Chiều 20/12, VinIF công bố các chương trình tài trợ năm 2024. Với sự đồng hành của Hội đồng chuyên gia, Quỹ xét chọn tài trợ 07 dự án khoa học công nghệ, 07 dự án và sự kiện văn hoá, lịch sử.
Nhiều dự án công nghệ cao được tài trợ lần này như Dự án phát triển thiết bị tự hành dưới nước AUV sử dụng công nghệ SONAR cho quan trắc ngầm và đo đạc các tham số môi trường biển của Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Dự án Thiết kế chip AI dựa trên cấu trúc mạng Spiking Neural Network và vi xử lý RISC-V đa lõi kết hợp mạng trên chip của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều sự kiện lịch sử sẽ được VinIF tài trợ thời gian tới như Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản Khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chương trình "Chuyển đổi số tại Bảo tàng Không gian Văn Hóa Mường" của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng tài trợ 200 học bổng thạc sỹ, tiến sỹ, 60 học bổng sau tiến sĩ, 38 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng.
Như vậy sau 6 năm đồng hành cùng cộng đồng khoa học Việt Nam, VinIF đã và đang trợ lực cho hơn 3500 nhà khoa học, cấp kinh phí cho 124 dự án, tạo ra hơn 80 sáng chế trong nước và quốc tế. Nhờ đó, 11 dự án đã được thương mại hoá sản phẩm công nghệ, 17 dự án thành lập được các start-up có doanh thu triệu USD.
Về đào tạo, tính đến hết năm 2024, VinIF đã tài trợ 748 học bổng thạc sỹ, 787 học bổng tiến sỹ và 240 học bổng sau tiến sỹ. Những nhà khoa học này đã tạo ra 1.500 công trình công bố trên các tạp chí và hội thảo uy tín quốc tế.
Trong số các nhà khoa học nhận tài trợ từ VinIF, nhiều gương mặt xuất sắc đã được ghi nhận ở tầm quốc gia, quốc tế. Trong số 30 ứng cử viên giành giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng trong ba năm qua có 10 ứng viên nhận tài trợ của VinIF.
Hàng chục ứng viên xuất sắc khác cũng được vinh danh là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Việt Nam, có tên trong danh sách Forbes under 20, Top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới.
Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của VinIF, trong 5 năm qua, các chương trình tài trợ của Quỹ nhằm hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà khoa học trẻ năng lực, sáng tạo, chính trực, có trách nhiệm với xã hội và đam mê nghiên cứu.
Để hạn chế tình trạng 'chảy máu' chất xám, Quỹ mở ra Chương trình học bổng sau tiến sĩ để các nhà khoa học chuyên nghiệp người Việt trong và ngoài nước có thể tập trung với những công trình chất lượng cao trong các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu cả nước.
Để tập trung nguồn lực cho R&D, VinIF tài trợ cho các dự án KHCN, quy tụ những chuyên gia và đề tài xuất sắc, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.
Để kết nối, học hỏi, tiếp thu nhanh nhất các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trên thế giới, ngoài các dự án được tài trợ có sự góp sức của các nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu quốc tế, VinIF còn đẩy mạnh hoạt động tài trợ các hội thảo khoa học quốc tế, các bài giảng đại chúng do nhiều giáo sư hàng đầu thuyết giảng.
Song song với tài trợ dự án và học bổng, VinIF cũng khởi động Chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử vào năm 2021 nhằm bảo tồn giá trị văn hóa Việt và hỗ trợ các nhà văn hóa thực hiện các dự án ấp ủ của mình.
GS Vũ Hà Văn cho biết, VinIF có một niềm tin vững chắc vào các nhà khoa học và nhà nghiên cứu của Việt Nam, với trí tuệ, lòng quyết tâm và tinh thần yêu nước, hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm, ứng dụng mũi nhọn, các công nghệ “lõi”, và kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của Việt Nam ra thế giới, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, các tài trợ của Quỹ VinIF đã tạo ra những kết quả KHCN rất tích cực, nhiều kết quả rất xuất sắc, góp phần vào nỗ lực chung của đất nước trong thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng, VinIF sẽ là điểm sáng, là động lực để các tập đoàn, doanh nghiệp khác chung tay hình thành các Quỹ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của đất nước.