Khả năng của vũ khí phương Tây trên chiến trường Ukraine
Kể từ khi tuyên bố bắt đầu phản công vào tuần trước, Ukraine đã giành lại một số phần lãnh thổ nhưng chưa đạt được bước đột phá lớn. Điều này khiến các nhà phân tích quân sự hoài nghi về khả năng phản công thành công của Ukraine nhằm đẩy lùi lực lượng Nga, với sự hỗ trợ vũ khí và thiết bị từ phương Tây.
Quân đội Ukraine khai hỏa pháo tự hành Caesar ở Avdiivka, Donetsk. Ảnh: Reuters
"Tôi cho rằng kết quả cuộc phản công của Ukraine sẽ không như những gì phương Tây mong đợi. Những gì Ukraine đang thực hiện là hành động thăm dò hơn là một cuộc phản công hay tấn công thực sự", Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói.
Theo ông Maloof, Ukraine chưa tạo ra được bước ngoặt đáng kể trong cuộc phản công phần lớn có thể do chưa lên kế hoạch chi tiết, thiếu nhân lực và nguồn lực.
Ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine thất bại trong mọi hướng phản công và quân đội Kiev phải chịu thương vong nặng nề. Theo Tổng thống Putin, quân đội Ukraine đang tấn công theo hướng Shakhtyorsk và Vremevka, "nhưng không đến được tiền tuyến". Nhà lãnh đạo Nga cho biết Ukraine đang tiến công từ 4 hướng.
"Đây là một cuộc phản công quy mô lớn, huy động lực lượng dự bị được chuẩn bị từ trước. Cuộc phản công đã diễn ra từ ngày 4/6 và tiếp tục kéo dài cho đến hôm nay", ông Putin nói.
Cho đến nay, Ukraine chưa đạt được thành công ở bất kỳ hướng phản công nào, dù đã nhận được các thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD từ Mỹ và các đồng minh NATO. Chỉ trong tuần đầu tiên phản công, lực lượng Ukraine đã tổn thất hơn 10 xe tăng Leopard 2, gần 20 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất và một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp.
"Phương Tây tin rằng sự xuất hiện của các vũ khí mới trên chiến trường, đặc biệt là xe tăng Leopard, sẽ khiến quân đội Nga bối rối, nhưng phương Tây đã tính toán sai lầm. Khi đối mặt với công nghệ của Nga, công nghệ của phương Tây dường như không ngang bằng, cả về vũ khí cũng như khả năng cơ động", chuyên gia quân sự Anatoliy Matviychuk nói.
Ông Matviychuk lưu ý những khuyết điểm về khả năng cơ động của các phương tiện bọc thép phương Tây. Theo ông, chiến trường Đông Âu với tình trạng đóng băng, lũ lụt, bùn lầy và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với các thiết bị quân sự của NATO. Quân đội Ukraine đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về hậu cần, trong đó có việc xe tăng chiến đấu nặng 60 tấn của Đức không thể vượt qua một số cây cầu của Ukraine.
Sẽ ra sao nếu Ukraine phản công thất bại?
Theo một số chuyên gia quân sự, việc Nga phá hủy vũ khí phương Tây chuyển giao cho Ukraine tương đối nhanh chóng và Kiev chưa đạt được bất kỳ chiến thắng lớn nào trên chiến trường, có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.
"Tôi nghĩ các quốc gia phương Tây sẽ bắt đầu thấy rằng bất cứ thứ gì họ chuyển tới chiến trường ở Ukraine đều bị tàn phá khá nhanh. Những chiếc Bradley và Leopard đã bị phá hủy. Các quốc gia sở hữu chúng không thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine trừ khi họ chuyển sang sản xuất trong thời chiến. Nền kinh tế của họ không thể hỗ trợ điều đó ngay bây giờ", ông Maloof nói.
Các chính trị gia Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm thiết bị quân sự và xe bọc thép để thay thế những thứ đã bị tàn phá.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố rằng Berlin không thể thay thế mọi xe tăng Leopard bị phá hủy trên chiến trường Ukraine. Ông khẳng định với Ukraine rằng Đức sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard 1 A5 đã được sửa chữa bắt đầu từ tháng 7.
"Đến cuối năm nay, sẽ có hơn 100 xe tăng Leopard tại chiến trường Ukraine", ông Pistorius nói. Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự quốc tế đánh giá số lượng xe tăng và thời điểm chuyển giao đó là quá ít và quá muộn.
Ngày 13/6, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ dành cho Ukraine trị giá 325 triệu USD, trong đó có đạn dược cho hệ thống phòng không, pháo và phương tiện chiến đấu. Các quốc gia phương Tây khác cũng nói sẽ hỗ trợ tối đa cho cuộc phản công của Ukraine và cung cấp viện trợ dài hạn cho Kiev. Tuy nhiên, nhà phân tích Maloof đánh giá nguồn viện trợ từ phương Tây sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Các nhà quan sát phương Tây nhận định rằng, Ukraine chưa đạt được thành công lớn trong cuộc phản công là do binh sĩ chưa được huấn luyện để sử dụng thành thạo các thiết bị từ NATO. Tuy nhiên, theo ông Matviychuk, điều đó không hoàn toàn đúng.
"Phương Tây đã huấn luyện các binh sĩ Ukraine trong một năm. Họ đã trải qua khóa huấn luyện ở Anh, Mỹ, Đức và các nước khác. Có thể do Ukraine chưa thành thạo với công nghệ phương Tây", ông nói.
Theo các chuyên gia quân sự, các phương tiện bọc thép của Mỹ đã thể hiện sức mạnh trong chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq, nhưng ở Đông Âu, chúng dường như chưa đạt được hiệu quả tối đa./.