Vũ khí phương Tây có giúp Ukraine “chạy nước rút” giành lại Crimea vào cuối mùa hè?

Mai Trang |

Newsweek dẫn lời cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges cho rằng, quân đội Ukraine, nếu được phương Tây bổ sung viện trợ quân sự, có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga và tiến vào Bán đảo Crimea vào cuối mùa hè.

Ukraine cần vũ khí tiên tiến hơn

Giữa những lo ngại về tốc độ chậm và tổn thất ngày càng gia tăng của cuộc phản công từ phía Ukraine ở phía Nam và phía Đông, Tướng Hodges kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp thêm vũ khí tiên tiến cho Ukraine như Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS). Cho đến nay, Mỹ từ chối cung cấp ATACMS cho Ukaine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.

"Nếu Mỹ cung cấp những gì Ukraine cần, thì Ukraine thực sự có thể giành lại quyền kiểm soát Crimea vào cuối mùa hè này", ông Hodges nói.

Vũ khí phương Tây có giúp Ukraine “chạy nước rút” giành lại Crimea vào cuối mùa hè? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: US Army

Kể từ khi tuyên bố bắt đầu phản công vào đầu tháng 6, Ukraine nói đã đạt được tiến bộ đáng kể trên chiến trường ở nhiều hướng. Hiện nay, giao tranh ác liệt nhất đang diễn ra ở phía Đông, xung quanh thành phố Bakhmut và ở phía Nam.

Giới chức Ukraine cho rằng các cuộc tấn công thăm dò ban đầu đã có hiệu quả với việc quân đội nước này có thể tiến vào các tuyến phòng thủ Nga xây dựng từ trước. Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố đã đánh bại các cuộc phản công của Ukraine và nói rằng quân đội Ukraine phải chịu tổn thất lớn về nhân sự và thiết bị.

Ông Hodges cho biết còn quá sớm để đánh giá cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine thành công hay thất bại, dù ông nhấn mạnh rằng vẫn lạc quan về triển vọng phản công của Kiev.

"Hầu hết các đội hình thiết giáp hạng nặng của Ukraine vẫn chưa tham gia chiến đấu. Nếu Ukraine vượt qua được lớp phòng thủ của Nga, diễn biến cuộc phản công có thể sẽ thay đổi. Nhưng để làm được điều đó, họ cần vũ khí chính xác tầm xa hoặc các hệ thống vũ khí khác có tầm bắn xa hơn", ông Hodges cho hay.

"Điều đó sẽ cho phép Ukraine giành lại Bán đảo Crimea . Sau đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ phải rời khỏi Sevastopol. Điều này có thể xảy ra nếu Ukraine có thể đặt ATACMS bên trong thành phố cảng đó".

Khả năng Mỹ cung cấp ATACMS cho Ukraine

Mỹ đã do dự trong việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa do lo ngại các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga sẽ leo thang căng thẳng, thậm chí có thể khiến Moscow triển khai vũ khí hạt nhân.

Một trong những vũ khí Ukraine mong muốn có được là ATACMS, đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km, được bắn từ hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS). ATACMS có thể ngắm vào tất cả các vị trí của Nga trên khắp Ukraine và Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã tranh luận về sự cần thiết cung cấp ATACMS cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng việc cung cấp đạn dược có thể làm leo thang xung đột và khiến kho dự trữ ATACMS của Mỹ ở mức thấp đáng báo động.

Tuy nhiên, trong tháng 6, chính quyền Tổng thống Biden cho biết khả năng gửi ATACMS cho Ukraine vẫn đang được thảo luận. Đặc phái viên của Ukraine tại Mỹ cho rằng, giọng điệu của Nhà Trắng về vấn đề này đang thay đổi và không có trở ngại nào đối với quyết định cuối cùng về việc cung cấp vũ khí.

Mỹ và các đồng minh NATO đang gấp rút mở rộng khả năng sản xuất vũ khí, vốn đang dần cạn kiệt. Nỗ lực này bao gồm việc mở rộng dây chuyền sản xuất ATACMS của Tập đoàn Lockheed Martin tại Mỹ.

Ukraine đã dần thuyết phục được các đối tác nước ngoài về nhu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây, từ vũ khí chống tăng vác vai cho đến máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine tỏ ra thất vọng trước sự chậm chạp trước khi mỗi hệ thống mới có thể được thông qua. Ông Hodges cũng cho rằng phương Tây vẫn còn do dự trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong khi đó, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge, cho rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

"Chúng tôi đã làm việc với Quốc hội, các đồng minh và đối tác để cung cấp hỗ trợ an ninh chưa từng có cho Ukraine, và Kiev đang sử dụng hiệu quả những vũ khí và trang thiết bị đó để bảo vệ lãnh thổ. Sự viện trợ đó đã phát triển khi diễn biến chiến trường đã thay đổi", ông Adam Hodge cho biết.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu chiến đấu trước mắt và tăng cường khả năng phòng thủ lâu dài để họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai".

Nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân

Vẫn còn mối đe dọa về nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết và phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.

Các nhà quan sát lo ngại rằng nếu Ukraine tiến quân vào Crimea, điều này có thể gây ra phản ứng gay gắt từ Nga.

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã thể hiện rõ quan điểm rằng sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa NATO và Nga, và khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow.

Trước đó, vào ngày 16/6, Tổng thống Putin cho biết, nước này có nhiều vũ khí hạt nhân hơn NATO, nhưng sẽ không cắt giảm. Ông Putin nhắc lại rằng, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu có mối đe dọa đối với "toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền đối với sự tồn tại của quốc gia". Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập đến việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, lưu ý rằng đây là một yếu tố răn đe.

Tổng thống Putin cho biết việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus sẽ bắt đầu ngay sau khi các cơ sở tiếp nhận sẵn sàng vào ngày 7-8/7. Việc xây dựng một cơ sở lưu trữ các đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở Belarus đã được lên kế hoạch hoàn thành vào ngày 1/7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại