Vụ giẫm đạp ở sân vận động Indonesia: Những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân

Diệp Lục |

Gia đình những người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở sân vận động tại Indonesia bàng hoàng và sốc nặng khi hay tin về thảm kịch.

Theo hãng tin Reuters, cảnh sát Đông Java đã công bố con số thương vong mới nhất sau vụ giẫm đạp, bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan khi trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỉ số 2-3 nghiêng về đội khách.

Số người thiệt mạng tính đến thời điểm hiện tại là 125 nạn nhân và 323 người bị thương, đang được điều trị tại bệnh viện. Đây được xem là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Theo Reuters, nhiều nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Kanjuruhan gần đó đã bị chấn thương, khó thở và thiếu oxy do rất đông người dân tại hiện trường bị ảnh hưởng bởi hơi cay. Nhiều người may mắn sống sót đã kể lại giây phút kinh hoàng mà mình đã trải qua.

Giây phút ám ảnh không thể nào quên

Firari Vilallah không bao giờ tưởng tượng được rằng một trận đấu của đội bóng anh yêu thích sẽ cướp đi sinh mạng ít nhất 125 người vào hôm 1/10.

Vilallah, 22 tuổi, nhớ lại trải nghiệm ám ảnh trong cuộc đời: "Hơi cay ở khắp mọi nơi, vì thế các cổ động viên chạy tán loạn. Mọi người xô đẩy nhau, rất nhiều người thậm chí bị kẹt cứng, không thể di chuyển".

Vilallah và anh trai cuối cùng may mắn đã sống sót thoát khỏi sân vận động. Nhưng sau đó, anh nhìn thấy người bạn của mình, Evi Syaila, đang nằm bất động gần lối ra. Anh đưa cô gái 18 tuổi về nhà vì nghĩ cô vẫn ổn, không bị thương tích nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, khi Syaila tỉnh dậy vào sáng 2/10, cô không thể ăn uống được gì.

"Mọi thứ đều đau. Bụng tôi đau quặn. Mọi chuyện xảy đến quá đột ngột. Tôi đã rất kinh hoàng", cô miêu tả. Syaila được đưa đến một bệnh viện ở Malang và các bác sĩ nói cô cần nhập viện. Syaila tin rằng cô bị ai đó giẫm lên người trong lúc tháo chạy nhưng cô không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra tại sân vận động.

Vụ giẫm đạp ở sân vận động Indonesia: Những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân - Ảnh 1.

Cô Evi Syaila ở trong bệnh viện để điều trị.

Tuy sống sót sau thảm kịch, anh Vilallah đã mất đi 4 người bạn: "Tôi chỉ biết tin này vào khoảng 3h sáng. Một nam và 3 nữ. Tôi sẽ không bao giờ xem một trận đấu nào ở sân vận động nữa. Nó quá nguy hiểm".

Rezqi Wahyu, một CĐV CLB Arema, kể lại cảnh tượng kinh hoàng tại sân vận động Kanjuruhan: "Sau tiếng còi, các cầu thủ Arema cúi gằm mặt và thể hiện sự thất vọng. Huấn luyện viên Arema và ban huấn luyện đội bóng tiến lại khán đài phía Đông và tỏ ra có lỗi với các CĐV. Một số CĐV từ khán đài phía Nam đã tỏ ra tuyệt vọng.

Sau đó, một số phần tử quá khích đã xuống sân để bày tỏ sự phẫn nộ. Các CĐV từ nhiều phía sân vận động thấy thế cũng nhảy xuống để trút giận lên các cầu thủ. Tình hình trở nên xấu đi khi các CĐV mất kiểm soát và bắt đầu ném những vật thể lạ xuống sân".

Lực lượng cảnh sát khi ấy đã dùng hơi cay để trấn áp CĐV quá khích. Hành động này càng khiến tình hình trên sân Kajuruhan trở nên tồi tệ hơn.

"Hàng chục quả lựu đạn hơi cay đã được ném vào các CĐV. Nhiều người rơi vào hoảng loạn vì hơi cay. Nhiều bà mẹ, người già và trẻ nhỏ bị ngột ngạt và bất lực. Họ không thể chịu đựng nổi đám đông, nhưng không thể tìm đường thoát khỏi đây. Tất cả lối ra đều chật cứng và bên ngoài sân bị tắc đường", theo Rezqi.

Prayogi, người đến xem trận đấu cùng vợ và bạn bè, quyết định ở lại cho đến khi tình hình lắng xuống: "Tôi đã đứng trên khán đài ngay cả khi hơi cay bóp nghẹt cổ họng tôi. Trong 20 năm làm cổ động viên của Arema, tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh hãi như đêm đó".

Nỗi đau của những người ở lại

Cậu bé 11 tuổi M. (danh tính đứa trẻ được bảo vệ) đã mất cả cha và mẹ sau thảm kịch tại sân vận động. Vì sắp tới là sinh nhật đứa trẻ nên cha mẹ đã quyết định đưa cậu bé đi xem bóng đá tại sân vận động lần đầu tiên trong đời.

Khi cuộc giẫm đạp xảy ra, đứa trẻ bị đẩy ra xa cha mẹ mình. Theo lời kể của người thân trong gia đình, anh Yulianton, cha đứa trẻ bị khó thở do hít phải hơi cay. Khi được tìm thấy, gương mặt anh đã biến sắc và không thể sống sót.

Cậu bé M. cho hay đã chứng kiến cảnh cha mẹ bị đám đông giẫm đạp lên, đó là khoảnh khắc cậu không bao giờ quên. M. may mắn được cảnh sát cứu sống nhưng giờ em đã trở thành trẻ mồ côi.

Theo hãng tin Reuters, trong số những người bị thiệt mạng, có tới 17 trẻ em. Endah Wahyuni, chị gái của 2 cậu bé, Ahmad Cahyo, 15 tuổi và Muhammad Farel, 14 tuổi, cho biết: "Tôi và gia đình không nghĩ mọi chuyện lại thành ra như thế này. Các em tôi đều yêu bóng đá. Chúng chưa bao giờ xem đội Arema thi đấu trực tiếp trên sân. Đây là lần đầu tiên".

Gia đình đã tổ chức lễ tang cho 2 thiếu niên này nhưng nỗi đau trong lòng họ sẽ chẳng bao giờ có thể được nguôi ngoai.

Ông Sugianto đang lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt ở ngoài hành lang nhà xác bệnh viện địa phương. Ông không thể ngờ rằng mình đã mất đi người con trai mới chỉ đang học cấp 2 sau khi cậu bé cùng nhóm bạn đi xem trận đấu bóng đá.

Vụ giẫm đạp ở sân vận động Indonesia: Những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân - Ảnh 2.

Nhiều gia đình sốc nặng khi mất đi người thân.

Người cha cho hay, nạn nhân là con út trong gia đình. Sáng ngày 1/0, đứa trẻ đã rất háo hức khi lên kế hoạch cùng nhóm bạn đi xem trận đấu có đội bóng mà họ yêu thích. Ông đã đồng ý cho con trai đi xem cùng nhóm bạn nhưng chẳng ngờ đó là quyết định khiến ông hối hận nhất.

Lần cuối cùng khi ông Sugianto liên lạc được với con trai là lúc trận đấu gần kết thúc. Sau đó ông vĩnh viễn không thể liên lạc được với con. Vào đêm hôm đó, ông nhận tin dữ, cho đến nay người cha này vẫn chưa tin đó là sự thật.

Ông Bambang cũng đang phải chịu đựng nỗi đau mất đi người con trai Rizky 19 tuổi sau thảm kịch tại sân vận động. Người đàn ông chia sẻ rằng, con trai ông đã mua một đôi giày mới để đi xem trận đấu bóng đá. Nhưng chẳng ai ngờ rằng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cậu sinh viên này đi đôi giày ấy.

Vụ giẫm đạp ở sân vận động Indonesia: Những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân - Ảnh 3.

Một đôi giày bị bỏ lại sau thảm họa kinh hoàng.

Hàng trăm người đã đến thắp nến và đặt hoa để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Theo truyền thông địa phương, số nạn nhân có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch.

Chính quyền địa phương đang điều tra để làm rõ trách nhiệm sau vụ việc kinh hoàng nhưng có lẽ điều quan trọng hơn lúc này là cần triển khai các biện pháp hữu hiệu để không lặp lại thảm kịch tương tự.

Vụ giẫm đạp ở sân vận động Indonesia: Những câu chuyện thương tâm về các nạn nhân - Ảnh 4.

Người dân thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân xấu số.

Nguồn: CNA, Tribunnews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại