Ngày 25/7, liên quan đến thông tin việc vỡ đập thủy điện ở Lào vào khuya 23/7 có thể ảnh hưởng đến ĐBSCL, cơ quan chức năng tại một số địa phương đầu nguồn lũ cho biết, khả năng ảnh hưởng là không lớn.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, trước mắt tại địa phương vẫn chưa ghi nhận ảnh hưởng gì, mực nước chưa có sự biến động.
“Theo thông tin tôi nắm được trên đó chưa có tích nước, theo đó lượng nước mới tích được chỉ khoảng 500 triệu m3.
Trong khi đó, khoảng cách từ biên giới các tỉnh ĐBSCL với khu vực vỡ đập rất xa, do đó cũng không có ảnh hưởng gì”, ông Công cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, nơi đây cũng không bất ngờ vì đã có kế hoạch từ trước.
Theo ông Thư, do địa phương nằm ở khu vực đầu nguồn lũ ở ĐBSCL nên từ sớm, tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn.
Kế hoạch này lại trùng với trường hợp với vỡ đập thuỷ điện nên cũng không có gì bất ngờ và lo lắng.
Ông Thư cho biết thêm, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương sẽ không nhiều.
Tuy nhiên, trước sự cố xảy ra, Sở NN&PTNN tỉnh đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.
Hiện nay, tại An Giang, một số khu vực trồng lúa 3 vụ đều đã có cống đập. Riêng huyện Châu Phú có hơn 7.500ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi mưa gió và triều cường tác động gây thiệt hại từ 30%-70%.