Vốn, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến: Mỹ cảnh báo rủi ro

Tuấn Nguyễn |

10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lên tới hơn 29 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng 2 lần, từ Hong Kong (Trung Quốc) tăng gần 4 lần so với cùng kỳ 2018. Mỹ bày tỏ lo ngại gian lận xuất xứ, hàng hóa của nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam để xuất khẩu nhằm hưởng chênh lệch thuế.

Nhập khẩu từ Trung Quốc tỷ lệ thuận với xuất khẩu sang Mỹ

Thông tin trên được ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, diễn ra tại Hà Nội, ngày 14/11.

Theo ông Tuấn, thống kê 10 tháng qua cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh như: Dây điện tăng 252%, chất dẻo nguyên liệu tăng 147%; Máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 140%... Đặc biệt, nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Với kim ngạch tăng xuất khẩu đột biến, cơ quan hải quan xếp các hàng này vào nhóm tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ”, ông Tuấn cho hay.

Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Michael Greene đánh giá, Mỹ là đối tác của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại. Tuy nhiên, chuyển tải bất hợp pháp là mối quan ngại đối với Mỹ. Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế mở với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, 1 hiệp định đã ký và 3 hiệp định đang đàm phán. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để đội lốt, giả mạo xuất xứ xuất sang các nước đối tác FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại (Mỹ), cho biết sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng từ quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam lại tăng vọt. Đó là các mặt hàng nhựa, dụng cụ quang học,... “Tại sao hàng chuyển tải qua Việt Nam tăng? Bởi Việt Nam là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng, đã tham gia hơn 10 FTA với tất cả các nền kinh tế chính; là nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Mỹ tại châu Á; Hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm...”, ông Claudio Dordi nhấn mạnh.

Theo ông Claudio Dordi, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam nhưng từ Việt Nam xuất khẩu đi nước khác lại không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy. Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài tháo rời sản phẩm rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU.

Gian lận xuất xứ để lại những hệ lụy khó lường đối với Việt Nam. Theo ông Claudio Dordi, thực tế đó làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của Việt Nam. “Hải quan Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao, thủ tục phức tạp hơn. Do vậy, các DN làm ăn chân chính của Việt Nam sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam”, ông Claudio Dordi bình luận.

Không để Việt Nam thành nước “chuyển tải” bất hợp pháp

Dẫn chứng một loạt vụ về hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt để mượn đường xuất đi nước thứ 3 vừa được cơ quan hải quan phát hiện, ông Âu Anh Tuấn cho biết, mới đây, Cục Hải quan TPHCM bắt giữ lô hàng của công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ. DN khai báo hàng là cáp Internet nhưng qua kiểm tra thực tế là các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”. Tiếp đó là các vụ việc đang được Cục Hải quan Hải Phòng và một số tỉnh thành lớn lập chuyên án điều tra, xử lý.

Trước nguy cơ hàng hóa nước ngoài mượn đường đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn. Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể hóa Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ…”.

Theo Giám đốc USAID Michael Greene, thông qua dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, Chính phủ Mỹ đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và thực hiện các phương thức quản lý rủi ro đối với hải quan và cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành, từ đó góp phần thực hiện tốt nhất Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới mà cả Việt Nam và Mỹ đều là thành viên.

Liên quan vụ thương hiệu thời trang SEVEN.am nhập nhèm xuất xứ, ông Âu Anh Tuấn cho biết, có nhiều điểm bất thường. “Theo rà soát ban đầu của Cục Điều tra chống buôn lậu, Hải quan mới phát hiện họ chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về. Còn lại các mặt hàng như túi xách, giày dép được nhập qua một công ty đối tác khác”, ông Tuấn cho hay.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại