Vũ khí Trung Quốc: Thế lực đáng gờm trong Quân đội Venezuela

Sao Đỏ |

Không chỉ nhập khẩu vũ khí do Nga sản xuất mà trong biên chế Quân đội Venezuela còn một khối lượng khá lớn sản phẩm quân sự có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hiện nay cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, cho nên nguy cơ nổ ra một cuộc nội chiến dẫn tới việc nước ngoài can thiệp vào tình tình nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này là chưa thể loại trừ.

Trước viễn cảnh phải hứng chịu hành động quân sự từ Hoa Kỳ và các nước đồng minh Mỹ Latinh, Quân đội Venezuela đang tiến hành các cuộc diễn tập và triển khai lực lượng quy mô lớn trên phạm vi toàn lãnh thổ với các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị hiện đại.

Có một điều gây chú ý ở đây đó là ngoài các phương tiện chiến tranh có nguồn gốc Nga, sản phẩm quốc phòng do Trung Quốc chế tạo cũng xuất hiện với mật độ lớn. Theo đánh giá thì các loại vũ khí này đều có tính năng kỹ chiến thuật rất đáng gờm, sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với thế trận phòng thủ của Venezuela.

Vũ khí Trung Quốc: Thế lực đáng gờm trong Quân đội Venezuela - Ảnh 1.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trên xe chiến đấu bộ binh VN-18 do Trung Quốc sản xuất

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI của Thụy Điển, giai đoạn Venenzuela nhập khẩu vũ khí Trung Quốc trên quy mô lớn bắt đầu từ giữa thập niên 2000, mở màn là hợp đồng trị giá 150 triệu USD mua 12 đài radar cảnh giới JYL-1.

JYL-1 là radar cảnh giới 3 tham số (3D) rất tiên tiến, nó sử dụng ăng ten mảng pha quét điện tử hoạt động trên băng sóng S với tần số 2.900 - 3.100 MHz, tầm trinh sát tối đa 450 km và cự ly phân giải đạt 200 m.

Các đài radar JYL-1 thường được Quân đội Venezuela triển khai cùng các tổ hợp tên lửa phòng không như Pechora-2M, Buk-M2E mua từ Nga để nâng cao năng lực giám sát.

Vũ khí Trung Quốc: Thế lực đáng gờm trong Quân đội Venezuela - Ảnh 2.

Radar cảnh giới JYL-1 được Venezuela triển khai bên cạnh xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2M

Ngoài radar phòng không, Không quân Venezuela còn đặt mua tới 27 máy bay huấn luyện - chiến đấu K-8 (phiên bản K-8W và K-8VV), họ đã nhận đủ số lượng theo 2 hợp đồng (18 và 9 chiếc) vào các năm 2010 và 2016.

Đi kèm số phản lực trên còn có 100 tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5E sử dụng đầu dò hồng ngoại. Bên cạnh đó, Caracas đã nhận đủ 8 máy bay vận tải hạng trung Y-8F-200W để thay thế số C-130H đang xuống cấp.

Vũ khí Trung Quốc: Thế lực đáng gờm trong Quân đội Venezuela - Ảnh 3.

Máy bay huấn luyện - chiến đấu K-8 của Không quân Venezuela

Vũ khí trang bị cho Lục quân và Lính thủy đánh bộ chiếm tỷ trọng khá lớn trong các hợp đồng mua sắm mà Venezuela ký kết với Trung Quốc. Trong đó tiêu biểu là 25 xe tăng hạng nhẹ VN-16 cùng 25 xe chiến đấu bộ binh VN-18 (phiên bản xuất khẩu của ZTD-05 và ZBD-05).

Hai loại phương tiện trên nằm trong gói hợp đồng trị giá 500 triệu USD ký kết năm 2012, trong đó còn bao gồm cả 18 tổ hợp cối tự hành SM-4 cỡ 81 mm, 18 hệ thống pháo phản lực phóng loạt SR-5, 40 xe chiến đấu bộ binh bánh lốp VN-1 (phiên bản xuất khẩu của ZBL-09).

Ngoài ra còn phải kể đến 121 xe bọc thép hạng nhẹ VN-4 để trang bị cho lực lượng Vệ binh quốc gia Venezuela, 250 tên lửa chống tăng HJ-73D và một số lượng chưa xác định tên lửa hành trình chống hạm C-802.

Vũ khí Trung Quốc: Thế lực đáng gờm trong Quân đội Venezuela - Ảnh 5.

Xe chiến đấu bộ binh bánh lốp VN-1 của Thủy quân lục chiến Venezuela

Rõ ràng số lượng lớn vũ khí Trung Quốc trong Quân đội Venezuela sẽ giúp quốc gia Nam Mỹ này tự tin hơn trước khả năng phải đương đầu với hành động quân sự từ bên ngoài, tính năng kỹ chiến thuật của chúng hoàn toàn đủ sức bẻ gãy các đợt tấn công từ đối phương.

Xe tăng lội nước VN-16 và xe chiến đấu bộ binh VN-18 của Thủy quân Lục chiến Venezuela

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại