Mới đây, hình ảnh loạt xe điện Wuling Mini EV mang biển số xe dịch vụ đã xuất hiện trên mạng và khiến nhiều người bất ngờ. Thông tin ban đầu cho thấy một đơn vị tại tỉnh Phú Yên đã lựa chọn mẫu ô tô điện này làm xe taxi.
Hình ảnh xe Wuling Mini EV mang biển số dịch vụ xuất hiện trên mạng xã hội.
Việc sử dụng Wuling Mini EV làm xe taxi là điều khiến nhiều người chú ý và bàn luận.
Về định vị thị trường, Wuling Mini EV được định vị nằm ở phân khúc mini car, tức nằm dưới hạng nhỏ nhất trong phân khúc phổ thông. Phân khúc này nhắm đến nhu cầu đi lại cá nhân trong khu vực nội đô, chủ yếu phục vụ việc đi lại hàng ngày quãng ngắn.
Về thiết kế, Wuling Mini EV có kích thước rất nhỏ. Cụ thể, kích thước DxRxC của Wuling Mini EV lần lượt là 2.920 x 1.493 x 1.621 (mm), tức kém chiều dài của KIA Morning (một mẫu hatchback hạng A) khoảng 600mm. Một điều khác cần nhắc tới là xe chỉ có 2 cửa ở bên hông; nếu muốn vào hàng ghế sau thì buộc phải điều chỉnh ghế trước; sử dụng hàng ghế sau cũng đồng nghĩa hy sinh không gian chứa đồ.
Wuling Mini EV là xe 4 chỗ, bao gồm cả người lái.
Về quãng đường di chuyển mỗi lần sạc, Wuling Việt Nam cho biết Mini EV có 4 phiên bản với 2 tùy chọn pin, cho khả năng di chuyển tối đa 120km hoặc 170km mỗi lần sạc theo chuẩn CLTC của Trung Quốc.
Về khả năng sạc, Wuling Mini EV chỉ có thể sạc ở công suất thấp. Bộ sạc theo xe có công suất 1,5 kW, có thể sạc đầy pin từ 20% đến khi đầy hẳn trong từ 6,5 tiếng đến 9 tiếng. Đây được xem là điểm yếu lớn nhất của Wuling Mini EV khi sử dụng làm xe chạy dịch vụ, bởi thời gian chờ sạc đồng nghĩa với thời gian chết, không sinh ra lợi nhuận - chờ sạc càng lâu thì doanh thu càng thấp.
Một điều cần nhắc tới là trên xe điện, pin là bộ phận đơn lẻ có chi phí cao nhất, có thể chiếm tới 30% giá xe. Nhà sản xuất cắt giảm khả năng sạc hay sử dụng pin có chi phí vừa phải giúp xe có giá dễ tiếp cận.
Tại thị trường Trung Quốc, mức giá rẻ đã giúp mẫu xe này tạo ra một xu hướng tiêu dùng rất mới, khiến các đối thủ phải cho ra sản phẩm tương tự để cạnh tranh. Thậm chí, Wuling Mini EV còn từng vươn lên vị trí mẫu xe điện bán chạy số 1 thế giới dù chỉ bán tại thị trường nội địa.
Tại Việt Nam, Wuling Mini EV hiện là mẫu ô tô điện có giá bán rẻ nhất thị trường - đây được coi là điểm mạnh nhất của mẫu xe. Theo giá niêm yết trên trang chủ, phiên bản thấp nhất đang được bán với giá 239 triệu đồng, còn phiên bản cao nhất đang có giá 279 triệu đồng.
So với mẫu xe thường xuyên được sử dụng làm xe taxi - Toyota Vios phiên bản số sàn, Wuling Mini EV bản thấp nhất có giá xấp xỉ bằng một nửa. Đó là chưa kể tới thực tế là trong một chương trình ưu đãi đầu năm nay, giá khởi điểm của Wuling Mini EV đã chỉ còn 199 triệu đồng.
Tiêu chuẩn (LV1) | Nâng cao (LV2) | |
---|---|---|
Pin 9,6 kWh (120km/sạc) | 239 triệu đồng | 255 triệu đồng |
Pin 13,4 kWh (170km/sạc) | 265 triệu đồng | 282 triệu đồng |
Tuy nhiên, giữa luồng ý kiến cho rằng sử dụng Wuling Mini EV để chạy taxi là không phù hợp, nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra tính hợp lý của sự việc. Luận điểm chính của những ý kiến này nằm ở nơi mà đơn vị này kinh doanh taxi, cho rằng Wuling Mini EV sẽ hoạt động chủ yếu tại các khu vực trọng điểm về du lịch thường chỉ chạy trong bán kính hẹp, phù hợp với quãng đường di chuyển tối đa của xe.
Bên cạnh đó, xe điện luôn nắm giữ ưu thế về chi phí sử dụng, bao gồm chi phí năng lượng và chi phí bảo trì / bảo dưỡng so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Trên trang chủ, Wuling Việt Nam cũng đã so sánh chi phí nạp điện mẫu Wuling Mini EV với xe máy và xe ô tô xăng. Bảng so sánh cho thấy tiền xăng cho ô tô chạy xăng cao hơn 4 lần; ngay cả chi phí đổ xăng của "xe máy phổ thông" cũng cao hơn.
Một điều nữa cũng đáng nhắc tới là Wuling Mini EV có giá thấp, giúp giảm nhẹ gánh nặng đầu tư ban đầu với doanh nghiệp. Nếu kinh doanh tốt, đây còn là một điểm mạnh, bởi giúp doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng chưa rõ liệu sử dụng Wuling Mini EV làm xe taxi có mang lại phiền toái gì không, nhưng xét đến một số khía cạnh thì mẫu xe này vẫn có ưu thế rõ rệt so với xe sử dụng động cơ đốt trong.