Vụ cậu học trò lớp 10 nhảy lầu tự tử: Hãy để học sinh sống đúng với khả năng của các em!

Thủy Nguyên ghi |

“Xã hội phải công bằng, công bằng cả với các em học sinh, như thế các em sẽ không phải ganh đua. Điều quan trọng, hãy để các em sống đúng với khả năng của các em”.

Em C., học sinh lớp 10E3, trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) nhảy lầu tự tử và để lại 2 bức thư, một bức thư gửi bố mẹ, một bức thư gửi lớp.

Từng lời em để lại, khiến ai nấy đều day dứt. Bởi lẽ, theo chia sẻ của thầy Lê Trọng Tín – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến, nội dung trong bức thư tuyệt mệnh nói do áp lực trong việc học và từ gia đình muốn có điểm số tốt hơn để đạt điểm giỏi.

Trong thư còn có đoạn: "Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi!".

Quan điểm của chuyên gia tâm lý

Chuyên gia tư vấn tình cảm tâm lý gia đình Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho rằng, C. đang trong giai đoạn lứa tuổi chuyển đổi tâm sinh lý nên rất dễ bị tổn thương, dễ bị sang chấn và khủng hoảng về tâm lý, tình cảm.

Khi gặp khó khăn trong học tập, em đã không biết chia sẻ và tìm sự trợ giúp, nên đã dẫn đến những quyết định và hành động rất đáng tiếc.

Hiện nay ở nước ta, việc học tập của học sinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà trường, gia đình, người thân, thậm chí cả xã hội. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Thị Túy, sự quan tâm ấy vô tình khiến việc học của các em trở thành cuộc "cạnh tranh" và tạo áp lực vô hình rất lớn lên học sinh.

Vụ cậu học trò lớp 10 nhảy lầu tự tử: Hãy để học sinh sống đúng với khả năng của các em! - Ảnh 1.

Chuyên gia tư vấn tình cảm tâm lý gia đình Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc)

"Xã hội mang trong mình xu thế "nổi bật, phải nổi bật" nên mới có câu chuyện chọn vợ chọn chồng cũng phải chọn người "môn đăng hậu đối", hay quảng cáo trên truyền hình, con thấp còi thì bố mẹ buồn phiền…

Còn đi học thì phải học thật giỏi, lúc nào cũng đứng số 1 của lớp. Những tâm lý ấy nặng nề lắm, người tạo ra tâm lý ấy cho thế hệ sau không được ai giảng giải. Bên cạnh đó, mục tiêu giáo dục của chúng ta cũng đi chệch hướng.

Có một thực tế, với các em học sinh, đầu tiên phải học, học trường điểm, học giỏi, thi cái này cái khác thì bố mẹ mới hãnh diện", chuyên gia Túy lý giải.

Chuyên gia Lê Thị Túy cũng dẫn ra đây câu chuyện mà mình đã từng trải qua dưới những áp lực vô hình ấy.

Con của bà từng học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp. Nhưng bà vẫn bị mọi người rỉ tai bảo rằng, học giỏi chưa đủ, con còn phải biết đánh đàn hay bơi lội hoặc chơi bóng bàn giỏi… mới mới toàn diện vì nếu chỉ học giỏi nhất lớp cũng chẳng làm được gì.

Và bản thân bà cũng phải cho con đi học thêm những môn đó.

Quay trở lại câu chuyện của em C., em học trong môi trường "nghiêm khắc" về giáo dục.

Nói như thầy Hiệu trưởng thì, trên thực tế việc học tập và kỷ luật của trường có nghiêm hơn so với một số trường khác, nhưng việc nghiêm này xuất phát từ nhiều phía trong đó có mong muốn của phụ huynh, muốn con có nề nếp và kết quả học tập tốt trong hoàn cảnh thi cử hiện nay.

Còn phía nhà trường để đạt được điều này thì khối lượng kiến thức cũng phải nhiều hơn. Và trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến là một trường tư thục nổi tiếng ở TP.HCM.

Hàng năm tỷ lệ đỗ đại học của trường đều rất cao, có lớp có 100% học sinh đỗ đại học. Ngoài ra, đây cũng là ngôi trường có số thủ khoa, á khoa đại học cao nhất nước. Tuy nhiên đây cũng trường được mệnh danh là "kỷ luật sắt" với những khắt khe trong tuyển chọn và đào tạo.

Thế nên, việc em C. đạt trung bình môn là 8,9 điểm sẽ chưa phải là nhất và còn cách xa mức 100% kia.

"Dưới sức ép của nhà trường, gia đình, em không còn con đường nào khác là phải phấn đấu.

Phấn đấu không được, em bị thất vọng và có thể tạo tâm lý "nhục nhã" khi thấy con đường mình được như mong muốn là rất xa vời. Em thấy mình thành người thua cuộc.

Có thể, em học sinh ấy sẽ nghĩ tới nhiều lựa chọn: Bỏ cuộc rồi bỏ học ở nhà hoặc sẽ đối mặt để mọi người chê bai thành tích học tập của mình. Nhưng em đã chọn cho mình con đường thoát duy nhất là tự tử.

Đó không chỉ là vấn đề đặt ra với nhà trường mà của toàn xã hội khi giáo dục đang chệch hướng chứ không phải giáo dục giúp con người tự tin như ở nhiều nước", chuyên gia Lê Thị Túy phân tích.

Và theo bà, "lai lịch" của những áp lực này cũng có thể do chế độ khoa cử trước đây của chúng ta để lại, khi họ muốn làm quan không có con đường nào khác là phải ganh đua và học thật giỏi.

Vụ cậu học trò lớp 10 nhảy lầu tự tử: Hãy để học sinh sống đúng với khả năng của các em! - Ảnh 2.

Khi không thể vượt qua áp lực học hành, thi cử, các em sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Bức thư của một thầy hiệu trưởng ở Singapore

Từ câu chuyện của nam sinh này, bà Thúy cũng nêu ra đây bức thư từ thầy hiệu trưởng của một trường ở Singapore gửi cho phụ huynh trước kỳ thi.

"Kỳ thi của các con sắp bắt đầu. Tôi biết các quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt.

Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có một em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán.

Sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến lịch sử hay Văn học Anh. Sẽ có một nhạc sĩ mà điểm môn Hóa sẽ chẳng thành vấn đề. Sẽ có một vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn Vật lý...

Nếu con của quý vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng.

Hãy nói với con rằng "Không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều".

Hãy nói với con rằng "dù điểm số như nào cha mẹ cũng vẫn yêu con và sẽ không đánh giá con".

Hãy thực hiện điều này, quý vị sẽ thấy con mình chinh phục cả thế giới. Một bài thi hay một điểm kém không thể cướp đi giấc mơ và tài năng của các con.

Và thêm một điều nữa, hãy đừng nghĩ rằng các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạnh phúc trên đời này".

Vụ cậu học trò lớp 10 nhảy lầu tự tử: Hãy để học sinh sống đúng với khả năng của các em! - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Túy: "Điều quan trọng, hãy để các em sống đúng với khả năng của các em".

Từ bức thư của thầy hiệu trưởng một trường ở Singapore, bà Túy nhấn mạnh: 

"Cuộc đời rất trân trọng mỗi người. Điều quan trọng chúng ta phải biết mình phải sống tốt thế nào, đóng góp cho xã hội ra sao.

Tùy theo khả năng để mỗi người chọn cho mình công việc có ích cho xã hội, có thể là nghệ sỹ, cầu thủ bóng đá, nhà nghiên cứu tâm lý hay công nhân vệ sinh môi trường… chứ không nhất thiết phải giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi Vật Lý mới là người có ích.

Xã hội phải công bằng, công bằng cả với các em học sinh, như thế các em sẽ không phải ganh đua. Điều quan trọng, hãy để các em sống đúng với khả năng của các em".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại