Khi con người đến một độ tuổi nhất định, họ luôn nghĩ đến việc “lá rụng về vườn”, về với cội nguồn để nghỉ hưu. Cặp vợ chồng Trung Quốc Trần Quý Dương 67 tuổi và vợ Lý Lan cũng mong muốn trở về quê ở tỉnh Quý Châu sau 20 năm sống ở Bắc Kinh, con cái đã kết hôn, ổn định cuộc sống.
Dù sống nhiều năm ở thành phố, họ luôn cảm thấy mình rất khác những người hàng xóm xung quanh, cùng một tòa nhà nhưng khi gặp mặt lại không có lý do gì để chào hỏi. Ở nông thôn thì khác, hàng xóm láng giềng ai gặp cũng có chuyện làm quà, vui vẻ như người một nhà, chưa kể không khí trong lành hơn sẽ tốt cho sức khỏe. Lương hưu của 2 vợ chồng ông Trần cũng ở mức khá, hơn 18.000 NDT/tháng (hơn 61 triệu đồng) vì cả 2 từng làm lên tới cấp quản lý tại cơ quan.
Trần Quý Dương và Lý Lan bàn bạc và quyết định rời thành phố nhưng sau đó 1 năm, cả 2 đều rất hối hận. Chuyện gì đã xảy ra với vợ chồng họ Trần?
Cuộc sống thôn quê không như mơ
Sau nhiều năm xa quê, hàng xóm trong thôn đã không còn nhớ rõ vợ chồng Trần Quý Dương nhưng vẫn tiếp đón niềm nở bằng một ấm trà. Tuy vậy, điều họ không ngờ tới là căn nhà cũ của bố mẹ không còn. Ngôi nhà tuổi thơ đã bỏ trống sau khi bố mẹ Trần Quý Dương mất, gia đình anh trai đã phá nhà cũ đi xây mới lại, đồ đạc bố mẹ từng sử dụng cũng bị vứt hết đi.
Anh trai sửa nhà không bàn bạc, dấu vết tuổi thơ không còn, lòng người đàn ông họ Trần bỗng chốc nguội lạnh, nhất thời cảm thấy không thể chấp nhận. Tuy vậy, ông vẫn dọn vào ngôi nhà mới này, cùng vợ đi mua một số nhu yếu phẩm để bắt đầu cuộc sống hưu trí họ đã mong đợi từ lâu.
Ảnh minh họa
Nhà Trần Quý Dương có mảnh đất trước khi ông lên Bắc Kinh bố mẹ có cho hàng xóm mượn để trồng trọt, nay ông muốn cùng vợ tự tay trồng rau và trái cây để tự làm tự ăn nên có ý định lấy lại. Người hàng xóm vô cùng tức giận, nói họ nên trả phí công khai hoang và sử dụng nhiều năm giúp đất màu mỡ. Trần Quý Dương vô cùng kinh ngạc, liền mời cán bộ xuống đối chiếu giấy tờ, kết quả ông thành công lấy lại đất để trồng rau.
Chuyện đã qua nhưng người hàng xóm trên lại đi nói xấu, “đổ thêm dầu vào lửa” khiến vợ chồng ông Trần bị nhiều người trong làng xa lánh, không nhiệt tình như lúc đầu nữa. Lý Lan trồng bắp cải và cà rốt, đến vụ thu hoạch, người hàng xóm sang đòi lấy một nửa, vợ chồng Lý Lan cũng “lùi một bước” vì nể công họ mấy năm giúp đỡ chăm bón đất.
Thế nhưng rắc rối không dừng lại ở đó, vợ chồng anh trai Trần Quý Dương thấy em trai sau nhiều năm ở thành phố nên đinh ninh chắc chắn họ rất giàu có, liền sang nhà ông tự tiện lấy đồ về dùng, gọi đồ ăn mở tiệc cũng để Lý Lan trả tiền.
Người trong làng biết Trần Quý Dương từng là bác sĩ, mỗi khi cảm thấy hơi khó chịu là lại chạy đến nhà ông “khám bệnh”, bệnh nặng bệnh nhẹ đều tìm đến nhà ông Trần, đang mang thai muốn có con trai cũng hỏi ông cách khiến Trần Quý Dương vô cùng đau đầu.
Ảnh minh họa
Chưa kể cuộc sống ở nông thôn cũng có nhiều điểm bất tiện, muốn đi mua đồ phải lên thị trấn, đường đi vừa xa vừa gập ghềnh. Vợ chồng ông Trần liền mua một chiếc xe hơi cũ để di chuyển thuận tiện hơn, người làng thấy vậy tò mò hỏi mượn. Trần Quý Dương miễn cưỡng cho mượn nhưng khi họ trả lại, xe đầy bụi than và tàn thuốc. Dù người làng cũng biết ý cảm ơn ông Trần bằng ít quà như trứng, sữa nhưng Lý Lan không thể ngửi được mùi thuốc lá trên xe mỗi lần cho mượn.
“Thà ở thành phố trông cháu còn hơn về quê dưỡng già”
Vợ chồng Lý Lan cảm thấy cuộc sống thôn quê cũng có một vài điểm họ hài lòng như không gian sống trong lành, trời xanh mây trắng hoa cải nở 2 bên đường, ban đêm ngẩng đầu lên là thấy bầu trời đầy sao. Người làng tính tình phóng khoáng, giúp đỡ vợ chồng họ Trần sửa sang nhà cũng không lấy tiền công, nhiệt tình đẩy xe hộ nếu xe họ bị kẹt bùn do mưa.
Ảnh minh họa
Thế nhưng do sự khác biệt trong lối sống khiến nhà họ Trần cảm thấy mình không thể ở lại quê hương lâu hơn nữa. Khi làng cần xây đường kêu gọi người dân đóng góp, mọi người chỉ rút ví vài chục hoặc vài trăm NDT là được nhưng khi vợ chồng Trần Quý Dương đóng 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng), người chị dâu lại tỏ ý không hài lòng, cho rằng với “sự giàu có của họ cần biết góp nhiều hơn”.
Đỉnh điểm là khi chị dâu đề nghị nhà Lý Lan chu cấp cho cháu trai với lý do vợ chồng bác sĩ Trần chỉ có 1 con đã trưởng thành còn nhà chị dâu khó khăn hơn, vay nợ nhiều lại có 2 con. Lý Lan không chấp nhận nên gia đình anh trai liền cắt đứt liên lạc.
Sau đó khi vợ chồng Lý Lan đi mua sắm trên thị trấn, về nhà thấy cửa kính bị đập vỡ, ổ khóa bị cạy mở, tất cả đồ đạc trong nhà đều biến mất kể cả nồi cơm điện. Thấy vậy, Trần Quý Dương cùng vợ thu dọn hành lý trong đêm, ngay lập tức trở lại Bắc Kinh.
Ảnh minh họa
Trong suy nghĩ của họ, Quý Châu vẫn là quê hương, lòng tốt của những người hàng xóm vẫn là điều họ trân quý. Đáng tiếc mỗi người đều có trải nghiệm khác nhau, trưởng thành trong những môi trường khác nhau. Một năm sống ở nông thôn đã giúp vợ chồng họ Trần nhận ra họ nên tạo ra cuộc sống họ muốn, thay vì trông chờ sự thay đổi từ bên ngoài.
Trần Quý Dương và Lý Lan quay về thành phố, cố gắng kết bạn với những người hàng xóm đã nghỉ hưu, thi thoảng đi chơi cờ với đồng nghiệp cũ, tham gia hội nhóm người cao tuổi. Có người hỏi bác sĩ Trần trải nghiệm về quê dưỡng già, Trần Quý Dương thẳng thắn nói: “Tôi thà ở thành phố trông cháu cho con trai còn hơn”.