Báo Wall Street Journal (WSJ) tuần trước dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết Mỹ đang xem xét cung cấp các tên lửa tầm xa nhất chưa được gửi tới Ukraine.
Theo WSJ, trong bối cảnh phản công của Kiev đình trệ, Washington được cho là đang xem xét tăng cường khả năng cho quân đội Ukraine bằng tên lửa tầm xa. Washington có thể chấp thuận gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Kiev.
Hệ thống ATACMS. Ảnh; Lục quân Mỹ
Ukraine từ lâu đã yêu cầu Mỹ cung cấp ATACMS, có tầm bắn khoảng 300km và có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga cách xa tiền tuyến, trong đó có bán đảo Crimea. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn chưa quyết định gửi tên lửa tầm xa cho Kiev.
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges, nói với Insider rằng, tên lửa ATACMS - có tầm bắn lên tới 300km - và máy bay không người lái (UAV) Grey Eagle tiên tiến sẽ “khiến mọi trụ sở và địa điểm hậu cần của Moscow gặp nguy hiểm” bằng cách cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công các vị trí của Nga đằng sau các tuyến phòng thủ rộng lớn.
Vương quốc Anh đã gửi cho Ukraine các tên lửa hành trình Storm Shadow tầm xa có tầm bắn tương tự ATACMS, được cho là tấn công các mục tiêu của Nga với độ chính xác cao và đã khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công cầu Chonhar, tuyến đường quan trọng nối khu vực Kherson hiện do Nga kiểm soát với bán đảo Crimea.
Theo ông Hodges, tên lửa Storm Shadow với tầm bắn 250km vẫn chưa thực sự khiến lực lượng Nga gặp quá nhiều nguy hiểm.
“Do Mỹ tiếp tục từ chối cung cấp ATACMS, trên thực tế, chúng ta đã tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho Nga bên trong Ukraine. Bất cứ thứ gì nằm ngoài tầm bắn của GMLRS, HIMARS và Storm Shadow hiện tại đều là nơi trú ẩn an toàn”, ông nói.
Lý do ATACMS có thể mang lại lợi thế cho Ukraine
Tên lửa ATACMS có thể sẵn sàng sử dụng trong quân đội Ukraine. Không giống như tên lửa Storm Shadow của Anh, được phóng từ máy bay và khiến phương tiện mang chúng dễ trở thành mục tiêu, tên lửa ATACMS có thể được bắn từ các bệ phóng mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine, bao gồm bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS của Mỹ.
Tầm bắn của tên lửa ATACMS, từ 160-300km tùy biến thể, vượt trội so với các tên lửa HIMARS mà Ukraine hiện đang sử dụng.
Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết: “ATACMS là tên lửa dẫn đường tầm xa cung cấp cho các chỉ huy tác chiến hỏa lực ngay lập tức để giành chiến thắng trong tác chiến chiều sâu”.
Mỗi tên lửa ATACMS có một đầu đạn nổ phân mảnh nặng 500 pound (226 kg). Chúng có thể là vũ khí quan trọng để phá vỡ các trung tâm hậu cần và vận chuyển của Nga, đồng thời phá hủy nguồn cung cấp cho lực lượng Nga ở sâu trong lãnh thổ Ukraine mà Moscow đang kiểm soát, thúc đẩy cuộc phản công của Kiev. Hầu như không có kho đạn dược, trung tâm hậu cần, đường sắt hay nơi tập trung quân nào của Nga nằm ngoài tầm bắn của ATACM.
Bán đảo Crimea, nơi có tầm quan trọng lớn đối với Tổng thống Putin, chỉ có một cây cầu duy nhất - cầu Kerch - kết nối với đại lục Nga, sẽ nằm trong tầm bắn của ATACMS.
Theo ông Hodges, nếu những tên lửa này được bắn từ thành phố Odessa, miền Nam Ukraine, chúng có thể tấn công các tàu chiến của Moscow ở căn cứ hải quân Biển Đen tại Sevastopol.
ATACMS cũng có lợi thế là tên lửa đạn đạo, với tốc độ siêu thanh Mach 3,5 - khiến nó khó đánh chặn hơn đáng kể so với các loại tên lửa khác.
Dư luận Mỹ ủng hộ gửi vũ khí cho Ukraine
Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn chưa quyết định gửi ATACMS cho Ukraine, một phần vì lo ngại Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và khiến xung đột leo thang hơn nữa. Một lý do khác khiến chính quyền ông Biden do dự là liệu Mỹ có đủ nguồn dự phòng hay không.
Theo Politico, Lockheed Martin sản xuất khoảng 4.000 tên lửa ATACMS trong 2 thập kỷ qua, một số trong đó đã được bán cho các quốc gia đồng minh và hàng trăm tên lửa được lực lượng Mỹ sử dụng trong chiến đấu.
Lầu Năm Góc đầu tháng này cho biết họ không biết về bất kỳ quyết định sắp xảy ra nào về việc gửi ATACMS cho Ukraine sau bài báo của Wall Street Journal.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng, đằng sau hậu trường, giọng điệu ở Washington gần đây đã thay đổi và dường như có mong muốn gửi cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến hơn.
Theo WSJ, các quan chức châu Âu hy vọng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm như họ đã từng thay đổi với xe tăng Abrams và HIMARS.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua một nghị quyết vào tuần trước kêu gọi gửi ATACMS tới Ukraine ngay lập tức. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch cho biết ông nghĩ khả năng Mỹ gửi ATACMS cho Ukraine là “khá cao”.
Theo Reuters, dư luận Mỹ cũng ngày càng ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 65% số người được hỏi ủng hộ việc gửi vũ khí cho Ukraine tăng mạnh so với tỷ lệ 46% trong cuộc thăm dò hồi tháng 5.