Vụ tàu Ukraine bị nã đạn: Nhà Trắng mềm mỏng bất thường, cựu ĐS Mỹ lo TT Trump bị "thao túng"

Hồng Anh |

Ông Trump cho biết ông "không hài lòng" với động thái của cả hai nước Nga-Ukraine, tuy nhiên thái độ "mềm mỏng" của ông đối với Moskva đã khiến nhiều người thất vọng.

Lời phản ứng chậm trễ của ông Trump

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã có phản ứng ngay sau vụ đụng độ nguy hiểm giữa tàu chiến Nga và tàu chiến Ukraine trên Biển Đen hôm 25/11 vừa qua, thì Tổng thống Trump phải "đợi" hơn một ngày mới chính thức lên tiếng về vụ việc này.

Hầu hết những lời chỉ trích của phía Mỹ đối với Moskva đều đến từ Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, theo hãng tin CNN.

Bình luận về vụ đụng độ khiến căng thẳng giữa hai nước Nga-Ukraine ngày càng leo thang, ông Trump cho biết đó là chuyện không tốt: "Tôi không hài lòng về điều đó chút nào".

CNN nhận định rằng ông Trump dường như không muốn đổ lỗi cho Nga, nên ông đã nói rằng: "Chúng tôi không hài lòng với những động thái từ cả hai phía. Hy vọng chuyện sẽ được làm sáng tỏ".

Những phát biểu trên được Tổng thống Trump đưa ra trước báo giới chỉ vài ngày trước khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức tại Argentina.

Trong vòng 24 giờ sau khi tàu chiến Nga nã đạn và bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine gần khu vực bán đảo Crimea, Thủ tướng Đức Angela Merkel, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May, cũng như các cơ quan ngoại giao, đại diện và chính trị gia của Mỹ, Canada, cũng như nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi hai nước nhanh chóng giảm căng thẳng.

Trong khi đó, ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại im lặng, và hầu hết những lời chỉ trích nặng nề đối với Nga chỉ đến từ phía Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley.

Mãi đến sau khi ông Trump có phát biểu chính thức với báo giới, thì ông Pompeo mới đưa ra tuyên bố chính thức, bày tỏ "quan ngại sâu sắc", lên án Nga vì đã nã đạn và bắt giữ tàu chiến Ukraine, đồng thời kêu gọi "cả hai bên" hết sức kiềm chế sau vụ đụng độ.

Sự im lặng của Nhà Trắng và phản ứng được cho là "mềm mỏng" bất thường của ông Trump đã khiến nhiều người trong giới phân tích "đứng ngồi không yên", bởi thái độ này có thể được hiểu là sự động viên hay dung túng của Mỹ đối với hành động của Nga.

Vừa qua, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định áp thiết quân luật của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Toàn bộ 276 nghị sĩ Ukraine đã bỏ phiếu tán thành biện pháp này, vốn được phía Kiev xem là phương án để bảo vệ đất nước khỏi động thái gây hấn tiềm tàng từ Nga. Thiết quân luật sẽ có hiệu lực ở các vùng duyên hải, cũng như những khu vực tiếp giáp Nga vào ngày 28/11 và sẽ kéo dài 30 ngày.

Tàu chiến Ukraine bị Nga bắt giữ và đưa về cảng Kerch.

Mềm mỏng với Nga, ông Trump có thể sẽ bị ông Putin "thao túng"?

Nhận định về phản ứng của Tổng thống Mỹ trước vụ đụng độ nguy hiểm trên Biển Đen giữa hải quân Nga và Ukraine, ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đồng thời là chuyên gia về Nga, châu Âu và các nước Xô viết cũ, cho biết:

"Nếu phương Tây không đưa ra các phản ứng và tuyên bố mạnh mẽ, thì người Nga sẽ ngầm hiểu rằng họ có thể trốn tránh trách nhiệm trong vụ việc này".

"Thật bất ngờ là Washington đã giữ im lặng về vấn đề này trong suốt cả ngày hôm qua", ông Pifer nói. Ông này cũng nhận xét rằng sự kiềm chế của Tổng thống Trump sẽ không có lợi cho ông trong cuộc gặp sắp tới với ông Putin bên lề hội nghị G20.

"Ông Putin sẽ thấy rằng mình có thể 'thao túng' được ông Trump", ông Pifer nói. Ông cũng chỉ trích Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vì đã phản ứng chậm trễ so với nhiều quốc gia khác.

Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, đã nhanh chóng đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Nga ngay sau vụ việc, tuy nhiên, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, những tuyên bố của bà Haley đã bị giảm sức nặng đáng kể vì bà chuẩn bị từ chức vào cuối năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại