Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp

Đào Thanh Tuy |

Mỗi năm, thôn Thái Hòa (xã Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) tiến hành hai đợt thu đóng góp của dân. Các khoản thu ở địa phương này cũng khiến người dân choáng váng.

LTS: Cũng thu phí kiểu "sưu cao thuế nặng" như ở thôn Lộc Tiên (xã Hải Lộc), nhưng tại xã Hưng Lộc, chính quyền thôn Thái Hòa dùng thủ thuật khác, chia ra thu 1 năm 2 lần. Mức thu ở thôn này cũng vô cùng khủng khiếp và đối tượng thu thì cũng chẳng chừa một ai, kể cả cụ già gần đất xa trời đến trẻ con mới lọt lòng mẹ.

Kỳ 1: Oái oăm trẻ mới lọt lòng phải còng lưng đóng góp quỹ thôn ở xã Hải Lộc, Thanh Hóa
Kỳ 2: Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc
Kỳ 3:  Chuyện khó tin ở Thanh Hóa: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra ngay
Kỳ 4: Bí thư Huyện ủy xin lỗi dân về vụ "trẻ lọt lòng còng lưng gánh quỹ" ở Hậu Lộc, Thanh Hóa

Đảng viên cũng… bó tay

Trưa ấy, biết chúng tôi là nhà báo, mấy người dân đang làm thuê cho một quán ăn ở Hưng Lộc đã bảo: "Chẳng cần đi đâu xa, cứ tìm hiểu ở xã tôi thì đủ biết người dân khốn khổ thế nào!".

"Họ thu nhiều lắm các anh ạ, các anh xem phản ánh thế nào giúp dân chứ không chúng tôi không chịu nổi. Dân chúng tôi thấp cổ bé họng chả biết kêu ai đâu, các anh cố về giúp", một phụ nữ trông dáng mặt khắc khổ nói như van vỉ.

Theo người phụ nữ này thì ở Hưng Lộc, hầu như thôn nào cũng vẽ ra vô số những khoản đóng góp lạ lùng và như là mệnh lệnh, tất thảy các nhân khẩu trong thôn phải tuyệt đối tham gia.

Xã Hưng Lộc có 12 thôn, trong đó có 9 thôn làm nông nghiệp, 3 thôn theo nghề đi biển. Tìm hiểu về nỗi bức xúc, thống khổ mà người dân xã này đang gánh chịu, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên thôn Thái Hòa để thực tế.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 1.

Là đảng viên, ông Chanh đã nhiều lần đóng góp ý kiến về việc "sưu cao thuế nặng" ở địa phương nhưng... không ai nghe.

Hộ dân đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là gia đình ông Nguyễn Chí Chanh ở ngay giữa thôn. Ông Chanh là đảng viên, năm nay đã 31 tuổi Đảng.

Khi chúng tôi đến, ông Chanh đang nghỉ trưa ở ngoài hiên nhà. Thoạt đầu chúng tôi nghĩ là đảng viên, ông Chanh sẽ "khó nói" những vấn đề đang nhức nhối ở địa phương mình, tuy nhiên không phải vậy.

"Tôi đã nói, đã có ý kiến rất nhiều về vấn đề thu chi của thôn rồi nhưng không ăn thua. Thu cái gì thì họ cũng đều đưa ra chi bộ họp bàn cả đấy nhưng chi bộ cũng toàn là cán bộ thôn cả.

Một vài ý kiến phản đối, góp ý như tôi thì cũng chẳng giải quyết gì, thiểu số phải phục tùng đa số mà", ông Chanh chia sẻ.

Cứ có thóc là… thu!

Cũng giống như ở Hải Lộc, ở Hưng Lộc mỗi hộ dân cũng được phát một cuốn sổ có tên "Sổ theo dõi thu thuế và các khoản đóng góp hàng năm". Có điều ở Hải Lộc thì một năm, cán bộ thôn thu tiền của dân một lần thì ở Hưng Lộc việc đóng góp được chia làm hai.

Ông Chanh lý giải, dân Hưng Lộc mà cụ thể là thôn Thái Hòa nơi ông ở, người dân chủ yếu mưu sinh bằng đồng ruộng. Năm cấy hai vụ thì cán bộ thôn tiến hành thu phí, quỹ làm hai lần.

Lần thứ nhất gọi là "thu vụ 5" được tiến hành vào chừng tháng 6, lần thứ hai gọi là "thu vụ 10" được gióng chuông vào cuối năm. "Cứ khi nào dân có thóc là họ tiến hành thu", ông Chanh cho biết.

Trước đây, sổ theo dõi được giao cho từng hộ gia đình nhưng vài năm này, không hiểu vì lý do gì mà cán bộ thôn giữ dịt lấy. Chỉ khi đến "mùa đóng góp", cần thu những khoản gì thì thôn mới phát cho dân. Đóng xong thì cán bộ thôn lại thu sổ lại.

Thấy thôn thu nhiều khoản vô lý, không đúng đối tượng, thậm chí trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước, ông Chanh nhiều lần thắc mắc. Và, để có bằng chứng, mỗi khi thôn phát lại sổ theo dõi thì ông đều sao chụp lại.

Tuy nhiên, ý kiến của ông như muối bỏ biển, như đá ném ao bèo nên dần dà nản, ông cam chịu, không đấu tranh gì nữa.

"Thôi, mình ý kiến thế họ không nghe cũng chịu. Chỉ mong là các khoản thu không tăng nữa để người dân đỡ khổ", ông Chanh thiểu não.

Theo cuốn sổ mà ông Chanh sao chụp được từ chính cuốn sổ theo dõi thu thuế và các khoản đóng góp hàng năm của gia đình mình thì mỗi "mùa đóng góp" gia đình ông Chanh phải nộp trên 20 khoản thu các loại.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 2.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 3.

Các khoản thu năm 2013 và 2012 mà gia đình ông Chanh phải đóng góp.

Cụ thể, "thu vụ 5" năm 2007, năm đầu tiên nhận sổ theo dõi, gia đình ông Chanh phải đóng 9 khoản thu cho thôn, 4 khoản cho hợp tác xã, 12 khoản thu cho xã.

Vụ 5 năm 2013, năm cuối cùng mà ông Chanh sao chụp sổ theo dõi, thôn, xã cũng tiến hành thu của gia đình ông 17 khoản thu các loại. Nhà có 4 khẩu, vụ này, gia đình ông Chanh phải nộp hơn 1 triệu đồng.

Vụ đóng góp vừa rồi, vụ 5 năm 2016, 4 khẩu trong gia đình ông Chanh phải đóng 1,8 triệu đồng.

Bà lão nằm liệt giường cũng phải gồng mình đóng quỹ

Theo ông Chanh, càng về những năm sau này thì các khoản thu càng tăng về cả số lượng lẫn… số tiền. Có một thứ không thay đổi đó cách thu… rắn như đinh.

"Nhiều nơi, các loại quỹ vận động thì là do người dân họ tự nguyện đóng, có bao nhiêu thì tham gia bấy nhiêu. Nhưng ở đây thì cứ bổ đều, ai cũng phải đóng, bất kể người già, trẻ nhỏ", ông Chanh bức xúc.

"Đây, các anh xuống đây xem, mẹ già tôi đây này, cả chục năm nay bà không ra khỏi chiếc giường, thế mà bà vẫn phải đóng tất cả các khoản", vừa nói ông Chanh vừa lật đật chạy xuống nhà sau.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 4.

Mẹ ông Chanh, bà lão hơn 80 tuổi, tuy không nhấc mình được khỏi giường nhưng vẫn phải đóng góp rất nhiều loại quỹ phi lý.

Đó là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nơi mẹ ông Chanh nương náu tuổi già. Thấy nắng gắt bỗng nhiên ập vào thế giới riêng của mình, một bà lão lưng còng, dáng người nhỏ thó đang nằm trên giường ngúc ngoắc bò dậy.

Bà cụ tuổi chừng hơn 80, tóc bạc, da nhăn nhúm. Bà cụ bị tật ở mắt phải. Hai mí mắt đã dính tịt với nhau, không còn trông thấy con ngươi đâu nữa.

"Ai đấy, ai đến hỏi mua cái gì?", thấy ông Chanh nói chuyện với tôi, bà cụ cứ luôn miệng hỏi rồi nghểnh tai nghe.

"Đấy, anh xem, mẹ tôi thế này mà họ chỉ trừ cho mỗi khoản đóng quỹ làm đường, còn đâu vẫn tính theo khẩu, vẫn thu tất. Vô lý nhất là quỹ hoạt động thiếu niên, quỹ hoạt động xã hội…", ông Chanh bức xúc.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 5.

Bà cụ không có sức lao động nên gánh nặng quỹ, phí lại đổ lên vai ông Chanh.

Làm ruộng không đủ tiền… đóng góp

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Chanh bị ngắt dở bởi một phụ nữ tuổi chạc 60 thập thò ngoài cửa. Người này là hàng xóm của gia đình ông Chanh. Thấy có nhà báo đến tìm hiểu việc… thu vô tội vạ ở thôn mình, bà cũng muốn vào tham gia ý kiến.

"Tôi nói thật, tôi là đàn bà con gái, các anh phải giấu tên tôi đi nhé, chứ lộ ra là các ông ấy thù chết đấy. Hôm rồi, thấy nhà mình phải đóng tiền vô lý quá tôi đã ra giữa đường tôi bới (chửi- tiếng địa phương) đấy!", người đàn bà này bộc toạc.

"Nói có sách mách có chứng nhé, đây này, các anh xem, họ thu của gia đình tôi bằng này khoản đây này", vừa nói, người đàn bà ấy vừa ngó trước ngó sau rồi lôi trong túi ra một tờ giấy gấp vội đưa cho chúng tôi.

Đó là tờ thông báo các khoản phải nộp "vụ 5" mà ít ngày trước thôn có chuyển đến gia đình bà.

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 6.

Các khoản phải đóng trong "vụ 5" của gia đình bà S.

Theo đó, trên tờ thông báo gửi cho chủ hộ Đ.T.S (tên người đàn bà ấy) thì thôn đã liệt ra tất thảy 20 khoản thu mà gia đình phải đóng. Gia đình có 6 khẩu, lần thu này bà phải nộp hơn 2,8 triệu đồng.

"Nhà tôi có 2 sào ruộng, mỗi mùa thu giỏi thì được 1.5 triệu đồng, trừ công sức, giống má phân do có khi còn lỗ. Ấy thế mà phải đóng ngần ấy tiền một vụ thì lấy đâu ra!", bà S. bực dọc.

Trong số 20 khoản thu trên thì có nhiều loại phí, quỹ na ná nhau, có chung một mục đích hoạt động như quỹ hoạt động xã hội, quỹ hoạt động thiếu niên, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Về khía cạnh an ninh trật tự, đã có quỹ quốc phòng lại có quỹ an ninh xã hội, quỹ bảo vệ sản xuất.

Phần sản xuất, đã có khoản thu gọi là phí điều hành sản xuất lại có thêm quỹ tu sửa giao thông, quỹ kiết thiết đồng ruộng, khoản thu rãnh thoát nước của làng, thôn, khoản thu bê tông hóa nội đồng…

Nỗi khổ ở nơi mỗi vụ người dân phải cõng hơn 20 khoản đóng góp - Ảnh 7.

Sau khi "chơi bài Chí Phèo", số tiền phải đóng của gia đình bà S. đã giảm.

Bà S. bảo, nhìn tờ phiếu thu cùng với số tiền phải đóng, bà thấy hoa mắt chóng mặt. Thêm nữa, anh con trai đầu của bà đi làm ăn xa đã mấy năm nay không còn sinh hoạt tại cộng đồng nữa mà thôn vẫn điền tên bắt đóng.

Xót tiền, chẳng biết kêu ai, bà đã ra giữa làng bà chửi. Và, thật bất ngờ, hành động Chí Phèo ấy của bà S. lại phát huy tác dụng. "Không biết họ giảm như thế nào cho con trai tôi, khi đóng tiền, tôi thấy bớt được hơn 400 nghìn", bà S. cho biết.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại