Từ trước đến nay, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của Quỹ Sichuan Development Guidance đã giúp chính phủ Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu của quỹ này và các công ty tài chính được chính quyền địa phương kiểm soát là nguồn thúc đẩy quan trọng mỗi khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc gặp khó khăn.
Tuy nhiên, quỹ này đang gặp phải một vấn đề. Công ty của họ - Sichuan Development, có trụ sở ở thành phố phía tây nam tỉnh Thành Đô, đang không còn dự án nào khả thi trong tay để đầu tư. Và điều này càng khiến tình hình của nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Theo dự báo của Cục Thống kê Quốc gia, tốc độ tăng trưởng quý III của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống. Các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng chỉ đạt mức 6,1%, trong khi 6 tháng đầu năm 2019 là 6,3%. Đây là những con số thực sự gây thất vọng, bởi dự báo tăng trưởng trong cả năm nay nằm ở mức 6% đến 6,5% - mức thấp nhất trong 30 năm.
Một quan chức của Sichuan Development chia sẻ với Financial Times: "Trong số những dự án chúng tôi đang đảm nhận, không có nhiều dự án khả thi về mặt kinh tế. Chúng tôi từng có rất nhiều dự án xây dựng cầu và đường." Vị quan chức này từ chối tiết lộ danh tính, ông trả lời câu hỏi của FT khi tham dự một hội nghị cho các công cụ tài chính của địa phương tại Nam Kinh vào tuần trước. Ông và những người đồng cấp đã tham gia sự kiện để thảo luận về những thách thức họ phải đối mặt khi giúp chính phủ Trung Quốc thúc đẩy đà tăng trưởng.
Hôm thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ bơm 200 tỷ NDT (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để thúc đẩy hoạt động cho vay. Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang rất lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại và nhu cầu trong nước sụt giảm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Tại cuộc hội nghị kín này, các quan chức địa phương và các công ty tài chính mà họ kiểm soát đã phàn nàn rằng họ không còn các dự án công có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra tiền mặt như xây dựng đường thu phí giao thông và cầu. Đầu tư thay thế, chẳng hạn như nhà máy xử lý nước và đường ống nước thải, cũng chỉ mang lại khoản lợi nhuận nhỏ hay thậm chí còn khiến họ mất thêm tiền.
Điều đó khiến các quan chức cùng chính quyền địa phương không còn lựa chọn nào khác. Họ phải tiếp tục các khoản đầu tư, gây thêm sức ép cho nền kinh tế vốn đã trì trệ của Trung Quốc, hoặc bắt tay vào các dự án mạo hiểm hơn, bất chấp chiến dịch 3 năm ngăn chặn rủi ro tài chính của Bắc Kinh.
Gần đây, năm 2016, tỷ lệ sử dụng vốn, bao gồm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, chiếm hơn 40% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, theo số liệu của NBS. Tuy nhiên, sau khi ông Lưu Hạc đưa ra một chính sách kiềm chế rủi ro tài chính vào cùng năm đó, thì con số này đã giảm chỉ còn 33% vào năm 2017-2018 và 20% trong nửa đầu năm nay.
Do đó, các ngân hàng nhà nước, vốn là nguồn tài trợ lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng khu vực công, cũng cảnh giác hơn. Các khoản nợ doanh nghiệp trung cho đến dài hạn giảm 6% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, sau khi các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay.
Một nhân viên mảng cho vay tại chi nhánh tại Thành Đô của Bank of China cho hay: "Trước đây, chúng tôi cung cấp khoản vay cho bất kỳ dự án công nào được chính phủ phê duyệt. Còn bây giờ, chúng tôi không cho bên nào vay trừ khi họ đảm bảo tạo ra đủ dòng tiền mặt để thanh toán nợ."
Trong bối cảnh hoạt động tín dụng bị các ngân hàng thắt chặt, chính quyền địa phương ở những nơi thiếu tiền mặt tìm đến việc tài trợ bằng trái phiếu để gọi vốn cho các dự án công. Tăng trưởng doanh thu của chính quyền địa phương thu được từ thuế và bán đất đã giảm đáng kể trong năm nay. Doanh thu thuế giảm 0,1% và doanh số bán đất chỉ tăng 4,2% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số thấp nhất trong vòng 10 năm.
Đầu tư cơ sở nhà nước được nhà nước hỗ trợ chỉ tăng 3,2% so với năm ngoái trong 8 tháng đầu năm 2019, trong phát hành trái phiếu của chính quyền thành phố, quận và các các phương tiện tài chính của họ tăng 38% so với cùng kỳ, lên 5,1 nghìn tỷ NDT.
Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu "với mục đích đặc biệt" được cho là để tài trợ cho các dự án công tạo ra doanh thu và có lãi suất thấp hơn trái phiếu chính phủ truyền thống. Số lượng trái phiếu này được phát hành trong 8 tháng đầu năm tăng gấp đôi, lên mức 2,4 nghìn tỷ NDT. Do đó, trái phiếu trở thành một trong những nguồn trợ cấp tài chính công lớn nhất.
Bắc Kinh cũng đưa ra chính sách thay đổi trong tháng 6, nhằm nới lỏng giới hạn với việc sử dụng trái phiếu có mục đích đặc biệt. Họ cho phép số tiền thu được từ đó gọi là vốn nền, giúp các chính quyền địa phương dễ dàng thuyết phục các ngân hàng cho vay hơn.
Chen Shaoqiang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Tài chính Trung Quốc - viện nghiên cứu của Bộ Tài chính, cho hay: "Trái phiếu có mục đích đặc biệt có thể mang đến giải pháp hiệu quả để tài trợ cho các khoản đầu tư công."
Tuy nhiên, một số này phân tích nhận định rằng việc này sẽ mang đến nhiều rủi ro. Wang Pneg, đến từ Modern Consulting - công ty tư vấn cho chính quyền địa phương về hỗ trợ tài chính cơ sở hạ tầng, lo ngại rằng chính quyền địa phương đang sử dụng ngày càng nhiều công cụ nưh thế này cho các dự án khó có được doanh thu. Ông nói: "Điều này đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của trái phiếu có mục đích đặc biệt."
Các quan chức địa phương cho biết thêm, số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu vẫn còn thiết rất nhiều so với những gì họ cần để vực dậy các dự án đầu tư, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một quan chức của Taiyuan Longcheng Development Investment, một công ty tài chính có trụ sở phía bắc tỉnh Sơn Tây, cho biết số tiền thu được từ phát hành trái phiếu là rất ít. Ông nói: "Chúng tôi vẫn không được phép phát hành số lượng trái phiếu có mục đích đặc biệt như ý muốn."