Vỡ mộng các “siêu” dự án vận tải công cộng

Anh Trọng |

Với tuần suất vận chuyển khối lớn, khi các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) và buýt nhanh BRT được triển khai, Hà Nội kỳ vọng sẽ là "cú hích" cho phát triển vận tải công cộng (VTCC). Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công mãi không xong, các dự án trên đang trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông Thủ đô.

Tàu điện đã 8 lần lỡ hẹn

Trong chương trình mục tiêu phát triển GTVT Thủ đô giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, thành phố triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc, TNGT.

Cụ thể, trong giai đoạn này, thành phố quyết tâm đầu tư phát triển mạnh các công trình hạ tầng, trong đó có hoàn thành 2 tuyến ĐSĐT gồm Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2B) trong năm 2015, Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) trong năm 2016 và buýt nhanh - BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa trong năm 2015…

"Việc hoàn thành các dự án này sẽ tăng khả năng vận chuyển của VTCC, giúp thành phố từng bước hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc", lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định.

Theo đó, với sức chở từ 900 đến 1.300 hành khách/lượt, sau khi đưa vào sử dụng, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nòng cốt cho VTCC Thủ đô.

Tháng 10/2011, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT (chủ đầu tư) đã khởi công dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: "Khi đi vào hoạt động đầu năm 2015, cùng với xe buýt nhanh, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại bằng VTCC của nhân dân và giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Thủ đô".

Tuy nhiên, năm 2016 đã qua được 9 tháng, công trường tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang và mịt mù ngày về đích.

Theo tiến độ sau 8 lần điều chỉnh, Bộ GTVT thông báo cuối tuần qua, dự án sẽ hoàn hoàn thành vào tháng 9 năm 2017.

Cùng với 8 lần điều chỉnh tiến độ, đến nay dự án cũng đội giá thêm 339 triệu USD (tăng 62% tương đương 7.144 tỷ đồng) so với tổng mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD (tương đương 8.700 tỷ đồng).

Với dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành vào năm nay sau 6 năm khởi công, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, hiện dự án chưa thi công xong hạng mục đổ trụ xà mũ (trụ đường ray) và các nhà ga.

Với tiến độ rùa bò này, việc xác định ngày nào đưa dự án vào sử dụng, với người lạc quan nhất cũng chưa dám nghĩ tới.

Tương tự, với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tháng 3/2013 tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên, lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa được thành phố Hà Nội khởi công.

Nhưng đến nay, nhiều hạng mục của dự án như mặt đường, nhà chờ… xây rồi để đó.

Thủ phạm gây ùn tắc, bóp nghẹt VTCC

Vỡ tiến độ, đội giá, và một thực tế trái ngược đang diễn ra với các dự án ĐSĐT và buýt BRT tại Thủ đô, là thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng để giúp VTCC tăng trưởng, chống ùn tắc, TNGT, tuy nhiên chính các dự án này đang đi ngược lại chủ trương trên.

Đơn cử, do thi công chậm, không đảm bảo an toàn, do vậy công trường các dự án trên đang trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông Hà Nội.

Ngoài gây ra 6 vụ tai nạn, làm 2 người chết, 5 người bị thương, thời gian qua các dự án trên còn là nguyên nhân gây tê liệt giao thông, xe buýt bị cắt giảm lượt chuyến trên nhiều tuyến đường.

Thực tế trên trục QL32, đoạn từ Cầu Giấy đến Nhổn những ngày qua, lòng đường đang bị các công trường thi công tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội chiếm dụng khoảng 2/3, ùn tắc xảy ra liên miên.

Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, thực trạng hàng rào chiếm dụng lòng đường gây khó khăn cho giao thông đã diễn ra hơn 2 năm nay, đến nay mọi việc vẫn chưa có gì chuyển biến.

Để tháo gỡ tình trạng ùn tắc trên, thay vì giám sát, quản lý chặt và yêu cầu các nhà thầu phải có giải pháp đảm bảo thi công, tháng 11/2015, Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định rất khó hiểu khi cắt giảm gần 50 lượt chuyến xe buýt đang hoạt động trên hai trục giao thông lớn trên.

Quyết định này đã làm cho nhiều đối tượng hành khách là học sinh, sinh viên, giáo viên thường xuyên đi lại bằng xe buýt, nay trở lại với xe máy, xe đạp điện.

Lý giải về quyết định này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Sau Tết Nguyên đán Bính Thân (tháng 2/2016), hàng rào nhiều đoạn công trường được dỡ bỏ, Sở GTVT sẽ khôi phục lại hoạt động của các tuyến buýt.

Tuy nhiên, ghi nhận giao thông trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú và Cầu Giấy - Xuân Thủy trong sáng 3/10, chỉ có đường Nguyễn Trãi - Trần Phú đã khôi phục gần hết lượt tuyến buýt bị cắt giảm, còn tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy, 46% lượt tuyến xe buýt bị cắt giảm tại đây vẫn chưa được khôi phục lại. Trong khi đó ùn tắc, đặc biệt là tại các cổng trường giờ cao điểm vẫn xảy ra do lượng xe máy, xe đạp điện ra vào nhiều.

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường có công trường ĐSĐT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, trong tổng số 44 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố vào đầu năm nay, có tới 17 điểm (chiếm 38%) ùn tắc do các công trình thi công trên đường. Riêng dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông gây ra 8 điểm…

Về hướng xử lý các điểm này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đang phối hợp chủ đầu tư hai dự án trên để giải quyết, riêng với dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, Sở đã yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) dỡ bỏ hàng rào ở những đoạn đã thi công xong trụ xà mũ, mở rộng lòng đường.

Với các lượt chuyến xe buýt bị cắt giảm, trong tháng 10/2016 Sở GTVT sẽ khôi phục trở lại.

Thông tin về dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông bị chậm, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là lần đầu tiên Tổng thầu EPC được triển khai cho một dự án trọng điểm ở Việt Nam.

Năng lực và tính chuyên nghiệp của Tổng thầu EPC Trung Quốc yếu kém nên thời gian qua đã để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, tiến độ thi công cũng không đảm bảo.

Dự án thực hiện dựa hoàn toàn vào công nghệ của Trung Quốc. Do vậy từ phương án thi công đến mua sắm thiết bị đều phải phụ thuộc vào Tổng thầu và Tư vấn giám sát phía Trung Quốc.

"Hiện Bộ GTVT đang đàm phán mua gói thiết bị khoảng 200 triệu USD, nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho dự án.

Cùng với đó, Bộ GTVT mời Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá nên cần có thời gian để thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm thêm gần 1 năm nữa", ông Trường nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường có công trường ĐSĐT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, trong tổng số 44 điểm tắc trên địa bàn thành phố vào đầu năm nay, có tới 17 điểm (chiếm 38%) ùn tắc do các công trình thi công trên đường. Riêng dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông gây ra 8 điểm…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại