Tàu vỏ thép gần 20 tỷ rỉ sét do 'nước biển quá mặn'

Huyền Trang |

Những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định có giá trị đầu tư hàng chục tỉ đồng đồng loạt “nằm bờ” vì bị rỉ sét, hư hỏng. Trong khi ngư dân lo lắng, các công ty đóng tàu lại tìm cách thoái thác trách nhiệm.

Vừa ra cửa biển, tàu hỏng hộp số

Vụ cá Nam năm nay (kể từ đầu tháng 4) đã trôi qua nhiều ngày, song nhiều tàu vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) phải “nằm bờ” dù vừa đóng mới.

Tàu vỏ thép của ngư dân Đinh Công Khánh (bìa trái) và ngư dân Lê Văn Thãi (bìa phải) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) “trùm mền” vì bị hư hỏng sau vài tháng hạ thủy

Tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99086-TS của ông Đinh Công Khánh, thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (Phù Cát) hạ thủy vào tháng 9/2016. Một tháng sau, con tàu này đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa. Thế nhưng, đánh bắt mới 10 ngày thì hầm đá bị lỗi làm 1.200 cây đá tan chảy thành nước.

Thuyền trưởng phải đưa tàu vào bờ, ngậm ngùi chịu lỗ. Khắc phục xong, đầu tháng 2, chủ tàu sắm “tổn”, mua bạn đi chuyến biển thứ hai. Lần này, tàu vừa ra cửa biển Đề Gi thì hộp số máy chính hỏng. Từ đó, tàu nằm bờ.

“Tàu tôi đóng tại Xí nghiệp đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (quận Kiến An, TP Hải Phòng) với kinh phí hơn 18,5 tỷ đồng.

Tàu nằm bất động thế nhưng công ty đóng tàu không có động thái tích cực để kịp thời sửa chữa”, ông Khánh xót xa nói.

Chung số phận, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99016-TS của ông Lê Văn Thãi (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Mỹ), trị giá 18,7 tỷ đồng, cũng “trùm mền” nằm bờ từ nhiều tháng nay.

Ông Thãi bần thần: “Từ lúc hạ thủy (7/2016) đến trước Tết, tôi có đưa tàu đi 2 chuyến biển.

Quá trình hoạt động cũng xảy ra tình trạng bong bật mối hàn ở một số vị trí. Đầu tháng 4, tôi mua “tổn” chuẩn bị cho chuyến biển thứ 3 thì phát hiện máy chính và một số bộ phận tê liệt.

Tàu không hoạt động vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi. Một số bạn tàu rục rịch bỏ sang tàu khác để kiếm kế sinh nhai.

Tương tự, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99567-TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng, cũng liên tục mắc lỗi.

Cụ thể, tháng 8/2016 tàu hạ thủy, chuyến biển đầu tiên lưới bủa bị cuốn hết vào chân vịt. Sau chuyến đó, ông Mạnh thêm 1,5 tỷ đồng chuyển đổi qua nghề lưới chụp.

Cuối tháng 1, tàu ra khơi lần hai thì bánh lái bị sóng đánh văng ra ngoài. Chuyến thứ ba, vừa được ít cá thì khoang tàu không thoát ra ngoài được, nước ứ đọng ngập các hầm muối cá làm hỏng hết cá.

Hợp đồng thép Hàn Quốc/Nhật Bản, đóng thép Trung Quốc

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định), qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì đều có tình trạng thân vỏ tàu, trang thiết bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng.

Ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc công ty Đại Nguyên Dương, cho biết: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn của thời tiết".

Việc nước sơn xuống cấp là do lớp sơn ban đầu không làm sạch bề mặt mà thời tiết miền Bắc mưa ẩm, tôi thay mặt cho công ty nhận thiếu sót".

Về việc chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương, ông Đài giải thích, do thị trường thép Việt Nam không nhất định giá chứ không phải là thép Trung Quốc xấu, thép Trung Quốc giá trị cũng rất tốt (?)

4 tàu đóng tại công ty Nam Triệu đều có thân, vỏ bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi bị sự cố, máy phát điện hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh,...

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc công ty lý giải: “Tại Bình Định, công ty đóng 20 tàu cá theo NĐ-67/CP nhưng nhiều tàu bị trục trặc. Tàu hư một phần do bà con sử dụng chưa thành thạo.

Về phần sơn vẫn chất lượng, nhưng rỉ sét là do nước biển rất mặn (!?).

Cách lý giải trên đây của 2 công ty khiến ngư dân bức xúc. Lãnh đạo địa phương cũng không đồng tình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nói rõ: “Tôi yêu cầu 2 công ty phải khẩn trương khắc phục những hư hỏng, sự cố cho ngư dân. Đã hợp đồng máy chính hiệu Mitsubishi thì phải nguyên đai nguyên kiện của hãng này.

Hợp đồng làm tàu là thép Hàn Quốc chứ không phải là thép Trung Quốc, trừ trường hợp ngư dân đồng ý và chấp nhận hạ giá thành".

"Nước biển nào không mặn, các ông nói tôi không tin. Máy mới thì làm gì có chuyện đi 1 chuyến biển đã hư hỏng. Về tàu rỉ sét, các ông nói cũng không thuyết phục" - ông Châu thẳng thắn.

Theo ông, nếu nói ngư dân không biết bảo quản thì tại sao nhiều doanh nghiệp khác đóng tàu không bị rỉ sét, máy móc đều tốt mà giá thành lại rẻ hơn.

Qua đây, ông Châu đề nghị công ty Đại Nguyên Dương không nên thu tiền thiết kế phí nằm trong dự án đóng tàu vì khoản này Nhà nước đã hỗ trợ.

"Đề nghị các cơ sở đóng tàu phải lấy cái tâm, cái trí để phục vụ cho đất nước. Ngư dân mang tàu ra khơi bị đâm va, hỏng máy nằm lênh đênh trên biển có khi mất cả tính mạng, nên chúng ta phải nghĩ cho ngư dân”, lời ông Trần Châu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại