Liên quan đến vấn đề lạm thu ở tỉnh Thanh Hoá đang được dư luận xã hội quan tâm thời gian gần đây, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Nam - Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH khoá XIII tỉnh Thanh Hoá.
Có những khoản thu mà cả những người già sắp chết cũng phải nộp
PV: Bản thân ông từng là ĐBQH của tỉnh Thanh Hoá, là một người dân của Thanh Hoá, cảm xúc của ông như thế nào khi tiếp nhận những thông tin này?
Ông Lê Nam: Tôi thấy rất buồn và trăn trở. Và tôi cho rằng vấn đề này không chỉ mình Thanh Hoá đâu. Tôi đã có bài viết về việc phí và lệ phí. Vấn đề này tôi khẳng định là vấn đề phổ biến ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
Chỉ có điều Thanh Hoá, dường như là cái nơi khởi phát, là nơi được xem như một điển hình về câu chuyện này. Tôi cũng nghĩ là phải đặt vấn đề này để giải quyết. Chúng ta cứ nói lo cho dân là những vấn đề gì? Tôi thấy nó rất trọng yếu, phải giải quyết không để tái diễn.
PV: Trước những thông tin về việc lạm thu đến "cùng kiệt sức dân" ở Hậu Lộc, Thanh Hoá, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này khi đây không phải là lần đầu tiên?
Ông Lê Nam: Việc lạm thu ở Thanh Hoá đã có từ lâu, không phải là mới. Chỉ có điều, ở đâu mà người dân vẫn chịu đựng được mức thu, người dân chưa có phản ứng quyết liệt thì vấn đề lạm thu còn đang bị chìm lấp đi.
Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, cũng có một phương châm "lấy sức dân để lo cho dân". Vừa rồi chúng ta cũng đưa ra cho dân bàn, đưa ra HĐND xã và sau đó "bổ đầu" để thu nhiều khoản thu. Nếu xét theo góc độ luật pháp thì cũng cần phải xem xét đánh giá lại việc thu đó như thế nào.
Theo Luật phí và lệ phí, việc thu của người dân không đơn giản như thế.
Có rất nhiều khoản thu, tôi biết là người cao tuổi vẫn cứ thu, thậm chí cả những người già sắp chết cũng phải nộp. Luật người cao tuổi có rồi, luật khác có rồi nhưng người ta vẫn cứ lạm thu. Nó dẫn đến câu chuyện kéo dài triền miên.
Tôi cũng rất buồn, không biết các tỉnh khác thế nào chứ ở Thanh Hoá trở thành câu chuyện lâu dài mà không hiểu tại sao lại cứ là Thanh Hoá.
Tôi cũng không muốn bình đến câu chuyện của Hậu Lộc nữa vì ông Bí thư huyện uỷ huyện Hậu Lộc đã qua báo chí xin lỗi những người dân bị thu sai rồi. Cái chính là việc làm sai ấy chúng ta xử lý không nghiêm.
Vì tình trạng lạm thu ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá), bí thư huyện này đã xin lỗi người dân bị thu sai (Ảnh: Thanh Tuy)
Chúng ta cứ coi những việc ấy (việc lạm thu - PV) chưa đến mức nghiêm trọng, thậm chí nghĩ rằng dẫu sao việc huy động cũng là lo cho việc chung.
Dường như trong tâm trạng của chúng ta vẫn đang lấn cấn vấn đề họ làm vì việc chung. Có trường hợp lấy tiền của dân chi sai nhưng có nhiều trường hợp lo cho cái chung ở thôn. Chúng ta coi điều đó nặng hơn quyền lợi của người dân.
Và cũng rất rõ ràng, quyền lợi là của người dân trong vấn đề tài chính chưa có hành lang pháp lý bảo vệ. Việc huy động tiền của dân như vậy có đưa ra toà không? Cấp trên có cách chức không? Về mặt hành chính thì xử lý thế nào? Về mặt luật pháp, có nên có hình thức nghiêm khắc hơn không?
Những ông bí thư, chủ tịch xã để xảy ra tình trạng lạm thu kéo dài như vậy thì cách chức các ông ấy đi chứ để làm gì? Sao lại bảo là không biết khi tình trạng lạm thu của dân kéo dài như vậy!
Tôi cho rằng chúng ta xử lý không nghiêm nên cứ kéo dài hết năm này qua năm khác. Rồi cấp cao hơn một chút coi những vấn đề đó chỉ xảy ra ở một vài nơi nên cũng không sao là không được. Tôi nghĩ là phải xử lý nghiêm người làm sai và phải quy kết được trách nhiệm của người lãnh đạo.
Phải xử lý những người làm sai thật nghiêm
PV: Như đã đặt ra vấn đề Thanh Hoá được "coi như một điển hình" trong khi ở nơi khác cũng có thể có tình trạng lạm thu, vậy đâu là lý do dẫn đến sự việc như hiện nay, thưa ông?
Ông Lê Nam: Tôi cho là có yếu tố đặc trưng ở đây.
Thứ nhất là cách làm việc ở một số nơi ở Thanh Hoá thường quyết liệt hơn các nơi khác. Có lẽ vì thế mà việc lạm thu cũng như cách thu ở Thanh Hoá quyết liệt hơn các nơi khác. Ví dụ như cắt điện của người dân, không đóng dấu khi người dân cần hoàn tất thủ tục hành chính...
Tại sao lại có những cán bộ đến thế kỷ thứ 21 rồi mà còn làm ăn theo kiểu như "người ngoài hành tinh" ấy?
Thứ hai là người dân Thanh Hoá có tính phản kháng, đấu tranh mạnh mẽ hơn.
Thứ ba, cũng có yếu tố là vùng nghèo. Đối với các nơi có kinh tế phát triển, thu nhập của người dân cao hơn, việc lạm thu không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên trong chừng mực nào đó họ vẫn chịu đựng và không phản kháng.
Nhưng đối với những nơi nghèo, số tiền phải đóng góp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số thu nhập thì buộc người dân phải lên tiếng phản đối thôi.
PV: Trong thời kỳ ông còn làm ĐBQH của tỉnh Thanh Hoá, đã bao giờ vấn đề này được ông đưa ra Nghị trường chưa?
Ông Lê Nam: Câu chuyện này không phải là đến bây giờ mình mới nói. Trong các đợt giám sát, có lúc, có nơi, chúng tôi đã thấy vấn đề này. Trong quan điểm chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh, tôi biết, trong quá trình làm việc, các anh lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo rất cụ thể.
Bằng chứng là trong chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh uỷ cách đây chưa lâu, Bí thư Tỉnh uỷ đã ký văn bản với tư cách là trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã yêu cầu không được thu những khoản thu trái quy định và yêu cầu các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo việc này.
Chúng tôi, khi còn là ĐBQH, tôi với tư cách là phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá biết việc này, có làm việc về việc này, kể cả trong giám sát về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã có ý kiến.
PV: Vậy theo ông, mấu chốt để giải quyết tận gốc vấn đề lạm thu ở Thanh Hoá nằm ở đâu?
Ông Lê Nam: Tôi thấy đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng rất trăn trở và cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, rõ ràng nhưng vấn đề là không chấp hành thôi. Đây là quá trình kéo dài nhiều năm.
Để giải quyết tận gốc tình trạng này, chỉ đạo đã có đầy đủ và cụ thể, vì thế tôi cho rằng vấn đề nằm ở chính chỗ chúng ta phải xử lý những người làm sai thật nghiêm.
Xin cám ơn ông!