Tiếp tay, “bảo kê” cho phá rừng
Sáng 6/11, trình bày thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, tình trạng tội phạm có tổ chức, nhất là băng, nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tranh giành địa bàn hoạt động vẫn có dấu hiệu phức tạp.
Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua.
Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện, xử lý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
“Tình trạng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương, kiểm lâm thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho phá rừng”, bà Nga nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được bà Nga chỉ ra là do còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý khi để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm.
“Đề nghị Chính phủ có giải pháp kiên quyết hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, ví dụ: tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép, mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Nga nhấn mạnh.
Ngăn đối tượng có dấu hiệu tham nhũng bỏ trốn
Đề cập đến hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc xét xử, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho hay, số vụ, số bị can bị khởi tố điều tra về hành vi tham nhũng tăng mạnh so với cùng kỳ (220 vụ, tăng 20,88%, 479 bị can, tăng 28,07%).
Tuy nhiên việc xử lý này vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Đặc biệt bà Nga cũng phản ánh, thời gian qua còn để xảy ra một số đối tượng có dấu hiệu phạm tội trong các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng bỏ trốn trước khi CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Đây là vấn đề Chính phủ, VKSNDTC cần đặc biệt quan tâm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Một hạn chế nữa cũng được bà Lê Thị Nga chỉ ra là các cơ quan chức năng chậm phát hiện vi phạm pháp luật, một số trường hợp chỉ khi có phản ứng của người dân, công luận lên tiếng mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm.
Một số dự án BOT giao thông còn có nhiều bất cập như việc đặt trạm thu phí giao thông, mức phí chưa hợp lý gây bức xúc trong nhân dân.
Qua vụ việc xảy ra tại Công ty VN Pharma cho thấy công tác cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc còn có nhiều bất cập.
Một số vụ án dư luận cử tri đặc biệt quan tâm nhưng bản án của Tòa án chưa nhận được sự đồng tình cao trong việc xác định tội danh.
Ví dụ, vụ VN Pharma được cấp sơ thẩm xác định là tội “buôn lậu” nhưng cấp phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra lại và xác định có nhiều dấu hiệu phạm tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".