Một kỳ triển lãm thành công
Triển lãm hàng không Dubai Airshow 2017, một trong những chương trình triển lãm hàng không lớn nhất và thành công nhất trên thế giới, đã kết thúc vào ngày 16/11.
Triển lãm thu hút hơn 79.000 khách tham quan, tăng khoảng 20% so với kỳ Triển lãm năm 2015. Tổng giá trị hợp đồng được ký kết trong Triển lãm là 113,8 tỷ USD; con số này đã tăng gần gấp ba lần (37,2 tỷ USD) so với kỳ triển lãm trước.
Tại Dubai Airshow 2017 lần này, các nhà sản xuất vũ khí của Nga mang đến Triển trực thăng chiến đấu Ka-52, máy bay chiến đấu MiG-29M, máy bay tiêm kích đa năng Su-35, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph và hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1.
Đội bay trình diễn "Hiệp sĩ Nga" biểu diễn các pha nguy hiểm, phi thường trên bầu trời để gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả và cũng mang lại bầu không khí náo nhiệt cho cuộc Triển lãm.
Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hết sức quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu Su-35 đa năng. Quốc gia này đang xem xét việc mua khoảng 10 chiếc Su-35 hoặc nhiều hơn.
Trước đó, UAE và Nga đã ký một biên bản ghi nhớ mua máy bay chiến đấu Su-35 vào tháng 2/2017 và hiện tại các cuộc đàm phán về thương vụ này đang được tiến hành. Rất có thể UAE sẽ là nước thứ hai sau Trung Quốc sở hữu loại máy bay tối tân này.
Bên cạnh việc mua các loại máy bay của Nga, UAE đã mua nhiều vũ khí mặt đất của Nga như xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và hệ thống phòng không Pantsir S1.
Trong tháng hai vừa qua, UAE đã ký hợp đồng quân sự với Nga trị giá 1,9 tỷ USD. Hợp đồng này bao gồm mua 5.000 tên lửa chống tăng có điều khiển, bao gồm cả sự hỗ trợ đào tạo và bảo dưỡng kỹ thuật.
UAE bắt đầu đàm phán với công ty Rostec về việc phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ, dựa trên máy bay hai động cơ MiG-29 để chương trình có thể khởi động vào năm 2018.
Hợp tác quân sự với UAE là một ví dụ điển hình để chứng minh cho nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí Nga ở Trung Đông. Đơn đặt hàng từ các nước Ả Rập chiếm khoảng 20% xuất khẩu vũ khí của Nga.
Máy bay tiêm kích đa năngSu-35, máy bay đang được đàm phán mua nhiều nhất
Năm 2016, Nga đã bàn giao số lượng vũ khí có giá trị hơn 1,5 tỉ USD cho Algeria, 37 triệu USD cho Ai Cập, 374 triệu USD cho Iran và 300 triệu USD cho Iraq.
Trong những năm qua, danh mục vũ khí của Nga xuất khẩu vào các nước trong khu vực là 8 tỷ USD. Năm 2017, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã có những bước đi lớn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Các nước Bahrain, Ai cập, Ma-rốc, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Tunisia đều quan tâm đến việc mua các hệ thống vũ khí của Nga.
Năm nay, Nga bắt đầu cung cấp 50 máy bay chiến đấu MiG-29 đến Ai Cập. Đồng thời Cairo sẽ bắt đầu nhận 46 chiếc trực thăng chiến đấu Ka-50 theo một hợp đồng đã được ký kết.
Theo thông báo, Algeria sẽ mua hơn 300 chiếc xe chiến đấu hộ vệ tăng BMPT-72 Terminator-2 (biệt danh "Kẻ hủy diệt") của Nga để hỗ trợ các xe tăng chiến đấu chính T-90SA mua từ Nga trước đó.
Hiện nay, quân đội Algeria đang sử dụng xe phóng tên lửa chống tăng Kornet ATGM và hệ thống vũ khí phòng không tự hành tầm thấp ZSU Shilka có radar dẫn bắn tự động.
Siêu lòng cả khách hàng ruột vũ khí Mỹ
Trong các khách hàng tại Trung Đông, Ả Rập Xê Út là một khách hàng lớn của các nhà sản xuất vũ khí phương Tây. Ngân sách quốc phòng của Ả Rập Xê Út đứng thứ 4 thế giới (chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga).
Đầu tháng 10, sau cuộc hội đàm của Tổng thống Vladimir Putin với vua Salman bin Abdulaziz Al Saud, Nga đã ký kết một số hợp đồng vũ khí lớn với Riyadh.
Thỏa thuận bao gồm Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400, cũng như các hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM, hệ thống pháo phản lực bắn đạn nhiệt áp TOS-1A "Buratino", súng phóng lựu AGS-30 và súng trường tấn công Kalashnikov AK-103.
Các bên đã đồng ý cấp phép, tổ chức sản xuất súng AK-103 Kalashnikov ở Ả Rập Xê Út.
Hệ thống phóng đạn phản lực nhiệt áp TOS-1A "Buratino" đang thể hiện khả năng tàn phá khủng khiếp tại chảo lửa Syria
Với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/9, Moscow và Ankara đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.
Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, gần đây tuyên bố rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, có thể NATO sẽ ngăn chặn không cho liên kết với hệ thống phòng không chung của khối. Tuy nhiên, Ankara đã kiên quyết mua siêu hệ thống phòng không này, bất chấp việc gây áp lực của khối.
Các thỏa thuận về việc bán hệ thống phòng không S-400 cho Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ là những thỏa thuận đột phá. Hiện nay, hệ thống phòng không này đang có nhu cầu lớn trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ (không phải là một quốc gia Trung Đông nhưng là một khách hàng vũ khí rất quan trọng của Nga).
Như vậy, không bao giờ có chuyện Nga bỏ lỡ thị phần của vũ khí phòng không mà Mỹ (mà gần đây là cả Trung Quốc và châu Âu) rất thèm muốn.
Hiện nay, Bahrain và Nga cũng đang trong quá trình đàm phán về việc Bahrain mua S-400.
Các thỏa thuận vũ khí tiếp theo sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán với Hoàng thái tử Bahrain Nasser Al Khalifa, chỉ huy lực lượng quân đội Hoàng gia Bahrain, người sẽ sớm đến Nga để trực tiếp đàm phán về hợp đồng này.
Ma-rốc cũng đang đàm phán với Nga về cung cấp máy bay chiến đấu Sukhoi Su-34 và tàu ngầm Amur-1650; chuẩn bị các điều kiện đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400.
Tháng trước, Nga và Qatar đã ký một bản ghi nhớ (MoU) kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật. Doha gần đây đã bày tỏ quan tâm đến việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Chất lượng tốt, giá cả phải chăng
Không chỉ có hệ thống tên lửa phòng không S-400, các loại vũ khí Nga, đặc biệt là máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không, đã chứng tỏ là một giải pháp hiệu quả so với chi phí bỏ ra, nếu so sánh với các hệ thống vũ khí đắt tiền của Mỹ và phương Tây có tính năng tương đương, thậm chí thấp hơn.
Vũ khí Liên Xô (trước kia) và Nga (ngày này) đã nổi tiếng vì sự tin cậy, tính năng kỹ, chiến thuật tốt, dễ sử dụng, không yêu cầu công tác bảo dưỡng kỹ thuật khắt khe như vũ khí Mỹ và phương Tây.
T-90SA, xe tăng chứng tỏđược khả năng nhất tại chiến trường Syria
Màn chào sân ấn tượng tại Syria
Qua cuộc chiến đang diễn ra tại khu vực Trung Đông như Iraq, Sirya hay Yemen cho thấy, chỉ tính riêng xe tăng chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất, hiện có trong trang bị của quân đội Iraq, Ả Rập Xê Útrất hay xảy ra các sự cố về kỹ thuật.
Lượng tiêu thụ nhiên liệu quá lớn dẫn đến đòi hỏi năng lực chi viện, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật rất lớn. Động cơ tăng áp ATG-1500 rất hay trục trặc và xảy ra hỏng hóc nặng.
Các nhà quân sự kết luận: Hiện nay, M1 Abrams không thể đạt được hoạt động tác chiến hiệu quả với quân đội khác ngoài Lục quân Mỹ. Trong khi đó, xe tăng T-90 mặc dù mới xuất hiện lần đầu tại chảo lửa Sirya đã chứng tỏ được giá trị của vũ khí Nga.
Cuộc chiến ở Sirya có sự tham dự của Nga đã trở thành một màn quảng cáo hoàn hảo cho các loại vũ khí Nga, từ máy bay đến xe tăng, bom, pháo, tên lửa, các loại vũ khí cầm tay, hệ thống tác chiến điện tử…
Những ưu việt ấn tượng về vũ khí Nga như vậy đã giúp Moscow mở rộng đáng kể thị phần bán vũ khí cho các nước khu vực vùng Vịnh. Do vậy, không có gì là bất thường khi trong thời gian gần đây, nhiều nhà lãnh đạo ở các nước Trung Đông thường xuyên tới thăm Moscow để ký kết hợp đồng mua bán vũ khí.
Nhìn chung, sự tăng trưởng ngoạn mục trong việc bán vũ khí ở Trung Đông là một câu chuyện thành công cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Có được điều đó là nhờ 2 yếu tố hết sức quan trọng đó là giá phải chăng và chất lượng tốt.
Là một nước xuất khẩu lớn về tài nguyên thiên nhiên, nhưng hiện nay Nga cũng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang nhiều nước, nhất là các loại vũ khí, đem lại nguồn siêu lợi nhuận, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga tái đầu tư cũng như tiếp tục cho ra đời những loại vũ khí mới.
Sukhoi Su-35 của Nga trình diễn tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Dubai