RT dẫn nguồn tin giới chức có liên quan tới kết quả điều tra ban đầu cho rằng, vào lúc 1h30 sáng 16/6 (giờ địa phương), khi tàu chở hàng treo cờ Philippines ACX Crystal va chạm với tàu khu trục Mỹ USS Fitzgerald ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, tàu Philippines đang được điều khiển bằng hệ thống điều hướng máy tính.
Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu dữ liệu Savi, Crystal đã giảm tốc sau vụ va chạm nhưng vẫn tiếp tục quay trở lại lộ trình của mình trong khoảng 36 phút. Vụ va chạm được ghi nhận vào 2h20 sáng (giờ địa phương).
"Điều này cho thấy hệ thống lái tự động đã được thiết lập bởi không ai gây ra tai nạn với một tàu khác rồi lại tiếp tục di chuyển theo lộ trình. Đó là điều không thể tưởng tượng được", chuyên gia phân tích hàng hải Steffan Watkins nhận định.
Hơn nữa, thực tế rằng tàu hàng đã không liên lạc với lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trong gần 30 phút cho thấy khả năng không ai túc trực trong phòng điều khiển vào thời điểm diễn ra sự việc.
Các điều tra viên của Hải quân Mỹ đang cố gắng tìm hiểu nguyên do vì sao radar và cảm biến của Fitzgerald không phát hiện được tàu hàng kịp thời để tránh va chạm.
Chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống radar điều hướng AN/SPS-64 và một hệ thống radar thương mại. Trên tàu có gần 300 thủy thủ và lúc nào cũng phải có người túc trực ở đài chỉ huy.
Những tàu chở hàng như Crystal được yêu cầu phải phát đi các tín hiệu định vị AIS, dữ liệu mà đáng ra thủy thủ đoàn của Fitzgerald phải theo dõi được.
Hiện công tác điều tra vẫn đang được tiến hành. Tính đến thời điểm này, các nhà điều tra chưa tìm được chứng cứ nào cho thấy vụ va chạm này là một hành vi có chủ đích.