Trước mắt Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ như đăng kiểm, Tổng cục Thủy sản cùng các đơn vị liên quan rà soát lại tất cả nội dung liên quan để xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong sự vụ nhiều tàu cá vỏ thép mới đóng đã bị hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sơ kết hai năm thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi vừa tổ chức tại Phú Yên cuối tuần qua.
Xem xét trách nhiệm hàng loạt địa chỉ
Ông Tám cho hay trước hết Bộ xem xét trách nhiệm của mình. Từ một số tàu vỏ thép có lỗi như vậy, Bộ sẽ đánh giá xem có khiếm khuyết gì. “Cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Trên cơ sở đó mới xác định lỗi ấy do cơ sở đóng tàu hay do chủ tàu, do cơ quan đăng kiểm. Ở đây có rất nhiều đơn vị liên quan, kể cả ngân hàng cho vay vốn cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát đóng tàu.
Các cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc này. Tới đây, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại để có kết luận từng trường hợp cụ thể” - ông Tám nói.
Thứ trưởng Tám cho biết cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2017, Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định 67/CP.
Từ đó sẽ đưa ra kết luận, giải pháp về đóng mới tàu cá trong thời gian tới. Hiện Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng các địa phương xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/CP.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thủy sản cho biết cơ quan này sẽ thuê đơn vị giám định độc lập tiến hành giám định đối với các tàu cá vỏ thép ở Bình Định, Phú Yên bị hỏng để đảm bảo tính khách quan.
Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm ở khâu nào sẽ quy rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.
Trước mắt Tổng cục Thủy sản đề nghị ngành NN&PTNT các địa phương, chủ tàu phối hợp với các cơ sở đóng tàu khẩn trương khắc phục sự cố để đảm bảo hoạt động khai thác, hạn chế thiệt hại cho ngư dân.
Một nguồn tin khác cho hay dự kiến ngày 25-5, các chuyên gia của hãng Mitsubishi (Nhật Bản), Doosan (Hàn Quốc), hai hãng cung cấp máy tàu cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an), sẽ đến Bình Định kiểm tra lại chất lượng máy, xác định nguyên nhân hư hỏng để có hướng xử lý.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tỉnh Bình Định có đến 17 tàu vỏ thép của ngư dân vừa đóng mới đã bị hư hỏng trầm trọng chỉ sau vài chuyến đi biển.
Trong đó có 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) thi công.
Tại buổi làm việc mới đây do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận đã sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu thay vì phải đóng bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như hợp đồng.
Còn ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho rằng tàu bị hỏng là do ngư dân sử dụng chưa thành thạo, sơn tàu bị gỉ sét là vì nước biển quá mặn (?!).
Trong khi đó, tại Phú Yên hiện có hai tàu vỏ thép do liên danh Công ty CP Đầu tư Phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng thiết kế, thi công cũng bị hỏng, liên tục bị trục trặc.