Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ

Thu Hằng |

Sau cái chết của McKinley, vị tổng thống Mỹ thứ ba bị ám sát trong vòng 40 năm, mật vụ Mỹ mới chính thức trở thành lực lượng bảo vệ tổng thống, hoạt động thống nhất và chặt chẽ.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 1.

Tổng thống William McKinley (phải) đang rời địa điểm nơi ông có bài phát biểu tại Buffalo, New York, một ngày trước khi bị ám sát. Ảnh: Thư viện McKinley

Cuối năm 1914, Edmund Starling đến Nhà Trắng để bắt đầu một công việc mới, một nhân viên mật vụ bảo vệ nguyên thủ quốc gia. Ông chủ mới của anh, Joseph E. Murphy, đã trao đổi với Starling về những chi tiết trong hoạt động bảo vệ Tổng thống. “Nếu ông ấy chơi golf, chúng ta cùng đi. Nếu ông ấy đến nhà hát, chúng ta cũng vậy. Nếu ông ấy rời thị trấn, chúng ta sẽ đi cùng…”, Murphy nói.

Starling thậm chí đã tìm hiểu những chi tiết cụ thể của việc di chuyển bằng đường sắt với Tổng thống Wilson. “Mỗi mét đường sắt mà đoàn tàu đặc biệt đi qua đều phải được kiểm tra… Các khớp chuyển đường ray đều phải được đóng đinh và canh gác để không ai có thể tiếp cận.

Nhóm phục vụ tàu được lựa chọn đặc biệt. Động cơ và đầu máy được kiểm tra và rà soát tất cả các lỗi cơ khí. Toàn bộ người đi trên tàu phải là thành viên có chứng nhận của đảng cầm quyền, và họ luôn phải ở trong tầm mắt của các mật vụ”, Starling nhớ lại.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 2.

Đặc vụ Edmund Starling (bìa trái) bảo vệ Tổng thống Coolidge và Đệ nhất phu nhân sau một buổi lễ nhà thờ. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Nhưng chỉ 13 năm trước đó, trên một chuyến tàu khác chở Tổng thống William McKinley, lại là một cảnh tượng rất khác.

Vào ngày 4/9/1901, Tổng thống McKinley và phu nhân đang trên hành trình đến Buffalo, New York, để tham dự Triển lãm Liên Mỹ. Khi đoàn tàu đi qua Buffalo, các pháo thủ định chào đón Tổng thống bằng một phát 21 phát đại bác. Nhưng rõ ràng là pháo binh đã không đo chính xác khoảng cách từ nơi họ đứng đến đường tàu. Ngay sau khi đại bác khai hỏa, các cửa sổ của toa tàu đầu tiên đã vỡ vụn.

George Cortelyou, Thư ký riêng của Tổng thống, vội vàng tìm cách dừng loạt đại bác. Nhưng khi Cortelyou ra hiệu ngừng bắn, pháo binh lại hiểu cử chỉ của ông như một lời mời tiếp tục. Và toàn bộ 21 phát đại bác được hoàn thành để chào đón Tổng thống McKinley đến Buffalo. Không ai bị thương và Tổng thống dường như không bận tâm, vì vậy đoàn tàu tiếp tục tiến về phía trước.

Vào năm 1901, Tổng thống Mỹ vẫn chưa có một cơ quan mật vụ thường trực, vì thế Thư ký Cortelyou lúc nào cũng lo lắng về sự an toàn của Tổng thống McKinley.

Mật vụ Mỹ, ban đầu chỉ là một bộ phận của Bộ Tài chính có nhiệm vụ điều tra hàng giả, đã thử nghiệm việc bảo đảm an ninh cho Tổng thống trong những năm trước chuyến đi của ông McKinley đến Buffalo, sau khi nước Mỹ chứng kiến hai vụ ám sát rúng động - Tổng thống Abraham Lincoln vào năm 1865 và James A. Garfield vào năm 1881.

Tuy nhiên, lực lượng an ninh vẫn còn lỏng lẻo và dường như thuận theo trước những ý tưởng bất chợt của Tổng thống. Sau khi vụ nổ súng vào đoàn tàu bị bỏ qua, trong chuyến thăm, Tổng thống McKinley lại có ý định gặp gỡ các thành viên cộng đồng địa phương tại một không gian mở, nơi ông tiếp đón và bắt tay họ.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 3.

Tranh vẽ vụ ám sát Tổng thống McKinley tại Buffalo, New York.

Thư ký riêng Cortelyou rất muốn ông chủ hủy bỏ sự kiện này đến mức ông tìm cách loại nó khỏi lịch trình. Tuy nhiên, nếu không có một báo cáo an ninh trình bày lý do, Cortelyou không thể ngăn Tổng thống tham dự sự kiện.

Trong chuyến thăm Buffalo, rõ ràng là Tổng thống McKinley đã được lên kế hoạch bảo đảm an ninh, nhưng hoạt động đó không được hệ thống hoá.

Các chi tiết về an ninh cho chuyến thăm của Tổng thống tới Triển lãm ở Buffalo chỉ được nêu ngắn gọn trong một văn bản phát cho các nhà tổ chức Triển lãm Liên Mỹ và các đảng viên có liên quan đến hoạt động của ông vào ngày 5/9/1901.

Văn bản nêu rõ: "Trật tự sẽ được duy trì trong tòa nhà bởi nhóm Vệ binh Chính phủ. Thủy quân lục chiến và binh sĩ chính quy được huy động. Lực lượng Bảo vệ Triển lãm gác ở bên ngoài các lối vào khác nhau. Để vượt qua các lớp bảo vệ này, một cá nhân phải đeo huy hiệu thể hiện vai trò được phép của họ”.

Tuy nhiên, các biện pháp an ninh ngắn gọn này cũng chìm nghỉm trong một danh sách nêu chi tiết về đủ thứ từ âm nhạc, nhân sự đến danh sách khách mời.

Bất chấp các biện pháp an ninh không nhất quán, Tổng thống vẫn tận hưởng một ngày làm việc thành công vào 5/9. Ông có một trong những bài phát biểu hay nhất của mình trong buổi sáng và thưởng thức màn pháo hoa ngoạn mục vào buổi tối.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 4.

Đám rước linh cữu cố Tổng thống McKinley qua đường phố quê hương ông, Canton, bang Ohio năm 1901. Ảnh: Hiệp hội Lịch sử Hạt Portage

Sang ngày 6/9, bất chấp sự phản đối liên tục của Thư ký Cortelyou, Tổng thống McKinley đã đến khu vực Âm nhạc của Triển lãm vào khoảng 4 giờ chiều, chủ trì một buổi gặp gỡ cởi mở, bắt tay các thành viên công chúng.

Một số lượng lớn nhân viên an ninh được triển khai khi sự kiện bắt đầu. Bên Mật vụ cung cấp 3 đặc vụ, phía Triển lãm cung cấp 18 lính gác, Pháo binh cung cấp 7 binh sĩ. Nhưng do an ninh cho Tổng thống vẫn chưa phải là một hệ thống có tổ chức chặt chẽ, thống nhất, nên một số sai lầm đã xảy ra vào tối hôm đó.

Tại sự kiện, một nhân viên Mật vụ đứng ở phía bên trái Tổng thống McKinley để anh ta có thể nhìn rõ cánh tay phải của công dân tiếp theo trong hàng khi họ chìa tay ra bắt tay Tổng thống. Một đại diện của nhà tổ chức Triển lãm đứng bên phải Tổng thống để giới thiệu những cá nhân quan trọng trong buổi tiếp đón.

Thông thường, không ai có ý định đến gần Tổng thống McKinley mà không để tay của họ lộ rõ ràng cho các đặc vụ kiểm tra. Tuy nhiên, ngày hôm đó trời nóng và rất nhiều người dùng khăn tay. Quy tắc để tay trần đã được bỏ qua để khách có thể cầm khăn tay lau mồ hôi trên mặt.

Trong đám đông những người xếp hàng bắt tay Tổng thống có một người đàn ông thấp, béo, da ngăm đen, đôi môi bợt như không có máu và đôi mắt đen, sắc bén.

Một kẻ như vậy đã lọt ngay vào ánh mắt của các mật vụ. Và họ bỏ qua "nhân vật chính" xếp hàng đằng sau người đàn ông khả nghi này: “một người đàn ông khá cao, trông có vẻ nam tính… người Mỹ gốc Đức... Khuôn mặt nhẵn nhụi, hơi nhọn của anh ta như không thể hiện bất kỳ mục đích thâm độc nào” – theo tờ New York Herald.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 5.

Leon Czolgosz trong ảnh chụp của cảnh sát năm 1901.

Người đàn ông này tên Leon Czolgosz, quê ở Cleveland, bang Ohio. Czolgosz là một người đàn ông vùng Trung Tây bình thường, tuy nhiên trong vài năm gần đây, gia đình bắt đầu nhận thấy anh ta có những hành vi kỳ quặc và hoang tưởng.

Trước khi xếp hàng để gặp Tổng thống McKinley, Czolgosz đã giấu một khẩu súng mới mua trong tay phải và che nó bằng một chiếc khăn tay.

Hắn đưa tay trái của mình để Tổng thống bắt. McKinley hơi sửng sốt, nhưng ông sẵn lòng nắm lấy tay trái của Czolgosz vì nghĩ rằng người đàn ông đối diện chắc hẳn bị thương ở bên tay phải. Czolgosz lập tức nắm chặt McKinley bằng tay trái và nhả đạn vào Tổng thống bằng khẩu súng bên tay phải.

Tổng thống William McKinley trải qua đau đớn kéo dài hơn một tuần khi các bác sĩ cố gắng chữa lành vết thương cho ông. Tuy nhiên, vào ngày 14/9/1901, ông trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba qua đời bởi bàn tay của một sát thủ trong vòng chưa đầy 40 năm.

Czolgosz sau đó phải lên ghế điện vì tội ác của mình. Người ta xác định rằng hắn đã hành động một mình.

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ dẫn đến ra đời lực lượng mật vụ - Ảnh 7.

Tổng thống Theodore Roosevelt tại lễ khánh thành đài tưởng niệm cố Tổng thống McKinley ở Canton, Ohio năm 1907.

Sau cái chết của McKinley, Mật vụ Mỹ chính thức trở thành lực lượng bảo vệ Tổng thống, hoạt động thống nhất, chặt chẽ. Và nhiệm vụ đầu tiên của họ là bảo vệ người kế nhiệm Theodore Roosevelt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại