"Vũ khí" mạnh nhất của Iran khiến Mỹ ngao ngán tại Trung Đông

Trịnh Ngọc Tiến |

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran, sức mạnh của IRGC vượt ra ngoài Iran và là vũ khí mạnh nhất của Iran chống lại Mỹ.

Mỹ coi IRGC là khủng bố

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran, chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Sức mạnh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vượt ra ngoài Iran, được cho là có ảnh hưởng trong các cuộc xung đột lớn trên khắp Trung Đông.

Kể từ khi cách mạng Hồi giáo Iran thành công (năm 1979), không một lực lượng nào của quân đội Iran có thể sánh với IRGC về mức độ trung thành với chế độ Cộng hòa Hồi giáo.

Ngày 8 tháng 4 vừa qua, Nhà Trắng đã chính thức đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vào danh sách các tổ chức khủng bố. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh: IRGC là một tổ chức “tích cực tham gia, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố; đồng thời là một công cụ đàn áp của nhà nước Iran”.

Vũ khí mạnh nhất của Iran khiến Mỹ ngao ngán tại Trung Đông - Ảnh 1.

Lãnh tụ tối cao Khomeini, cha đẻ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và cũng là Tư lệnh tối cao đầu tiên của lực lượng này.

Quân đội Mỹ nghi ngờ IRGC là lực lượng phải chịu trách nhiệm về cuộc tiến công nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man hồi tháng 6 vừa qua.

Vậy IRGC là lực lượng nào mà khiến Nhà Trắng phải lo ngại?

Vũ khí mạnh nhất của Iran chống Mỹ

Để hiểu toàn bộ vai trò hiện tại của IRGC trong quân đội Iran, chúng ta phải quay trở lại sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

IRGC được thành lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran với tư cách là một lực lượng dân quân vũ trang, có vai trò bảo vệ chế độ giáo sĩ theo dòng Shi'ite còn non trẻ lúc bấy giờ.

Lo sợ về một cuộc đảo chính, Lãnh đạo tối cao Ruhollah Khomeini đã thành lập IRGC như một đối trọng với bộ máy an ninh Iran hiện có, và ông cũng là Tư lệnh đầu tiên của lực lượng này.

Trong khi Quân đội Iran tuyên thệ bảo vệ chính phủ Iran, bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thì IRGC được hình thành như một đội quân có nhiệm vụ bảo vệ những thành quả cũng như lý tưởng của cuộc cách mạng Hồi giáo, thực tế là chống lại những thành phần đối lập nội bộ.

Vũ khí mạnh nhất của Iran khiến Mỹ ngao ngán tại Trung Đông - Ảnh 2.

Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds, là người cố vấn cho các lực lượng thân Iran chống lại IS ở Syria và Iraq.

Những thành phần chống đối chính quyền Cách mạng Hồi giáo đã bị Khomeini lãnh đạo IRGC nhanh chóng nghiền nát, củng cố thành công quyền lực vào đầu những năm 1980.

Với mục đích ban đầu đã hoàn thành, IRGC đã tận dụng cuộc chiến tranh Iran-Iraq đang diễn ra như một cơ hội để "nâng tầm" thành một "thế lực" trong khu vực.

Như giáo sư Mehrzad Boroujerdi của Đại học Syracuse nhận xét: Trước chiến tranh Iran-Iraq, dân quân IRGC không gì khác hơn là vệ sĩ cho các giáo sĩ, nhưng cuộc chiến đã rèn luyện họ thành lực lượng thiện chiến.

IRGC sở hữu lực lượng gồm 125.000 quân và hiện nay IRGC chính thức được hợp nhất và chiếm một phần đáng kể trong Lực lượng Vũ trang Iran.

Về tổ chức lực lượng, IRGC cũng bao gồm các binh chủng lục quân, hải quân, không quân, lực lượng bán quân sự (dân quân), lực lượng đặc nhiệm và lực lượng chiến tranh mạng, tương tự như tổ chức biên chế của quân đội chính quy.

Vai trò của IRGC được ghi nhận trong Hiến pháp Iran và lực lượng này chỉ tuân theo lệnh của nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei, do đó cũng mang đến cho họ một loạt quyền lực lớn về pháp lý, chính trị và cả tôn giáo. Mặc dù đều nằm trong thành phần lực lượng vũ trang Iran, nhưng sự phân chia quyền lực thể hiện rõ giữa IRGC và quân đội Iran.

Ví dụ: Không quân Iran (IRIAF) quản lý tất cả các máy bay chiến đấu, trong khi chi nhánh không quân của IRGC kiểm soát hầu hết các lực lượng tên lửa đạn đạo; đây là thứ vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Iran.

Bên cạnh đó là lực lượng đặc nhiệm Quds, một nhánh của IRGC, được thành lập năm 1989, địa bàn hoạt động chủ yếu ở nước ngoài. Hiện nay Quds ước tính có số lượng khoảng 2.000 đến 5.000 người, có nhiệm vụ thu thập tình báo và hỗ trợ quân sự cho các lực lượng thân Iran trên khắp khu vực Trung Đông.

Vũ khí mạnh nhất của Iran khiến Mỹ ngao ngán tại Trung Đông - Ảnh 3.

Lực lượng tên lửa đạn đạo của Iran nằm trong sự quản lý của IRGC. Trong ảnh tên lửa Shahab-3 của IRGC rời bệ phóng trong một cuộc thử nghiệm.

Lực lượng Quds luôn là cái gai trong mắt Mỹ, vì có nhiều hoạt động chống lại các lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông như cung cấp viện trợ quân sự và hỗ trợ chiến đấu trực tiếp cho các chiến binh chống Mỹ ở các điểm nóng như Iraq và Afghanistan.

Từ việc vũ trang cho tàn quân Taliban chống lại chính phủ Karzai thân Mỹ ở Afghanistan cho đến một nỗ lực ám sát, nhằm vào đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ…

Gần đây nhất, các đặc vụ của Quds đã được triển khai ở Syria để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad chống lại các lực lượng phiến quân nổi dậy, đồng thời hợp tác chặt chẽ với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine để tiến công Israel bằng tên lửa.

Trong bảng xếp hạng quân sự toàn cầu của Tạp chí GlobalFirepower, quân đội Iran được xếp thứ 14, thứ hạng này không phải là gì với sức mạnh đứng đầu của quân đội Mỹ.

Nhưng IRGC với khả năng tiến hành chiến tranh phi đối xứng và chiến thuật độc đáo trên khắp Trung Đông, cùng với lịch sử của ra đời và những thành tích của họ trong công cuộc bảo vệ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ cuộc cách mạng năm 1979, đủ để thách thức Mỹ theo cách mà các lực lượng quân sự thông thường của Iran không bao giờ có thể.

Có thể nói, IRGC là lực lượng mà Mỹ ngao ngán nhất tại khu vực Trung Đông hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại