Vụ Khaisilk: Coi chừng bị phía Trung Quốc kiện

Luật sư Châu Huy Quang |

Việc sản phẩm tơ lụa thương hiệu Khaisilk bị người tiêu dùng (NTD) phát hiện cắt dán xuất xứ giả "Made in Vietnam" (sản xuất tại Việt Nam) thay vì đúng gốc là "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) cũng đã phơi bày thực trạng gian lận thương mại có hệ thống của doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Khaisilk gia công hàng cho Trung Quốc?

Theo quy định pháp luật, xuất xứ hàng hóa được xác định theo nước (hoặc vùng lãnh thổ) nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó.

DN nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định liên quan (Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa).

Giai đoạn cơ bản, cuối cùng đề cập trên có thể là những công đoạn sản xuất, chế biến chính dẫn đến thay đổi đặc điểm cơ bản của hàng hóa, như đặc điểm hình dạng, tính năng, mục đích sử dụng của hàng hóa.

Trường hợp toàn bộ lô hàng lụa thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam được Khaisilk thay nhãn "Made in Vietnam" thì DN này đã có hành vi đánh tráo xuất xứ hàng hóa, nói cách khác là có dấu hiệu gian lận thương mại.

NTD cũng khó có thể đồng tình với giãi bày từ đại diện DN rằng hàng lụa Khaisilk vẫn chính thương hiệu Việt Nam, họ chỉ đặt gia công tại Trung Quốc.

Ở khía cạnh pháp luật, gia công thương mại được hiểu là bên giao hàng gia công (Khaisilk) giao một phần hoặc toàn bộ nguyên vật liệu (sợi tơ tằm hay lụa thô) để bên nhận gia công (Trung Quốc) thực hiện một hoặc nhiều công đoạn sản xuất theo yêu cầu của Khaisilk.

DN phía Trung Quốc chỉ hưởng phí gia công.

Do vậy, việc nhập hàng thành phẩm lụa nguyên kiện và chỉ tráo đổi tem nhãn xuất xứ tại Việt Nam thì hoặc là Khaisilk gia công cho bạn hàng Trung Quốc hoặc là họ có hành vi gian lận thương mại.

Vi phạm sở hữu trí tuệ hay có dàn xếp thương mại?

DN cố tình ghi sai hay hủy bỏ dấu hiệu xuất xứ hàng hóa đúng nguồn gốc để chỉ dẫn bằng xuất xứ sai có thể bị coi là hành vi làm giả hàng hóa.

Tại điều 3.8 (e) Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng hóa cũng có thể bị coi là hàng giả nếu có nhãn, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất hoặc hàng hóa giả mạo về quyền sở hữu trí tuệ (điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Tuy nhiên, xem xét Khaisilk là hàng giả cũng cần thêm yếu tố. Nhất là cũng cần xác định chủ thể, đối tượng bị xâm hại trực tiếp, bên có hàng hóa bị làm giả (Trung Quốc), chưa kể các bên có dàn xếp thương mại, đồng thuận nào khác.

Thực trạng chung hiện nay trong gian lận xuất xứ hàng hóa thường thấy ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất, gia công giản đơn hàng hóa xuất khẩu, chưa đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ song vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam, xuất khẩu qua thị trường của nước thứ 3 nhằm trục lợi thuế quan.

Phổ biến là DN của Trung Quốc vẫn "đánh tráo" ghi xuất xứ hàng hóa của họ, nhất là mặt hàng dệt may, giày da và thép.

Một mặt tránh bị NTD định kiến về uy tín chất lượng; mặt khác, hàng xuất xứ Trung Quốc bị áp mức thuế suất thuế quan cao gấp nhiều lần so với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Do vậy, việc cắt dán thay đổi xuất xứ lụa thành phẩm của Khaisilk chưa hẳn làm bạn hàng Trung Quốc bị thiệt hại, mà đôi khi có sự đồng thuận vì có lợi cho họ.

Ngược lại, nếu các nhà sản xuất, cung ứng tơ lụa của Trung Quốc đến nay mới phát hiện Khaisilk đơn phương hủy bỏ xuất xứ Trung Quốc, tức xâm hại đến quyền sở hữu trí tuệ của họ, thì tôi nghĩ một vụ kiện tụng đòi bồi thường do DN của Trung Quốc khởi xướng, nếu có, thì lợi nhuận Khaisilk thu được trong bao nhiêu năm qua từ hành vi gian lận thương mại này cũng không đủ bồi hoàn.

Việc tẩy xóa, đánh tráo xuất xứ cũng có thể bị xử lý hành chính, mức phạt hiện có thể lên đến 80 triệu đồng, trong trường hợp hàng hóa vi phạm bị phát hiện có giá trị trên 100 triệu đồng (Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

DN có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc biện pháp khắc phục hậu quả, như tiêu hủy, thu hồi hàng hóa, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, cải chính thông tin.

Có thể bị phạt tù từ 7-15 năm

Bộ Luật Hình sự (BLHS) đã quy định tội lừa dối khách hàng với mức xử phạt lên đến 7 năm tù, phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng (điều 162 BLHS 1999).

Nếu cấu thành tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" thì mức xử phạt lên đến 15 năm tù kèm phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (điều 156 BLHS 1999).

Ngoài ra, DN có thể phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường dân sự nếu có thiệt hại gây ra cho NTD quy định tại khoản 7, điều 8 Luật Bảo vệ NTD.

Theo đó, thông qua tổ chức xã hội hay tự NTD cũng có thể khởi kiện DN ra tòa khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm vì hành vi gian lận thương mại hay lừa dối khách hàng của DN gây ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại