Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu nhỏ nhất trong OPEC, với sản lượng 618.000 thùng/ngày, nhưng sản lượng dầu nhẹ và khí thiên nhiên lỏng (NGL) - các sản phẩm phụ từ mỏ North Field (Iran gọi là South Pars) - đạt tới 1.3 triệu thùng/ngày.
Qatar sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC đạt được, nhưng ngay cả khi không làm vậy thì mức đóng góp của nước này cũng rất nhỏ.
Sức mạnh thực sự của Qatar, theo Bloomberg, là nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
"Những bạn hàng lớn"
Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và LNG của Doha sẽ không bị tác động dù Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cấm tàu Qatar đi qua vùng nước của họ. Các tàu chở dầu của Qatar vẫn dễ dàng đi qua vùng biển của Iran, sau đó đi qua eo biển Hormuz bằng tuyến hàng hải qua lãnh thổ Oman - thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Doha.
Bất kỳ ý định nào nhằm phong tỏa tuyến đường xuất khẩu của Qatar sẽ khơi mào một cuộc khủng hoảng trên toàn châu Á, kéo theo phản ứng nghiêm trọng từ các nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Doha: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.
Khách hàng dẫn đầu thị trường Nhật Bản, Jera Co., đã được đối tác Qatargas bảo đảm rằng nguồn cung khí đốt sẽ không gián đoạn. Qatar hiện vẫn duy trì bình thường kết nối với kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển LNG đến châu Âu. Nhưng các tàu đến và đi Qatar lúc này không còn được phép cập cảng Fujairah của UAE - cảng tiếp liệu then chốt của khu vực.
Chia sẻ mỏ khí North Field lớn nhất thế giới với Iran và có rất nhiều cơ sở vật chất nhạy cảm, dễ bị tổn hại, ở ngoài khơi gần biên giới hai nước, Doha không có nhiều lựa chọn ngoài duy trì quan hệ đúng mực với Tehran.
Doha cũng có thể tìm tới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, đặc biệt sau thương vụ công ty kinh doanh nhiên liệu Glencore và quỹ thịnh vượng chủ quyền của Qatar chung vốn mua 19.5% cổ phần Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga vào tháng 12/2016.
Nguồn cung khí đốt từ Qatar đóng vai trò rất quan trọng với láng giềng Trung Đông như UAE, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu của Qatar (Ảnh: Bloomberg)
Đòn trả đũa của Qatar sẽ rất nặng
Nếu căng thẳng ngoại giao leo thang, phương án trả đũa nghiêm trọng nhất mà Doha có thể thực hiện là ngừng xuất khẩu khí tự nhiên sang UAE qua đường ống Dolphin.
Dự án với sự góp vốn của hãng Total (24.5%), Occidental (24.5%) cùng công ty đầu tư chiến lược Mubadala có trụ sở tại Abu Dhabi (51%), vận chuyển hơn 2 tỉ foot khối khí mỗi ngày, chiếm hơn 1/4 lượng tiêu thụ của UAE, chưa kể 160.000 thùng dầu nhẹ và NGL mỗi ngày.
Khoảng 200 triệu foot khối khí nữa của Qatar "quá cảnh" UAE để sang Oman.
Trong thời gian mùa hè khi nhiệt độ ở các quốc gia vùng Vịnh lên đến hơn 40 độ C, năng lượng tiêu thụ để chạy điều hòa cũng đang trên đường đạt đỉnh.
Theo Bloomberg, UAE có khá ít lựa chọn tức thời để thay thế đường ống dẫn khí Dolphin. Họ có cảng nhập LNG ở Dubai và thành phố Ruwais, phía Tây Abu Dhabi. Cơ sở ở Ruwais, đi vào hoạt động từ tháng 8/2016, có vẻ là một phương án dự phòng. Nhưng Dubai và Ruwais gần như không thể nhận ngay chuyến hàng LNG nào từ Qatar trong thời gian ngắn, nên các tàu chở dầu sẽ phải điều chỉnh tuyến đường từ Oman, hoặc các mỏ xa hơn.
Đặc biệt, lượng nhập khẩu "dự phòng" vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu nếu đường ống Dolphin bị chặn. UAE sẽ phải có giải pháp tạm thời như tăng sản lượng khai thác khí, tái phân bổ nguồn cung nhiên liệu cho các lĩnh vực công nghiệp, và chấp nhận "nướng" lượng lớn dầu diesel đắt đỏ làm nhiên liệu thay thế trong các cơ sở năng lượng.
Đường ống trong dự án Dolphin vẫn chuyển khí đốt từ Qatar sang UAE và Oman (Ảnh: gulfbusiness.com)
Rủi ro cho Doha
Cắt nguồn cung năng lượng cho láng giềng, dù được xem là "đòn bẩy" hiệu quả để đưa Qatar ra khỏi khủng hoảng, vẫn được xem là bước đi bất đắc dĩ và mạo hiểm, bởi nó gây tổn hại cho uy tín nhà cung cấp đáng tin cậy mà nước này phải khó khăn mới giành được.
Khi Nhật Bản phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng khẩn cấp sau sự cố hạt nhân Fukushima, Qatargas đã đứng ra. Nhưng sự kiện này cũng khơi dậy nỗi lo của Tokyo như thập niên 1970, bởi quá phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu dầu và khí của Trung Đông.
Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự, và Bắc Kinh đang cố gắng đa dạng hóa các đầu mối cung cấp nhiên liệu.
Sau hàng thập kỷ lo ngại vì sự gián đoạn của Iran trong dòng chảy dầu khí ở vùng Vịnh, một mối lo mới lại nổi lên từ các nhân tố khó lường trong vụ Qatar.
Theo Bloomberg, may mắn là chưa có mối đe dọa đáng kể nào đối với thị trường dầu mỏ, khí đốt thế giới. Nhưng trong trường hợp căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và láng giềng kéo dài, các bên sẽ đều phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nguồn cung trầm trọng.
Mâu thuẫn trong khu vực đã âm ỉ trong suốt một thời gian dài, khi ba đối tác trong GCC của Qatar là Saudi Arabia, UAE và Bahrain cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan, như phong trào Anh em Hồi giáo, cũng như quá thân cận với Iran.
Nhưng vấn đề chỉ thực sự bùng nổ mới đây, sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Saudi, UAE, Bahrain cùng Ai Cập, Yemen và chính quyền chưa được công nhận của Libya ngày 5/6 đã lần lượt tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp đặt các lệnh chặn giao thông đường bộ, đường biển và hàng không.
Doha rơi vào khó khăn đáng kể, bởi thực phẩm và các trang thiết bị quan trọng của nước này chủ yếu được nhập từ đường bộ qua Saudi Arabia, hoặc đường hàng không qua sân bay Jebel ở Dubai.