn thuế với cha con ông Thanh thông qua việc nhận các khoản lãi tiền gửi từ VNCB.
Đồng thời, Tòa cấp cao cũng buộc nhóm cổ đông cũ của VNCB, đại diện là bà Hứa Thị Phấn phải trả lại 800 tỷ đồng vật chứng của hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa cấp cao bác toàn bộ kháng cáo của 25 bị cáo cùng 27 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Phạm Công Danh lĩnh 20 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, 34 bị cáo còn lại lĩnh mức án từ 3 năm tù treo – 22 năm tù.
Theo nội dung vụ án, dưới sự lãnh đạo của nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng.
Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, vào tháng 7/2012, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Đại Tín âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.031 tỷ đồng.
Trước tình trạng đó, nhóm bà Phấn đã chuyển nhượng Trustbank cho Phạm Công Danh, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh với giá hơn 4.600 tỷ đồng.
Sau khi tiếp quản Trustbank, Phạm Công Danh đổi tên nhà băng này thành Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, tình hình của ngân hàng càng tồi tệ hơn.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã gây thất thoát của ngân hàng này 9.000 tỷ đồng.