Thông tin về dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn
Năm 2015, Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm triển khai làm dự án Vườn sinh thái động vật Hòn Nhạn với mục đích nuôi các loài hổ, gấu... để phát triển làm khu du lịch.
Sau khi hoàn tất cả hồ sơ, tháng 5/2015, Công ty Bạch Ngọc Lâm đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương đầu tư dự án với tổng số vốn 70 tỷ đồng.
Khu nuôi hổ trong dự án Vườn sinh thái Hòn Nhạn đang tiếp tục được xây dựng.
Ngay sau đó, Công ty này đã tiến hành xây dựng cơ sở tại địa bàn xã Diễn Đoài (Diễn Châu, Nghệ An), đồng thời làm các thủ tục, báo cáo đánh giá tác động môi trường đến cơ quan chức năng...
Ngày 29/1/2016, sau khi các cơ quan chức năng thẩm định, kiểm tra thực tế về điều kiện, cơ sở vật chất, chuồng trại... UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép đồng ý cho Công ty Bạch Ngọc Lâm nuôi trồng loài được ưu tiên bảo vệ (hổ).
Được biết, Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm do bà Nguyễn Thị Liên (SN 1974; trú tại Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An) làm giám đốc, là đại diện pháp luật của công ty.
Sau khi Công ty được cấp phép nuôi hổ, một số dư luận cho rằng việc làm này không phù hợp. Bởi chồng bà Liên là ông Phạm Văn Tuấn đã từng mang 2 tiền án liên quan đến việc buôn bán hổ.
Giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm.
Trong giấy phép kinh doanh ghi rõ bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc công ty và là người đại diện pháp luật
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc cấp phép cho vợ trong khi chồng từng mang tiền án liên quan đến buôn bán hổ liệu có ảnh hưởng đến việc nuôi hổ hay không? Họ cũng đặt ra nghi ngờ có gì khuất tất hay chi phối đứng sau việc cấp phép này?
Ngày 18/5/2016, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị về việc cấp phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm.
Trong công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, Trung tâm giáo dục thiên nhiên cho rằng việc cấp phép cho Công ty trên trong thời gian 10 ngày là có phần vội vàng và việc tham chiếu Điều 42 Luật Đa dạng sinh học là chưa đúng.
Ngoài ra, Trung tâm giáo dục thiên nhiên cũng cho rằng, Công ty Bạch Ngọc Lâm do bà Liên là chủ sở hữu có chồng là ông Tuấn đã vi phạm pháp luật thì không được cấp giấy chứng nhận Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và Giấy phép nuôi hổ.
Giấy phép nuôi, trồng các loại được ưu tiên bảo vệ do UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm.
Cấp phép đúng quy định
Để làm rõ những thông tin về quy trình, quy định cấp phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm, ngày 4/7/2016, Sở NN&PTNT Nghệ An phối hợp với Sở TNMT tổ chức buổi làm việc với đại diện các Sở, Ban ngành liên quan.
Tại buổi làm việc này, đại diện các Sở, Ban ngành cùng Công ty Bạch Ngọc Lâm đã phân tích, rà soát hồ sơ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung cấp phép nuôi động vật thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (hổ).
Sở NNPTNT Nghệ An gửi công văn số 1737 báo cáo UBND tỉnh về buổi làm việc với các cơ quan chức năng, rà soát quy trình, quy định cấp giấy phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm.
Trong đó, đại diện các Sở, Ban ngành nêu ra những vấn đề cần làm rõ và đi đến thống nhất, đồng ý việc cấp giấy phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là đầy đủ hồ sơ, đúng quy trình, quy định pháp luật.
Sau buổi làm việc, ngày 7/7/2016, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 1737 về việc báo cáo cấp Giấy phép nuôi loài thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ (hổ) cho Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Công văn này khẳng định: cơ sở pháp lý, thủ tục, quy trình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Giấy phép nuôi trồng loài ưu tiên bảo vệ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là đúng quy định, đúng Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, công văn cũng nêu rõ, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ đạo hoạt động nuôi nhốt hổ tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn của Công ty.
Công văn kết luận việc cấp giấy phép là đúng quy trình, quy định luật pháp.
"Chồng vi phạm không có nghĩa là cấm vợ nuôi!"
Liên quan đến một số kiến nghị về việc cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm nuôi hổ, trong công văn của Sở NN&PTNT Nghệ An cũng khẳng định việc cấp phép cho bà Liên (đại diện công ty) không hề liên quan đến ông Phạm Văn Tuấn (chồng bà Liên).
Bởi, ông Phạm Văn Tuấn chỉ là quan hệ vợ chồng, không có quyền định đoạt, can thiệp với Công ty Bạch Ngọc Lâm. Mọi tài sản của công ty thuộc sở hữu của bà Liên. Do đó, bà Liên được sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.
Bà Liên là người đại diện pháp luật của công ty nên phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.
Khu vực nuôi hổ được thiết kế rất đẹp để phục vụ du lịch. Xung quanh là tường sắt cao và dày.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lâm - PGĐ Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định việc tham mưu, cấp phép cho Công ty của bà Liên là đúng quy trình, quy định của pháp luật.
"Ông Tuấn không có quyền hành, chức vụ gì trong Công ty Bạch Ngọc Lâm. Không có quyền điều hành, định đoạt gì nên phải theo luật mà làm chứ không thể trái được. Về luật họ không sai. Chồng vi phạm không thể cấm vợ được.
Nếu không cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm thì lại trái pháp luật. Bây giờ, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để minh bạch hoá việc cấp phép này", ông Lâm khẳng định.
Ở phía ngoài là hào sâu, phần lan can đổ bê tông dày cùng sắt nhọn bảo vệ để du khách có thể đứng xem hổ.
Liên quan đến vấn đề giám sát, kiểm tra việc nuôi hổ của Công ty Bạch Ngọc Lâm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An cho biết, đơn vị này cùng các cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra theo định kỳ về quá trình nuôi và cơ sở vật chất.
"Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra không chỉ Vườn sinh thái Hòn Nhạn mà các cơ sở khác nữa.
Thông thường thì hàng tháng sẽ đi kiểm tra. Hoặc thấy có vấn đề, tin báo nào đó liên quan cũng sẽ tổ chức đi kiểm tra đột xuất về chất lượng, quá trình nuôi nhốt hổ.
Về chuồng trại thì chưa có quy chuẩn rõ ràng, chính xác nên cũng rất khó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát kỹ vấn đề này để đảm bảo an toàn", ông Cường nói.
Bên trong, hổ khá dữ dằn và được "cách li" bằng 2 lớp cửa dày.
Được biết, cuối tháng 7/2016 vừa qua, cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã đồng ý cho Công ty Bạch Ngọc Lâm nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ có nguồn gốc từ Cộng hoà Séc và Bỉ.
Sau khi nhập hổ về, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tiến hành kiểm tra số hổ này và đánh giá các cá thể hồ đều có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh.
Trong khuôn viên có nhiều bảng cảnh báo khu vực thú dữ.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 24 cá thể hổ được nuôi nhốt tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn và tất cả đều khoẻ mạnh, bình thường.
Người chăm sóc mở 1 lớp cửa để bỏ thức ăn vào rồi khoá lại.
Bên trong khuôn viên còn có 1 kho đông lạnh lớn để dự trữ thức ăn cho hổ và các loài động vật khác.
Khu vực nuôi nhốt hổ mới nhập khẩu về được cách ly để đảm bảo an toàn và tạo môi trường thích nghi dần với thực tế.
Trao đổi với PV về những vấn đề liên quan, ông Nguyễn Sỹ Quyết (Công ty Bạch Ngọc Lâm) cho biết: Do Việt Nam chưa có quy chuẩn nên khi xây dựng, công ty đã tham khảo rất nhiều cơ sở khác như Thảo Cầm Viên, Safari Phú Quốc...
Ông khẳng định, việc làm dự án để nuôi dưỡng, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của các loài động vật hoang dã. Dự kiến cuối năm 2017, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái và công ty sẽ thu tiền từ các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi từ du khách về tham quan.
Về quan hệ giữa ông Tuấn và bà Liên, ông Quyết khẳng định họ chỉ là vợ chồng và ông Tuấn không có bất cứ liên quan gì đến công ty cũng như công việc nuôi hổ trong Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn này.
"Việc ông Tuấn từng có tiền án về hổ và bà Liên đại diện công ty được cấp phép làm dự án, nuôi hổ là khác nhau. Chồng vi phạm không thể đưa vợ ra để chịu trách nhiệm được", ông Quyết khẳng định.
Hiện Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn vẫn đang tiếp tục xây dựng. Dự kiến năm 2017 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động bán vé cho du khách.