Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Sẽ không có chuyện Qatar bị tấn công quân sự

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong khu vực cũng như trên khắp thế giới.

Sự việc xoay quanh mối quan hệ giữa Qatar, một vương quốc nhỏ nhưng rất giầu có, với những nước láng giềng và một số đồng minh ở bên ngoài khu vực đã quyết định không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao mà còn phong toả và cô lập Qatar trên thực tế.

Diễn biến tới đây và kết cục cuối cùng của chuyện này không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ giữa các nước nói trên mà còn tới triển vọng tình hình chính trị an ninh ở khu vực, tới tương lai và sức mạnh của liên minh đa quốc gia - chủ yếu các nước Hồi giáo và Ả rập - mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thành lập nhân chuyến công du Ả rập Xê út vừa rồi, nhằm chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đối phó Iran, tới cục diện quan hệ nói chung ở khu vực và của nhiều đối tác bên ngoài khu vực.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Sẽ không có chuyện Qatar bị tấn công quân sự - Ảnh 1.

Hiện tại đã có 8 quốc gia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh Reuters)

Có thể dễ dàng nhận ra Ả rập Xê út đóng vai trò quyết định và đi đầu trong lần gây chuyện này với Qatar. Sẽ không xảy ra chuyện Qatar bị liên quân ngoại giao kia tấn công quân sự vì họ không có lý do xác thực nào để hành động quân sự, vì họ muốn khuất phục và thuần chế chứ không lật đổ chính quyền hiện tại ở Qatar, vì ở Qatar có cả căn cứ quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đưa thêm binh lính đến căn cứ quân sự của nước này trên lãnh thổ Qatar vừa để tự phòng vệ nhưng cũng vừa nhằm thể hiện sự ủng hộ Qatar. Iran cho biết trong vòng 12 giờ sẽ đảm bảo khôi phục việc cung ứng nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày của người dân ở Qatar.

Các nước EU ủng hộ Qatar nhiều hơn là đứng về phe bên kia. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait đã ngỏ ý sẵn sàng đảm trách vai trò trung gian hoà giải. Và đặc biệt là Mỹ cũng đã bắt đầu tỏ ra sốt ruột khi thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao này kéo dài và lo ngại Ả rập Xê út "già néo đứt dây".

Ông Trump thể hiện thái độ về vụ việc này thông qua ba phát biểu trên tài khoản Twitter và cuộc điện đàm với Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud. Cách biểu lộ của ông Trump thông qua Twitter khiến thiên hạ gần như đều hiểu theo hướng ông ủng hộ Ả rập Xê út.

Nhưng chỉ cần xem kỹ lại thì cũng sẽ thấy ngay ông Trump trong đó luôn nhấn mạnh hai điều là kết quả chuyến công du nước ngoài vừa rồi và chống khủng bố bằng mọi cách, hàm ý những gì ông Trump vừa làm đã đưa lại kết quả ngay lập tức.

Cái hàm ý này mới thật sự là cái ông Trump cần bởi ông Trump muốn coi đó là bằng chứng về sự đúng đắn của định hướng chính sách, về tính thích hợp của biện pháp, về khả năng tập hợp lực lượng và lãnh đạo đồng minh, đối tác.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Sẽ không có chuyện Qatar bị tấn công quân sự - Ảnh 2.

Tổng thống Trump mong muốn giúp các bên giải quyết mâu thuẫn bằng cách mời họ tới tham dự cuộc họp tại Nhà Trắng nếu cần thiết. (Ảnh Reuters)

Nhưng trong điện đàm với Quốc vương Salman của Ả rập Xê út, ông Trump lại phải và đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh mà cả Ả rập Xê út và Qatar đều là thành viên.

Đồng thời ở phía Mỹ, cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Người phát ngôn của Nhà Trắng Sean Spicer đều vội vã như thể chữa cháy để dư luận không hiểu theo hướng Mỹ ngả về một bên trong chuyện này.

Qua đó cũng lại một lần nữa có thể thấy, Mỹ không phối hợp hành động với Ả rập Xê út và cũng không có chủ trương làm găng với Qatar nhưng lợi dụng. Ông Trump theo đuổi ba mục tiêu cụ thể ở khu vực này là chống IS, đối phó Iran và dùng các nước trong khu vực, trong thế giới Ả rập và Hồi giáo chống IS và đối phó Iran.

Qatar không chỉ là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ, tham gia cả liên quân ông Trump vừa thành lập lẫn liên quân do Ả rập Xê út thành lập tiến hành chiến tranh ở Yemen. Nhưng nước này lại duy trì quan hệ hợp tác với Iran, không thù địch với các tổ chức như Hamas hay Tổ chức anh em Hồi giáo.

Ông Trump biết rằng, Mỹ cần Qatar nhưng không bỏ lỡ cơ hội cảnh cáo và răn đe Qatar, ngăn ngừa khả năng Qatar trở thành "chú ngựa thành Troy" trong chiến lược của Mỹ, không ngăn cản Qatar độc lập và tự tin với Ả rập Xê út nhưng phải sao cho không ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.

Cho nên ông Trump mới lúc đầu "đổ thêm chút dầu vào lửa" và rồi sau đó cùng cộng sự cứu hoả và phải cứu hoả trước để liên minh không bị rạn vỡ khi chưa làm nên trò trống gì.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Sẽ không có chuyện Qatar bị tấn công quân sự - Ảnh 3.

Không phải Ả rập Xê út không nhận ra rằng đang bị ông Trump lợi dụng làm lính đánh thuê ở khu vực mà chấp nhận vậy để lợi dụng lại.

Giương cao chiêu bài chống IS, các lực lượng Hồi giáo cực đoan và đối phó Iran, nước này biết chắc rằng sẽ không bị Mỹ phản đối và chống đối, vừa gây khó cho Qatar vừa phân hoá Mỹ với Qatar, qua đó củng cố và nâng cao vị thế của mình trong chiến lược của Mỹ, lại xác lập được vai trò dẫn dắt ở khu vực.

Ả rập Xê út lợi dụng Mỹ để buộc Qatar phải đi theo quỹ đạo của mình, buộc vương quốc nhỏ này phải thần phục như chư hầu thần phục thiên triều. Cũng vì thế mà nước này không muốn và rất ngại mọi nỗ lực trung gian hoà giải của đối tác bên ngoài.

Vì lợi dụng lẫn nhau thôi chứ không phải hoàn toàn "cùng hội cùng thuyền" để phục vụ cho quan hệ của từng bên với Qatar nên Ả rập Xê út không thể đi được xa như mong muốn và Mỹ không để Ả rập Xê út cùng đồng minh đẩy Qatar vào bước đường cùng. Mọi sự lợi dụng đều không thể lâu bền và đều có cái giá phải trả của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại