Kỳ 1: 'Địa ngục trần gian' tại miền quê nước Anh
Âm thanh vụ nổ nghe như hàng nghìn tiếng sấm dội lại. Mặt đất rung chuyển, các tòa nhà đổ sập. Tất cả những ai nghe thấy âm thanh khủng khiếp đó khi đang ở trong ngôi làng Staffordshire, Hanbury (Anh) và trên cánh đồng đều biết ngay chuyện gì đã xảy ra.
Một đám mây hình nấm khổng lồ hình thành trên không. Tất cả đều nghĩ đến một chuyện kinh hoàng: Kho đạn đã phát nổ. Một dân làng về sau nhớ lại: “Có ánh sáng chói lòa và mặt đất tôi đang đứng rung lắc dưới chân. Từng tảng đất to như động cơ tàu hỏa bắn lên trời”.
Ít nhất 70 người đã chết vào cái ngày u ám 27/11/1944 đó. Đây là vụ nổ lớn chưa từng có ở Anh, lớn gấp nhiều lần so với những gì diễn ra trong chiến dịch Blitz và còn được cho là một trong những vụ nổ vô tình lớn nhất thế giới.
Vụ nổ lớn và phát ra âm thanh to tới mức các tháp chuông nhà thờ ở Burton-on-Trent cách đó vài kilomet đồng loạt rung lên, cửa sổ kính các căn nhà ở Coventry cách đó xa cũng vỡ vụn. Tiếng nổ được nghe thấy từ thủ đô London. Máy ghi địa chấn ở tận Maroc, Geneva và Rome đều hoạt động như thể phát hiện ra một trận động đất.
Vụ nổ quy mô như vậy nhưng giới chức Anh đã giữ bí mật nguyên nhân thực sự của thảm kịch suốt nhiều chục năm. Tuy nhiên, vụ nổ không hoàn toàn bất ngờ. Ai sống trong khu vực đó đều biết kho vũ khí và chuyện gì diễn ra ở đó cho dù lẽ ra họ không được biết. Sự tồn tại của kho vũ khí là một bí mật quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bên trong kho đạn sau vụ nổ. Ảnh: Dailymail
Vị trí kho đạn thuộc về đơn vị bảo dưỡng số 21 thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF Fauld). Cái tên nghe có vẻ bình thường nhưng nó ẩn chứa một bí mật lớn. Đó là một kho đạn ngầm khổng lồ, chứa hàng chục nghìn quả bom chết người. Quả to nhất chứa tới vài tấn thuốc nổ.
Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, người ta đã thấy bom được mang về khu vực nông thôn hẻo lánh này ở Anh sau khi được sản xuất tại các nhà máy đạn dược ở thành phố, thị trấn. Bom được đóng gói và cất trong một mê cung rộng lớn các hầm bí mật, sẵn sàng phân phối cho máy bay ném bom và sân bay của Không quân Mỹ khắp miền Đông nước Anh.
Những quả bom này được sản xuất để chống lại nước Đức thời trùm phát xít Adolf Hitler. Máy bay ném bom của Anh và Mỹ cách đây 75 năm đã dội bom phá hủy các nhà máy, thành phố ở Đức.
Hố lớn hình thành sau vụ nổ. Ảnh: Dailymail
Trước khi làm kho vũ khí, khu vực này là một khu mỏ lớn chuyên khai thác thạch cao từ thời La Mã. Giờ nó trở thành kho vũ khí lớn nhất nước Anh và người dân Hanbury ở ngay phía trên kho đạn. Họ sống cuộc sống hàng ngày ở đó và không có lựa chọn nào khác ngoài nhắm mắt làm ngơ với cãi bẫy tử thần chết người ngay dưới chân.
Kho đạn nằm sâu dưới đất 27m, bên dưới một cánh rừng hoa chuông và thảo nguyên xanh mướt. Nó có nhiều đường hầm ẩm ướt, lờ mờ sáng, cao 3,6m, rộng 6 mét với nhiều giá chất đầy bom hạng nặng. Các đường hầm tỏa đi mọi hướng như đàn rắn trong phạm vi 3,2km.
Kho đạn cũng có những quả bom cháy loại nhỏ cùng khoảng 500 triệu viên đạn súng trường đựng trong các thùng. Tất cả đều là những thứ gây ra chết chóc và hủy diệt nhưng lại được cất ở một nơi nông thôn không ai ngờ tới.
Bên trong kho đạn, 1.000 người hoạt động nhộn nhịp, liên tục. Trong số đó có một nửa là công nhân dân thường, còn lại là nhân sự thuộc Không quân Hoàng gia Anh. Ngoài ra, còn có một đội tù binh chiến tranh Italy bị bắt tới đây làm việc từ trại giam gần đó. Nhiệm vụ của số người này là giám sát liên tục vũ khí vào và ra kho đạn.
Theo một người từng vào kho đạn, không khí bên trong không khác gì cái hang kỳ dị mà Aladdin trong truyện cổ tích bước vào. Không mấy người nhận ra rằng chỉ xét về số lượng, một lượng vũ khí lớn như vậy khi bị chất vào một không gian chật hẹp thì việc xảy ra tai nạn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Điều này đã xảy ra vào một ngày thứ hai ngay trước 11 giờ mà không có một cảnh báo. Cả khu vực rung chuyển trong một vụ nổ khổng lồ hủy hoại cả khu vực.
Các nhân chứng đã kể lại về thời khắc kinh hoàng trong cuốn sách mới mang tên “Voices From The Explosion”. Cuốn sách là của tác giả Valerie Hardy, người đã lớn lên trong một nông trại ở khu vực kho đạn. Cuốn sách ra đời nhân kỷ niệm 75 năm xảy ra thảm họa kinh hoàng nhưng ít người biết tới.
Khi đó, bà Valerie mới 8 tuổi nhưng đã phải chứng kiến sự cố xảy ra với vùng quê yên bình, tĩnh lặng. Hậu quả của vụ nổ ở Hanbury là bị hủy diệt hoàn toàn khi toàn bộ một quả đồi bị thổi tung thành từng mảnh vụn.
Một nông trại tên là Castle Hays nằm ngay trên kho đạn đã bị xóa sổ như chưa bao giờ từng tồn tại. Vị trí nông trại là một hố dài 1,6km, sâu 91m. Một người dân nhớ lại: “Cả quả đồi Stonepit bị nổ phanh ra. Tôi nhìn thấy một cái cây, thực ra là chỉ nhìn thấy rễ, bị bắn lên trời. Đá, hàng rào, máy móc bị trộn thành một mớ hỗn độn. Khi tác động vụ nổ chạm tới nơi tôi đang đứng, tôi bị văng đi khoảng 80m ra cánh đồng”.
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Ảnh: Dailymail
Tiếp đó là hậu quả chết người sau vụ nổ. Đám mây hình nấm khổng lồ bốc lên hàng nghìn mét trên không, sau đó trút xuống hàng triệu tấn đất, đá, thân cây. Tất nhiên là cả xác chết. Đó là thi thể những người nông dân làm việc gần đấy, trong đó hai người không bao giờ được tìm thấy. Ngoài xác người, còn có khoảng 200 xác gia súc đang gặm cỏ trên thảo nguyên.
Lửa bùng lên khắp nơi. Các hố bom chi chít trên một vùng đất rộng. Mọi cảnh vật quen thuộc xung quanh biến mất. Hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp bị phá hủy hoàn toàn. Trông cảnh tượng như địa ngục trần gian.
Một nhân chứng kể: “Mặt đất cháy đen như thể đang lên cơn đau. Nơi từng là chỗ đàn ông làm việc, phụ nữ nướng bánh mỳ, trẻ con chơi đùa, giờ đây là một vùng đất chết, hủy diệt”.
Một vùng quê hoang tàn. Ảnh: Dailymail
Mọi chuyện tồi tệ chưa dừng ở đó, vụ nổ đã làm vỡ bờ một con đập, làm ngập lụt khu vực khi 22,8 triệu lít nước tràn vào, biến đất thành một biển lầy lội, nhớp dính chết người. Có vũng sâu tới 3 mét.
Trong một trường làng, 30 học sinh chui xuống gầm bàn trú ẩn khi chiếc bảng đen rơi xuống nền, đá và mái ngói trút xuống ầm ầm xung quanh.
Để giữ vững tinh thần cho học sinh, cô giáo Farndon đã hướng dẫn các em hát bài “There’ll always be an England”.
Kỳ diệu là không em nào bị thương. Dù vậy, nhiều em hôm đó trở về căn nhà và không còn cha mẹ nữa.
Số người chết lớn nhất ở khu mỏ Ford và khu khai thác thạch cao cạnh kho đạn. Khu mỏ này vẫn hoạt động và có lực lượng lao động lớn làm công việc khai thác và xử lý thạch cao, xi măng.
Các tòa nhà bên trên kho đạn như nhà máy giấy, lò rèn, lều trại làm thạch cao, vài căn nhà đều bị phá hủy. 26 người ở đó đã thiệt mạng hoặc bị mắt kẹt trong đống đổ nát, hoặc bị chôn vùi trong các hố sâu khi nước từ đập vỡ tràn vào. Người thợ rèn được tìm thấy trong tình trạng bị cái đe cắm vào lưng.
https://baotintuc.vn/ho-so/vu-no-kho-vu-khi-chan-dong-o-anh-cach-day-75-nam-ky-1-20190820154234786.htm