Trả lại hết tiền cho vợ chồng ông Dũng 'lò vôi', ông Võ Hoàng Yên có 'vô can'?

Tiến Anh |

Dù ông Võ Hoàng Yên có trả lại toàn bộ tiền cho vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi), nhưng vợ chồng ông Dũng không rút đơn, vụ việc sẽ đi theo hướng nào?

Trả lại hết tiền cho ông Dũng 'lò vôi', ông Võ Hoàng Yên có thể "vô can" không?

Trả lại hết tiền cho ông Dũng 'lò vôi', ông Võ Hoàng Yên có thể "vô can" không?

Sau khi bị vợ chồng đại gia Dũng "lò vôi" tố cáo “ăn chặn” và “lừa đảo”, ông Võ Hoàng Yên đã viết thư gửi vợ chồng ông Dũng đề nghị trả lại toàn bộ tiền mà vợ chồng ông Dũng đã chuyển cho ông Yên, nhưng vợ chồng ông Dũng nói sẽ không rút đơn tố cáo tới công an.

Theo nội dung thư của ông Võ Hoàng Yên, trước đó, ông đã chuyển trả lại 20 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng) và chuyển trả quyền sử dụng đất căn nhà trị giá 18 tỷ đồng.

Còn theo thông tin từ bà Nguyễn Phương Hằng, ông Yên đã lừa gạt bà hơn 200 tỷ đồng, là tiền mà vợ chồng bà đã gửi cho ông Yên xây dựng một ngôi chùa ở Bình Thuận và cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua.

Vì nội dung đơn tố cáo là tố các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM sẽ có trách nhiệm làm rõ tin báo, tố giác tội phạm này theo quy định của tố tụng hình sự.

Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng ông Dũng đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Võ Hoàng Yên đến các cơ quan chức năng thì các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm giải quyết các nội dung và yêu cầu trong đơn tố cáo.

Viện kiểm sát nhân dân sẽ có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện và sẽ là đơn vị ký phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can nếu như xác định có dấu hiệu tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội theo quy định”.

Luật sư phân tích: “Ông Võ Hoàng Yên đang bị tố cáo hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của vợ chồng ông Dũng.

Theo nội dung đơn thì ông Yên đã đưa ra những thông tin nhận tiền để làm từ thiện, xây chùa miếu... nhằm lợi dụng tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng ông Dũng. Khi vợ chồng ông Dũng chuyển tiền cho ông Yên thì ông Yên đã chiếm đoạt số tiền đó.

Đối với hành vi này, cơ quan chức năng cần làm rõ xem có hay không có hành vi chiếm đoạt tài sản? Nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản thì là hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm?...

Theo quy định của pháp luật thì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi được các cơ quan chức năng xác định thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi này mà không cần phải có đơn yêu cầu của bị hại.

Hay nói cách khác, nếu vợ chồng ông Dũng rút đơn nhưng phía cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định được hành vi có dấu hiệu phạm tội và cần khởi tố vụ án thì việc khởi tố vụ án và xử lý hành vi vẫn diễn ra bình thường theo đúng quy định của pháp luật".

Nói về "tội" của ông Võ Hoàng Yên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, TP.HCM) nêu quan điểm: “Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, "người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật"

Như vậy, việc một người cho dù có bị bắt bị tạm giam, có quyết định khởi tố và dù có bản án của tòa án là người đó có tội nhưng nếu bản án đó chưa có hiệu lực thì người đó vẫn được cho là không có tội.

Trở lại trường hợp này, giả sử ông Võ Hoàng Yên có trả lại tài sản cho vợ chồng ông Dũng thì cũng không nói lên được việc là ông Yên có tội hay không, có phải là khắc phục hậu quả hay không bởi hiện nay chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Trong trường hợp có dấu hiệu hình sự thì dù vợ chồng ông Dũng có rút đơn tố cáo thì vụ án vẫn phải được giải quyết theo quy định, việc khắc phục của ông Yên sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại