Vũ khí laser Mỹ lần đầu tiên bắn hạ máy bay

Tuấn Vũ |

Với pha bắn máy bay bằng vũ khí laser từ năm 1973 đã chứng tỏ Mỹ tạm dẫn trước Nga trong cuộc đua vũ khí công nghệ cao này.

Cuộc đánh chặn lịch sử

Trang Popularmechanics hôm 30/8 dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, ngày 13/11/1973, dự án vũ khí laser của ARPA (nay là DARPA, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) gọi là Quân bài số 8 đã chiếu tia laser lên một máy bay không người lái MQM-33B bay trên căn cứ không quân Kirtland ở sa mạc bang New Mexico.

Tia laser chiếu đủ lâu để thân bằng nhôm của chiếc máy bay nóng lên, khiến máy bay mất kiểm soát và rơi xuống sa mạc.

Ngay sau vụ bắn hạ này, Mỹ đã thu gom mảnh máy bay và phát hiện tia laser đã đốt cháy các dây dẫn điện của máy bay, và thực sự chỉ gây thiệt hại nhỏ nhưng lại có kết quả vì máy bay mất kiểm soát và rơi.

Ngày hôm sau dự án tiếp tục thử nghiệm nhưng lần này bắn hụt chiếc máy bay khác, và chùm tia laser vô tình chiếu vào tháp nước bằng kim loại của căn cứ, khiến nó sáng bừng lên.

Theo thông tin của Popularmechanics, những cuộc thử nghiệm này là nằm trong chương trình Quân bài số 8 nhằm tạo ra vũ khí cho chiến đấu cơ chống lại máy bay đánh chặn và tên lửa đất đối không của Liên Xô, nhất là sau vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba đầu những năm 1960.

Sau vụ thử năm 1973, Mỹ vẫn còn thử nghiệm vũ khí laser riêng rẽ. Đến nay mới có Hải quân là trang bị được vũ khí laser trên tàu chiến (USS Ponce, từ tháng 12/2014) và đã dùng để bắn cháy máy bay không người lái cỡ nhỏ, tàu cao tốc cỡ nhỏ và cả máy bay có người lái cỡ nhỏ.

Cuộc đua tranh cãi

Được biết, ngay từ năm 1917, nhà khoa học đại tài Albert Einstein diễn giải học thuyết về bức xạ cưỡng bức vào năm 1917, từ đó, ứng dụng laser vào quốc phòng trở thành nỗi ám ảnh của mọi nhà khoa học lỗi lạc, đặc biệt vào những năm 50 của thế kỷ trước.

Khi đó, Liên Xô và Mỹ bắt đầu bước vào cuộc Chiến tranh lạnh. Được thúc đẩy bởi căng thẳng quan hệ leo thang giữa phương Đông và phương Tây, các nhà khoa học đã luôn đi tìm bước đột phá nhằm đưa vũ khí laser vào sử dụng trong quân đội của các siêu cường quốc.

Ở Liên Xô, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Nikolai Basov (đạt giải Nobel vật lý năm 1964) đã đề đạt sử dụng một “máy phát tia lượng tử quang học”, hay tia laser, trong hệ thống phòng thủ tên lửa, tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bằng chùm một tia năng lượng cao.

Vào năm 1966, Liên Xô triển khai chương trình Terra-3 nhằm chế tạo hệ thống laser trên mặt đất, được thử nghiệm vào tháng 11/1973. Kết quả cuộc thử nghiệm không bao giờ được tiết lộ, tuy nhiên Bộ Quốc phòng tỏ ra hài lòng và cho phép tiếp tục chế tạo một hệ thống nữa mạnh hơn, được đặt tên là 5N76.

Thế nhưng việc phát triển 5N76 đã bị gián đoạn do thiếu năng lượng, bởi hệ thống laser này cần một máy phát điện với công suất mà công nghệ thời đó vẫn chưa thể đạt được.

Mẫu 5N76 dần đi vào quên lãng, tuy nhiên việc thí nghiệm laser còn tiếp tục cho đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Kết quả của chương trình Terra-3 vẫn được giữ bí mật cho đến bây giờ.

Một chương trình khác cũng tồn tại song song với Terra-3, nó có tên là Omega. Ý tưởng ban đầu của dự án là một hệ thống laser có thể săn tìm đầu đạn tên lửa, nhưng dần dần dự án đã chuyển sang mục tiêu khác là chế tạo một thiết bị có khả năng phòng không.

Vào năm 1972, tại trưởng bắn Sary-Shagan ở Kazakhstan các nhà chế tạo đã cho thử nghiệm hệ thống Omega đầu tiên nhưng không sử dụng laser quân sự thật, chỉ dùng một máy phát yếu để chứng minh tính chính xác của hệ thống.

Thiết bị này được sử dụng để phát triển thiết bị định vị mục tiêu, và sau đó hệ thống Omega-2 mạnh hơn đã chứng minh khả năng bắn trúng những mục tiêu khí động học. Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là hệ thống này thiếu sức công phá cần thiết.

Do thiếu năng lượng từ máy phát, nhạy cảm với những biến đổi thời tiết và thời gian cần để bắn mục tiêu quá lâu đã ngăn căn sự phát triển của hệ thống với vai trò vũ khí chiến đấu.

Cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, Liên Xô phát triển tên lửa không gian Skif, một trong những thiết bị có thể mang vũ khí laser nhằm tiêu diệt vệ tinh. Tuy nhiên, Skif đã thất bại.

Ngược lại với người Nga, Mỹ không đưa laser lên vũ trụ, họ tích hợp vũ khí này vào các máy bay. Ngày đó, hãng Boeing của Mỹ đã phát triển chương trình thử nghiệm mang tên NKC-135ALL.

Đáp lại, Liên Xô cũng theo đuổi dự án chế tạo máy bay mang vũ khí laser A-60. Có 2 chiếc A-60 được chết tạo, chiếc đầu tiên bốc cháy năm 1989 ngay trên đường băng, chiếc thứ hai được cất cánh một lần trước khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Năm 2002, nỗ lực của người Mỹ đã gặt hái thành công khi cho cất cánh thử nghiệm máy bay laser Boeing YAL-1 được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến lược.

Không lâu sau đó, Nga quyết định lật lại các dự án laser quân sự trước đây và tái khởi động lại dự án A-60 và chương trình Falcon Echelon vào năm 2005. Năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố "máy bay laser tác chiến trên không chính thực được phục hồi". Dự kiến sẽ được trình làng lần đầu tiên khoảng năm 2015-2020. Chậm hơn Mỹ khoảng 20 năm.

Và với những thành tựu của khẩu pháo laser đang trang bị trên USS Ponce, người Mỹ đã chứng tỏ họ đi trước Liên Xô, và nay là Nga một chặng đường dài trong cuộc đua công nghệ vũ khí laser - vốn được cho là then chốt của công nghệ vũ khí tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại