Em H sau khi được lương y Võ Hoàng Yên và đệ tử "chữa bệnh", đến nay vẫn ngồi xe lăn, không nói được
Chỉ một lần bấm huyệt đã ngồi dậy rồi… nằm im
Trong danh sách được Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh cung cấp, một bệnh nhân tên H. ở tổ 1, Khối phố Tây Hồ, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.
Có mặt tại đây, được biết ít nhất 3 bệnh nhân khác cùng tổ đã từng đến ông Yên chữa nhưng không khỏi bệnh.
Căn nhà của bệnh nhân H. ẩn sâu trong con ngõ nằm giữa sông Hiếu và sân vận động thị xã Thái Hòa, một phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn đang chăm chú nhìn nhóm người chơi bóng chuyền ở khoảnh sân trước nhà. Thấy PV em H cười rất tươi, vẫy tay chào rồi quay vào nhà ú ớ như muốn gọi mẹ.
Nghe được tiếng ú ớ của con gái, bà T. mẹ em H. từ trong nhà ra chào khách. Bà cho biết, em H là sinh viên năm thứ hai Trường Sân khấu Điện ảnh, cô diễn viên múa bị tai nạn xe máy dẫn đến tàn tật, không còn khả năng nói, đi lại càng không.
Tương lai của diễn viên múa tương lai gần như bị dập tắt. Thương con, hai vợ chồng bà T. đã chạy chữa khắp nơi, tìm đủ các thông tin trên mạng xã hội, và biết được thông tin ông Võ Hoàng Yên về lập cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Tĩnh, cả gia đình khăn gói vào chữa trị.
Ngay lần đầu tiên đến nơi, em H. phải khiêng vào nên ông Võ Hoàng Yên ra thăm khám và bấm huyệt. Rồi ông Yên hỏi có muốn cho cháu ngồi dậy không, tất cả những người ở đó hô vang muốn, sau đó em H. ngồi dậy được khoảng 5 phút, mọi người cho các tràng pháo tay khuyến khích.
"Đó là một khoảnh khắc thần kỳ. Tôi cũng vui lắm, chỉ một lần bấm huyệt mà cháu đã ngồi dậy được, nhưng sau lần đó cháu lại nằm im, một lần khác ông Yên kéo lưỡi cháu nhưng không được" bà T. nói.
Năm 2014, Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên đi vào hoạt động nhưng đến nay bỏ hoang. Trong ảnh là cổng vào Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên.
Hi vọng bao nhiêu thất vọng bấy nhiêu
Theo lời kể của bà T. ban đầu ông Yên nói em H. ăn được rồi sẽ nói được, nói được rồi sẽ đi được vì mấy cái này liên quan đến nhau nên gia đình cứ theo chữa bệnh mãi.
Sau khoảng 10 lần đi lại, tiêu tốn mấy chục triệu đồng nhưng thấy bệnh của em H. không thay đổi khiến bà và người thân trong gia đình hy vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu.
Sỡ dĩ bà T. đặt niềm tin vào ông Yên bởi ban đầu nghe nói thầy Yên giỏi nên nghĩ không chữa được bệnh này cũng chữa được bệnh kia, nhưng cả chục lần đưa em H. vào chữa bệnh, một hai lần được ông Yên chữa, còn lại là đệ tử ông Yên làm.
Dù đi lại nhiều lần, tốn công, tốn của nhưng vì thương con, đặt niềm tin vào "thần y" Võ Hoàng Yên nên không riêng gì gia đình bà T, hàng xóm của bà hay tin cũng đưa con đến chữa nhưng đều thất vọng như bà.
Cùng xóm với em H. còn anh Nguyễn Văn Sáng (Sn 1986), sau khi đi xuất khẩu lao động 3 năm về nhà, trong một lần bị tai nạn xe máy, sau một tháng mới tỉnh lại anh Sáng gần như bị liệt, đã đi rất nhiều nơi chữa trị nhưng không khỏi. Anh Sáng cũng vài lần đi cùng nhà H đến chỗ ông Yên.
Hai mẹ con bà Trần Thị Hoa và anh Nguyễn Văn Sáng chia sẻ nguyện vọng với PV
May mắn hơn em H là anh Sáng vẫn chống nạng đi lại và nói chuyện được. Anh Sáng cho biết: "Xem trên mạng, nói ở Hà Tĩnh có ông Yên chữa bệnh giỏi nên hai mẹ con đưa nhau vào, cũng không nhớ nộp hết bao nhiêu tiền nữa, nhưng chắc chắn phải nộp mới vào được".
"Họ nói bị khép khớp háng nên họ bẻ mạnh ra nên đau. Ban đầu tôi đến với hy vọng mình sẽ khỏi, nhưng đi rồi lại thấy thất vọng. Chỉ nhìn thấy ông Yên chứ không được ông ấy khám bao giờ" anh Sáng nhớ lại.
Bà Trần Thị Hoa, mẹ anh Sáng nói: "Hồi đó chủ yếu học trò của ông bấm. Bệnh không thay đổi được gì. Họ lấy cái ghế dài kê chân cháu lên, về vài ngày thấy thâm đen cả hai bên đùi nên không dám đi nữa. Khiếp luôn!".
Theo chia sẻ của gia đình anh Sáng, khi xem trên mạng thấy video ông Võ Hoàng Yên bấm cho người bị bại liệt đi lại bình thường. Ban đầu rất hi vọng… "Giờ thì số phận của nó có lẽ cũng từng đó thôi" bà Hoa nói.
Mong muốn của anh Sáng cũng như bà Hoa là làm sao anh Sáng được học máy tính và có việc làm giúp ích cho đời và xã hội, giờ Sáng đi lại kém, các ngón tay vận động cũng không được như xưa…
Lãnh đạo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, người được cấp chứng chỉ hành nghề, khi mở cơ sở khám chữa bệnh phải đăng ký với Sở Y tế địa phương, được Sở Y tế địa phương thẩm định, cấp phép và chỉ được hành nghề tại nơi được cấp phép, trên địa bàn tỉnh, thành đó. Còn đi hành nghề ở các địa phương khác, như trường hợp ông Võ Hoàng Yên là không đúng quy định.
Như Dân Việt đã thông tin, vào sáng 2/3, tại Tổ đình Hưng Minh tự (Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TP.HCM) diễn cuộc đối chất giữa vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") và bà Nguyễn Phương Hằng với ông Võ Hoàng Yên cùng luật sư của ông Yên.
Ông Võ Hoàng Yên hành nghề bốc thuốc nam, chữa bệnh bằng cách bấm huyệt, được biết đến với danh xưng "thần y".
Ngoài ra, cuộc đối chất còn có đại diện Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ánh và các vị chức sắc trong Phật hội.
Tại buổi đối chất, bà Hằng tỏ ra khá bức xúc và cho biết lý do cuộc gặp là để nói rõ về việc trước đó bà đã tố cáo ông Yên lừa đảo, chiếm đoạt tiền xây chùa, tiền bà phát tâm cho làm từ thiện.
Cuối buổi làm việc, các vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Vợ chồng ông Dũng cho biết sẽ đưa đơn đến cơ quan công an để pháp luật làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ông Yên.
Sau đó, xuất hiện lá đơn đề tên ông Võ Hoàng Yên, đề nghị trả lại tiền cho vợ chồng ông Dũng "lò vôi". Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng quyết đưa vụ việc nhờ cơ quan chức năng giải quyết.