Nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long có thể gia tăng
Chiều 25/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào).
Theo lãnh đạo Ban, mưa lớn dài ngày do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào.
Sự cố vỡ xảy ra khoảng 20h ngày 23/7, tại một đập phụ tại hồ thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoạn tích nước.
Quang cảnh buổi họp.
Theo thông tin ban đầu, đập thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy bị vỡ gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực hạ lưu, khiến một số người chết và mất tích, hàng nghìn người hiện đang không có nhà để ở.
Ngày 24/7, Chính phủ Lào ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Theo báo cáo số 1 của trung tâm hỗ trợ nhân đạo Asean (AHA), mưa lũ đã khiến 41 huyện, 349 ngôi làng, 3452 gia đình bị ảnh hưởng, hơn 200 ngôi nhà bị phá huỷ và phá huỷ hoàn toàn, nhiều hạ tầng giao thông bị hỏng.
Tại tỉnh Attapeu, hệ thống nước sạch bị cắt, cách duy nhất để di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng là bằng thuyền. Chính phủ Lào tích cực huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả và hàng nghìn người được sơ tán đến nơi an toàn.
Về ảnh hưởng đối với Việt Nam, theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, ảnh hưởng của vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy sẽ khiến nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long gia tăng vào cuối tuần này.
Dự báo của Viện cho thấy, mực nước tại Tân Châu (An Giang) có thể gia tăng 7-10cm vào cuối tuần (27-28/7) so với điều kiện tự nhiên và không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng.
Người dân Lào sơ tán (Hình ảnh của hãng thông tấn Lào)
Mực nước lũ trên đồng bằng gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3.2m tại Tân Châu.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Ban, đây là các thông tin hết sức sơ bộ, do thời gian thu thập và xử lý dữ liệu còn rất hạn chế. Vì vậy cần tiếp túc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam.
Bài học lớn cho Việt Nam
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai cho biết, sau sự cố vỡ đập ở Lào cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đơn vị sẵn sàng cử 22 cán bộ được đào tạo bài bản về ứng phó thiên tai sang hỗ trợ nước bạn Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ trong trường hợp có người bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuỷ lợi cho hay, Bộ rất quan tâm đến vấn đề an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du. Từ 2003 đến nay, Chính phủ đã đầu tư sửa chữa 230 hồ chứa lớn.
Tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao lại đến từ hồ chứa nhỏ, đây là vấn đề lớn.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, ông Tỉnh cho rằng đây là bài học lớn trong công tác chuẩn bị chủ động ứng phó an toàn đập cho hệ thống hồ chứa tại Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
"Vài ngày tới, Bộ sẽ cử đoàn sang Lào để hỗ trợ khắc phục sự cố đồng thời tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm, làm bài học cho chúng ta trong việc xây dựng, vận hành khai thác, đảm bảo an toàn các hồ chứa cả thủy điện và thuỷ lợi", ông Tỉnh nói.
Đại tá Lê Hồng Quang.
Đại tá Lê Hồng Quang, Phó phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 5 cử lực lượng sang giúp đỡ nước bạn.
"Ngoài ra, Việt Nam đã đưa một số trang thiết bị sang hỗ trợ trong việc cứu hộ, cứu nạn của Lào và sau đó sẽ tặng lại các trang thiết bị này cho nước bạn", Đại tá Quang nói.
Theo Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai, đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong, gồm hai đập chính:
Đập Xe-Pian cao 48m, dài 1307m, lưu vực 217km2, dung tích hồ chứa 28.27 triệu m3; Đập Xe-Namnoy cao 73.7m, dài 1600m, lưu vực 522km2, dung tích hồ chứa 1043 triệu m3.
Công trình được khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2019.
Công trình được xây dựng, vận hành bởi Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC - The Xe-Pian Xe-Namnoy Power Co., Ltd), đây là công ty liên doanh giữa 4 đơn vị bao gồm Công ty Xây dựng SK (Hàn Quốc); Công ty Điện phương tây Hàn Quốc; Công ty Sản xuất điện Thái Lan Ratchaburi; Công ty Cổ phần nhà nước Lào.