"Biết làm con dâu sẽ không có mẹ chồng ác"
Cơn sốt từ bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với những tình tiết éo le trong mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng sống chung dưới một mái nhà đã khiến công chúng quan tâm.
Ngay từ khi mới lên sóng, cư dân mạng đã chỉ trích bà mẹ chồng khắc nghiệt, khó tính. Nhưng càng về sau, nhiều người cho rằng nàng dâu cũng đáng bị chê trách vì không phải... dạng vừa.
Đồng thời, cũng không ít ý kiến cho rằng phim đang "tiêu cực hóa" đời sống thực bằng việc xây dựng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", thậm chí coi nhau "như kẻ thù".
Trên thực tế, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là câu chuyện bao đời nay chưa có hồi kết với không ít hiểu lầm, xích mích. Thế nhưng, nếu ai cũng biết cách đối nhân xử thế, xét lại mình, tìm nguyên nhân ở bản thân mình trước khi nóng vội trách cứ người khác, cuộc sống đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Anh chàng này đã làm thế nào để mẹ và vợ trở nên hòa thuận? (Ảnh minh họa)
Cô một câu chuyện được kể lại như thế này: "Một anh chàng thương nhân là người hiểu biết lễ nghĩa. Vợ của anh không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà tính tình cũng rất khôn ngoan, giỏi về quản lý nội trợ gia đình, nhưng lại có đôi chút ngạo mạn và ích kỷ.
Vì vậy, giữa mẹ chồng và con dâu thường hay xảy ra xô xát. Mỗi lần anh đi công tác về nhà, mẹ và vợ lại thi nhau kể ra những chỗ sai của đối phương trước mặt anh.
Mẹ chồng nói con dâu bất hiếu, trong khi con dâu lại nói mẹ chồng nhẫn tâm; cả hai bên, bên nào cũng cho rằng mình đúng. Điều này khiến cho anh rơi vào tình thế khó xử. Anh biết rõ vợ không muốn vâng lời mẹ chồng, liền suy nghĩ biện pháp để vợ nhận ra cái sai của bản thân.
Một hôm, khi vợ bắt đầu kể với chồng rằng mẹ không tốt, anh liền an ủi vợ: "Mẹ đã già nên thường hay dài dòng, anh cũng biết thế, anh đã suy nghĩ kỹ rồi, anh muốn dẫn em ra ngoài sống riêng.
Chỉ là có điều, bạn bè bên ngoài không ai biết mẹ khó phụ dưỡng, bây giờ chúng ta lại đột nhiên rời bỏ mẹ mà đi nơi khác sống, sẽ khó tránh khỏi sự chỉ trích của mọi người, cho nên anh khuyên em tạm thời nhẫn nại một, hai tháng.
Em phải chịu khổ một chút, tận tâm phụng dưỡng mẹ, để cho bạn bè người thân đều biết được rằng em rất hiếu thuận, là mẹ không tốt, rồi sau đó chúng ta sẽ chuyển ra ngoài sống. Như thế là có thể tránh được việc bị người ngoài nói này nói kia rồi."
Biết làm con dâu sẽ không có mẹ chồng ác! (Ảnh minh họa)
Cô vợ nghe xong, đồng ý với chồng, từ hôm đó đối xử với mẹ chồng rất vui vẻ hòa nhã, thuận theo ý bà. Bà thấy tính tình con dâu thay đổi, mọi việc đều như ý nên rất khuây khỏa hài lòng, cũng liền thể hiện sự thông cảm với con dâu gấp hai lần con dâu đối xử với mình.
Kết quả khiến cho những xô xát hàng ngày trước đây không còn nữa mà thay vào đó là sự hòa thuận.
Mấy ngày sau, người chồng nhận thấy vợ không còn kể lể việc mẹ chồng không tốt như trước đây nữa, anh cố tình hỏi vợ: "Gần đây mẹ đối xử với em như thế nào?"
Cô vợ nói: "Tốt hơn một chút so với trước đây rồi".
Anh lại nói với vợ: "Em nên phụng dưỡng mẹ tốt hơn nữa, hiếu đạo hơn nữa để cho tất cả mọi người biết, như thế anh mới có thể dẫn em ra ngoài sống được."
Một tháng sau, người vợ bất ngờ nói với chồng: "Bây giờ mẹ đối đãi với em rất tốt, em không muốn rời khỏi nhà đi chỗ khác ở nữa, em tình nguyện ở lại phụng dưỡng mẹ, làm một người con hiếu đạo."
"Chúng tôi sống hòa thuận với nhau bởi chúng tôi thường hay...mắc sai lầm"
Trong câu chuyện trên, cô con dâu ghét mẹ chồng ra mặt bởi những lí do là bà hay dài dòng, khó tính. Nhưng phải chăng, bởi không mở lòng chiếu cố mối quan hệ với người già, trong tâm chỉ biết người khác không đúng, không chút nào nghĩ đến chỗ sai của mình và thừa nhận nên cô mới bất hòa với mẹ chồng đến vậy.
Thật may người chồng đã sớm nhận ra điều đó và khéo kéo đưa ra cách giải quyết vô cùng tinh tế, hiệu quả.
Câu chuyện trên gợi liên tưởng đến chuyện một gia đình nọ luôn hòa thuận, yên ấm bởi một điều nghe qua tưởng chừng vô lý: "Chúng tôi sống hòa thuận với nhau bởi chúng tôi thường hay...mắc sai lầm":
"Có 2 gia đình cùng sống trong 1 ngôi làng, nhưng cách sống của họ khác nhau hoàn toàn. Một nhà hay cãi cọ với nhau và sống trong nghèo khổ. Trong khi đó gia đình thứ 2 thì luôn hòa thuận và mọi người trong nhà ai cũng có khuôn mặt tươi cười.
Một ngày nọ, thấy ngán ngẩm với việc cãi cọ trong nhà, người bố sang tìm gặp ông hàng xóm có gia đình hạnh phúc, hỏi: "Làm thế nào mà gia đình anh mọi người luôn sống hài hòa với nhau vậy?"
Câu trả lời khiến ai cũng ngạc nhiên, bối rối: "Bởi vì chúng tôi thường hay mắc sai lầm".
Ngay sau đó, cô con dâu sống trong ngôi nhà hòa thuận đi đến và bị ngã trên sàn bếp. Mẹ chồng đang lau sàn nhà lúc đó, đã chạy tới và đỡ cô con dâu đứng dậy. "Là lỗi tại mẹ" bà nói. "Mẹ đã dùng hơi nhiều nước và sàn nhà đang rất ẩm ướt".
Anh con trai cũng chạy tới với vẻ mặt hối lỗi: "Tất cả là tại anh. Anh đã quên nói với em là mẹ đang lau nhà". Cô con dâu đứng dậy và tự trách mình: "Không phải đâu ạ, là lỗi của con. Con đã không cẩn thận". Chứng kiến cảnh này, ai nấy đều vỡ lẽ về ý nghĩa câu trả lời ban đầu của họ"
Khi chung sống với nhau, chúng ta chớ nên dòm ngó lỗi người, mà hãy nhìn lại hành động của mình để thay đổi theo chiều hướng tích cực (Ảnh minh họa)
Quả thật, chân lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.
Khi chung sống với nhau, chúng ta chớ nên dòm ngó lỗi người, mà hãy nhìn lại hành động của mình, xem đã làm được điều gì tốt đẹp hay chưa.
Con người ta có xu hướng tìm tòi, nhòm ngó lỗi người, để phê bình khen chê, đúng sai, được mất. Ít có mấy ai nhìn lại lỗi mình để tìm cách khắc phục và sửa đổi.
Thế nhưng, thái độ phê bình chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ nhất, hãy chỉ nên tập trung nhìn vào lỗi của mình, để sửa đổi cho tốt. Nếu có ai chỉ lỗi cho mình thì mình nên chân thành cám ơn họ, vì họ đã giúp ta sống tốt hơn.
Chúng ta khổ đau hay hạnh phúc, là từ nơi tâm thức mình. Người biết nhìn lại lỗi mình là người có hiểu biết chân chính, là người biết thương yêu và tha thứ chính mình. Người sống được như vậy là người không làm khổ mình, và không làm hại người khác.