Vụ nước mắm có arsen: Masan được mách nước nằm im hay cựa quậy?

Quang Huy |

Theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, Masan là công ty lớn nên họ có quyền theo đuổi sự im lặng trước nghi vấn đứng sau lưng và tận dụng quảng cáo bẩn. Tuy nhiên, "người tiêu dùng bây giờ không ấu trĩ".

Ngày 17/10, Hội bảo vệ người tiêu dùng Vinastas đưa ra thông cáo báo chí, trong đó có khẳng định nội dung về việc gần 70% mẫu nước mắm đang lưu hành chứa độc tố arsen (tổng) trong thành phần. Thông cáo đưa ra thông tin đưa ra lấp lửng, không chỉ rõ cho người tiêu dùng biết sự khác biệt giữa arsen vô cơ gây hại và arsen hữu cơ vốn tồn tại tự nhiên trong muối và cá.

Trước thông tin này, người tiêu dùng tỏ ra hoang mang, còn các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nước mắm truyền thống bức xúc. Sự việc đẩy lên cao khi các doanh nghiệp nước mắm cũng như các cơ quan quản lý khác yêu cầu phải có cuộc điều tra tổng thể về nội dung thông cáo của Vinastas, còn dư luận đặt nghi vấn có doanh nghiệp tài trợ đứng sau cuộc kiểm nghiệm độc lập của Vinastas.

Đánh giá về cuộc tranh luận này trong ngành nước mắm, chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho rằng các doanh nghiệp nước mắm truyền thông đã phản ứng rất tốt, khi đưa ra nhiều bằng chứng, đồng thời yêu cầu một cuộc kiểm tra toàn diện các thông tin bất lợi.

"Vinastas là cơ quan trung gian mang tính đoàn thể xã hội nhưng công bố thông tin lấp lửng, khiến chính họ mất đi vai trò trung lập của mình. Hơn nữa, một khi thông tin về nhà tài trợ của Vinastas không được công bố thì việc người dân đặt nghi vấn cũng là dễ hiểu.

Về bản chất, đối tượng bị nghi vấn có thể thanh minh, thậm chí kiện người đặt nghi vấn, hoặc im lặng. Động thái của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc nghi vấn này ảnh hưởng ra sao tới họ, cân nhắc trên thiệt hại thực tế và thiệt hại dự đoán, những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra

Thực ra Masan có thể lựa chọn quyền im lặng là bởi họ nắm giữ thị phần nước mắm lớn, còn nếu là doanh nghiệp nhỏ, có thể phản ứng đã khác đi. Khi ấy, công ty chịu thiệt hại sẽ phải có động thái ngay".

Theo ông Hoàng, nếu có doanh nghiệp thao túng thông tin về arsen thì việc người tiêu dùng Việt Nam đang có phản ứng trái chiều có thể đi ngược lại với dự tính ban đầu của đơn vị đó.

"Nhiều người có quan niệm người tiêu dùng dễ dẫn dắt vì họ thiếu hiểu biết, nhưng giờ đây, quan niệm này tương đối ấu trĩ. Người tiêu dùng có thể không có đủ thông tin, thiếu kiến thức, có thể nhất thời hồ đồ, nhưng về mặt dài hạn, những vấn đề này họ sẽ tự xử lý và lấp đầy ngay.

Họ sẽ biết điều chỉnh lựa chọn của mình theo các thông tin dài hạn. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể tồn tại được.

Sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ phần lớn là do khuyết tật của thị trường, như độ trễ, bất cân xứng thông tin. 

Thông thường, sự bất cân xứng này được lấp đầy nhờ cầu nối là các tổ chức trung gian, tổ chức xã hội, nhằm đưa thị trường cung cầu đến gần nhau hơn, thông tin được trung thực hơn, sòng phẳng hơn, không giống cách công bố thông tin như vừa qua của Vinastas".

Trước việc Masan - một trong những doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam - tung ra quảng cáo khẳng định sản phẩm an toàn và đạt tiêu chuẩn về ngưỡng arsen, một chuyên gia thương hiệu đánh giá đó là cách nương theo dư luận khá dễ hiểu của doanh nghiệp.

"Masan đã tận dụng được một phần của cơn bão truyền thông. Một bộ phận người dân rõ ràng thể hiện sự lo lắng về nước mắm nhiễm arsen, nên nhãn hàng đưa thông báo quảng cáo khẳng định sản phẩm của họ an toàn. Đó cũng là cách nương theo chiều tích cực của vụ việc.

Nhưng điều đó cũng khiến một bộ phận công luận lại chĩa mũi dùi vào vấn đề khác, liên quan đến chuyện đối tác và kịch bản của vụ scandal. Lúc này, mọi thanh minh sẽ mang lại tác dụng theo chiều hướng vô nghĩa hoặc tiêu cực. 'Nằm im' là cách tốt, vì thực tế cho thấy, những nghi vấn nếu không tiếp tục có thêm bằng chứng sẽ tự khắc bị triệt tiêu".

Trong khi đó, chuyên gia Đoàn Đình Hoàng đánh giá, việc tận dung quảng cáo ngay sản phẩm của mình trong thời điểm xảy ra scandal chưa chắc đã là một lựa chọn chính xác.

"Hơn nữa, phải xét đến tận cùng là trong một chứng minh khoa học luôn đặt ra nhiều ràng buộc về điều kiện thử nghiệm, điều kiện sản phẩm, theo kiểu 'trong điều kiện A, B, C, D..., chúng tôi đưa ra kết luận E'. Nhưng thực tế, điều kiện A, B, C, D là các điều kiện hoặc lý tưởng, hoặc biệt lập, tức không chắc xảy ra trong đời thực.

Cho dù khoa học có cái lý của khoa học thì tập quán có cái lý của tập quán. Vài trăm năm nay, ông bà người Việt sử dụng các sản phẩm truyền thống thì có rủi ro gì không? Rõ ràng không có bằng chứng về rủi ro. Đó chính là sức mạnh của tập quán".

Từ chối trả lời về nghi vấn là doanh nghiệp tài trợ cho cuộc kiểm nghiệm độc lập của Vinastas, đại diện truyền thông của Masan cho biết doanh nghiệp này sẽ giữ quyền im lặng và chờ đợi kết luận của các cơ quan chức năng.

Vị này cũng khẳng định quảng cáo của họ về sản phẩm an toàn và đạt ngưỡng tiêu chuẩn thạch tín đã có từ năm 2011, không phải chỉ mới xuất hiện sau scandal thông tin vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại