Máy bay quân sự C-130 của Không quân Philippines. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters (Anh), phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, cho biết vụ tai nạn máy bay quân sự C-130 của nước này được cho là không phải do bị tấn công.
Ông nhấn mạnh công việc quan trọng hiện tại là giải cứu những người còn sống sót, không phải là điều tra nguyên nhân.
Vào khoảng 11h30 ngày 4/7, chiếc máy bay C-130 của không quân Philippines đang chở binh sĩ từ thành phố Cagayan de Oro trên đảo Mindanao đến đảo Jolo ở tỉnh Sulu thì bị rơi. Sự cố xảy ra khi máy bay đang tìm cách hạ cánh tại Patikul ở tỉnh Sulu.
Một số hình ảnh do hãng tin ABS-CBN phát trên trang Twitter, cho thấy khói và lửa vẫn đang bốc lên từ xác máy bay trong khi các nỗ lực cứu trợ vẫn đang được khẩn trương tiến hành.
Trong thông báo mới nhất liên quan đến vụ việc, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana cho biết lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể 17 người và 40 người đã được cứu sống.
Các nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường vẫn hy vọng sẽ có thêm nhiều người trên chiếc máy bay còn sống sót.
Ông Lorenzana nói thêm rằng ở thời điểm gặp nạn, trên máy bay có 92 người, gồm 3 phi công và 5 thành viên phi hành đoàn.
Trong số những người có mặt trên chuyến bay, có rất nhiều quân nhân vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự cơ bản và hiện được triển khai đến đảo Jolo tham gia lực lượng đặc nhiệm chung chống khủng bố tại khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống này.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana, cho biết máy bay đã trượt khỏi đường băng khi hạ cánh và phi công cố gắng kiểm soát tình hình, song đã thất bại.
Một quan chức giấu tên của lực lượng không quân nói với hãng tin AP rằng đường băng ở Jolo ngắn hơn hầu hết các đường băng khác, khiến phi công khó điều chỉnh hơn nếu máy bay lỡ điểm hạ cánh.
Những hình ảnh ban đầu cho thấy thời tiết ở Sulu dường như vẫn đang thuận lợi cho việc cứu hộ, mặc dù các khu vực khác của Philippines đang có mưa do áp thấp nhiệt đới đang đến gần.
Sân bay của đảo Jolo cách một khu vực miền núi nơi quân đội đang chiến đấu với phiến quân Abu Sayyaf, nhóm khủng bố chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc, khoảng vài km.
Mỹ và Philippines đã liệt riêng Abu Sayyaf vào danh sách đen là một tổ chức khủng bố vì các vụ đánh bom, bắt cóc đòi tiền chuộc. Tổ chức này đã bị suy yếu đáng kể bởi các cuộc tấn công của chính phủ trong nhiều năm nhưng vẫn là một mối đe dọa lớn.