Khủng hoảng Qatar: Bi kịch khi những người anh lớn ra tay với chú em giàu có và bướng bỉnh

Linh Nguyễn |

Nhận định về khủng hoảng Qatar, AP cho rằng mặc dù những quốc gia Ả-rập có liên kết sâu sắc như một gia đình, mâu thuẫn vẫn là chuyện không tránh khỏi.

Liên minh nhiều rạn nứt

AP ghi nhận, những quốc gia Ả-rập vùng Vịnh thường được coi như một đại gia đình, do nhiều gia đình hoàng gia có quan hệ thông gia với nhau - sợi dây kết nối này trải dài về những năm tháng xa xưa, trước khi dầu mỏ biến những làng nghề đánh cá thành hàng dãy tòa nhà chọc trời nguy nga.

Thế nhưng diễn biến thời sự những ngày qua đã chứng tỏ rằng gia đình nào rồi cũng có mâu thuẫn.

Màn đối đầu giữa Qatar và hàng loạt nước láng giềng đã hé lộ nhiều rạn nứt trong nội bộ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - một cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích đối trọng với Iran.

Không có một quốc gia quan trọng nào thuộc GCC - là Qatar, Bahrain, Saudi Arabia và UAE - tỏ ra nhượng bộ, khiến tình đoàn kết trong nội bộ GCC vấp phải nhiều câu hỏi trong bối cảnh hội đồng này nỗ lực xây dựng hình ảnh phản kháng lại Iran.

"Chính sách 'diều hâu' mới phản ánh dấu chấm hết cho truyền thống duy trì đối thoại bất chấp khác biệt trong quan điểm của GCC," theo Ayham Kamel, giám đốc Trung Đông tại Eurasia Group. Vị chuyên gia nhận xét quan hệ giữa các nước vùng Vịnh đã tổn hại đến mức "không thể hàn gắn".

"Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Tổng thống Trump là mấu chốt cho tham vọng mới của Saudi Arabia. Thông điệp mà nước này muốn gửi đến lãnh đạo các nước vùng Vịnh đó là Saudi Arabia vẫn giữ vị trí trung tâm trong các sự vụ liên quan đến khu vực."

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập năm 1981 trong bối cảnh Cách mạng Hồi giáo tại Iran đã lật đổ vị quân vương khi đó và thành lập chính phủ mới. Khi bản hiệp định vừa ráo mực, Iraq đã kịp xâm lược Iran, gây ra một trận chiến đẫm máu kéo dài, nhuộm đỏ cả vùng Vịnh Ba Tư và gây lo lắng cho các nước thành viên GCC.

Thông thường, "ông lớn" Saudi Arabia vốn một tay quyết định mọi chính sách ngoại giao quan trọng trong GCC - có trụ sở đặt tại chính quốc gia này. Cả Saudi Arabia và UAE đều tự coi mình là nhà cung cấp năng lực quân sự cần thiết nhằm đối trọng lại Iran, đặc biệt sau khi Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới năm 2015.

Khủng hoảng Qatar: Bi kịch khi những người anh lớn ra tay với chú em giàu có và bướng bỉnh - Ảnh 1.

Hành khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Hamad tại Doha sau khi Qatar bị nhiều nước láng giềng cô lập. Ảnh: AP

Một Qatar bị cô lập

Nhưng những rạn nứt vẫn còn đó. Quốc vương Oman vốn luôn giữ khoảng cách, làm cầu nối giữa Iran và phương Tây. Còn Kuwait - quê hương của người Shiites và Sunni chung sống trong hòa bình - cũng đóng vai trò trung gian.

Thế nhưng trong khi những nước nêu trên im lặng đứng sang bên lề, Qatar thì không. Mặc dù tuân theo Wahhabism - một nhánh rất bảo thủ của đạo Hồi so với tiêu chuẩn tại Saudi Arabia, Qatar vẫn cho phép phụ nữ lái xe và người nước ngoài được phép uống rượu.

Qatar công khai chào đón quan khách từ Hội Anh em Hồi giáo, vốn bị các quốc gia vùng Vịnh khác coi là mối đe dọa với ngai vàng của họ. Doha duy trì quan hệ ngoại giao với Iran, do hai nước cùng chia sẻ một mỏ khí gas thiên nhiên khổng lồ.

Những yếu tố trên cộng với những cáo buộc từ phía phương Tây rằng Qatar đang cho phép cung cấp tài chính cho một số nhóm Sunni cực đoan có vẻ như là giọt nước tràn ly khiến Saudi Arabia và các quốc gia khác hành động. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng công khai lên tiếng ủng hộ cô lập Qatar qua dòng tweet hôm thứ Ba (6/6): "Có lẽ đây là khởi đầu cho sự chấm dứt của nỗi kinh hoàng do khủng bố gây nên."

Ngoại trưởng Qatar là Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani cảnh báo rằng, khủng hoảng này làm dấy lên "một dấu hỏi lớn" về Hội đồng vùng Vịnh. Ông Al Thani nhấn mạnh, "chúng tôi phản đối việc một số thành viên GCC đang cố gắng áp đặt ý muốn của họ lên Qatar, hoặc can dự vào nội tình đất nước chúng tôi."

Mặc dù Ngoại trưởng Qatar có lời lẽ đanh thép, Qatar đang lâm nguy. Đây là một quốc gia phải nhập khẩu phần lớn khối lượng lương thực, thông qua các cửa khẩu với Saudi Arabia mà giờ đây đã bị đóng sập.

Mặc dù chính phủ UAE và Saudi Arabia chưa đưa ra thông tin cụ thể về mục tiêu muốn đạt được khi cô lập Qatar, nhưng có một số gợi ý nhất định. Một thành viên hoàng gia UAE viết vào thứ Hai (5/6) rằng "có thể các nước vùng Vịnh sẽ yêu cầu giải thể toàn bộ hãng tin Al-Jazeera trước khi chấp nhận đàm phán," và muốn Qatar trục xuất các quan chức thuộc hội Anh em Hồi giáo và Hamas.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại