Vingroup vừa ký kết với gần 250 DN (doanh nghiệp) về việc hợp tác về phân phối hàng hóa vào hệ thống siêu thị của tập đoàn.
Theo đó, Tập đoàn của Phạm Nhật Vượng sẽ hỗ trợ về công nghệ, quản trị, marketing, tiêu thụ hàng hóa và vốn. Đặc biệt, với thực phẩm tươi sống, Vingroup sẽ hỗ trợ "bán hộ" không lấy lãi, các DN được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.
Với chính sách mới của Vingroup, nhiều nghi ngại về tính khả thi mà tập đoàn này đã đặt ra. Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ giải đáp thắc mắc này:
- Mới đây, tập đoàn Vingroup ký kết hợp tác phân phối với gần 250 DN nội địa đưa hàng hóa vào siêu thị, đặc biệt hỗ trợ 100% cho DN thực phẩm tươi sống. Theo bà, động thái này của Vingroup là gì?
- Thời gian gần đây, hệ thống bán lẻ Việt Nam luôn biến động. Một số hệ thống bán lẻ quan trọng, siêu thị đã về tay người nước ngoài.
Nhiều đơn vị chuyên nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ ở Việt Nam trong thời gian tới. Việc này đòi hỏi cần phải có một hệ thống bán lẻ của người Việt, ưu tiên cho hàng Việt.
Tôi cho rằng, chính sách mới của Vingroup là nỗ lực lớn của tập đoàn, nhằm đáp ứng mục tiêu trên. Bên cạnh đó, độ phủ của Vinmart, Vinmart+ đi kèm với sức hút và khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt hơn cũng chính là mong muốn của DN.
Về phía doanh nghiệp, việc giảm chiết khấu về 0% là một tin vui song cái họ quan tâm hơn cả là khả năng thu hút khách hàng, tiêu thụ sản phẩm qua kênh của Vingroup.
Hiện nay, hệ thống Vinmart cũng khá rộng và bán được hàng. Tuy nhiên, mới tham gia vào bán lẻ nên chính sách này cũng là một thách thức, đòi hỏi tập đoàn phải nỗ lực rất nhiều.
- Điều đặc biệt là thời gian Vingroup “bao cấp” cho thực phẩm tươi sống kéo dài tới 1 năm, liệu có khả thi không thưa bà?
- Tôi cho rằng, Vingroup hoàn toàn khả thi nếu như nhà phân phối có chủ trương đúng đắn.
Song có thể nói, việc giúp đỡ cho các nhà cung ứng của Vingroup không chỉ đơn thuần cung cấp hệ thống để đưa hàng của DN nội vào siêu thị, mà còn tham vọng nâng cao chất lượng hệ thống này. Việc kéo dài đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía tập đoàn.
Cứ thử hình dung, nếu như giữ nguyên trạng như hiện nay thì Vingroup khó có thể dẫn đầu thị trường về tiêu thụ sản phẩm, bởi vẫn còn những ngành hàng, điểm chưa tốt. Nhưng nếu liên kết lại, việc đứng đầu thị trường không khó.
Được biết, gần đây, Vingroup cũng đang tập trung tăng số lượng và chất lượng của Vinmart.
Với sự nỗ lực của Vingroup – một tập đoàn lớn ở Việt Nam cùng với sự đồng lòng của các nhà phân phối thì thời gian một năm theo tôi vẫn khả thi.
"Thách thức của Vingroup trước mắt là rất lớn song cần có một đường lối đúng đắn để liên kết các DN nội địa", bà Hạnh cho hay.
- Ngoài khẳng định “bao cấp” thực phẩm tươi sống, Vingroup còn khẳng định sẽ hỗ trợ công nghệ, marketing, quản trị, thậm chí là vốn cho các DN nội địa có nhu cầu. Vingroup có quá tham vọng?
- Nếu suy nghĩ và đồng hành cùng doanh nghiệp một cách căn cơ (chứ không phải chỉ thu gom hàng về bán cho phong phú), thì chắc chắn Vingroup phải đồng hành và hỗ trợ DN để nâng cao thực lực.
Và chỉ khi làm được điều này thì Vingroup mới đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng hàng hóa vào hệ thống của họ. Nếu thực hiện được điều này, Vingroup sẽ cho thấy tập đoàn thực tâm với doanh nghiệp.
Qua chính sách hỗ trợ lần này, có thể đánh giá Vingroup thực lòng muốn cùng doanh nghiệp chứ không phải đi kiếm hàng về để làm phong phú hệ thống phân phối của mình.
Dù là đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh song họ cũng phải nỗ lực rất nhiều.Tôi rất hy vọng và mong muốn đây là cuộc ký kết lịch sử trong ngành bán lẻ mang lại hiệu quả.
- Câu chuyện liên kết các DN nội địa đã diễn ra nhiều năm nay song dường như chưa thực sự hiệu quả. Theo bà, nguyên nhân do đâu và Vingroup liệu có bước vào vết xe đổ của các đơn vị trước đó?
- Xét DN trên hai yếu tố mạnh và yếu thì có thể nói, sự liên kết là mặt yếu nhất của DN Việt Nam. Trong khi đó, sản xuất và phân phối là mối liên kết hợp lý và cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta không nền bàn kỹ về nguyên nhân của nó.
Nhiều DN nói họ khó khăn về việc tiêu thụ hàng hóa trong khi Vingroup là nhà phân phối chuyên nghiệp nên có thể hỗ trợ qua lại.
Tuy nhiên, để Vingroup có nguồn hàng hóa lâu dài với chất lượng ổn định để phân phối trong hệ thống thì DN phải đủ mạnh, hàng hóa phải đủ sức chinh phục người tiêu dùng.
Vingroup không thể mạnh bằng cách đứng ở cửa thuyết phục người tiêu dùng vào mua đi, mà phải từ thực chất là chất lượng của hàng hóa.
- Thực tế chứng minh, nhiều cuộc hợp tác với quy mô lớn đã được thực hiện nhưng đầu voi đuôi chuột. Vậy theo bà, đâu là khó khăn lớn nhất của lần ký kết này?
- Khi anh Vượng đặt vấn đề về lần ký kết này, nhiều DN cũng cười cười và nói rằng, họ đã ký với nhiều người lắm nên hiện giờ vẫn ký song đang nghe ngóng và chờ đợi.
Thừa nhận rằng cũng có nhiều đơn vị còn nghi ngại, song giờ cũng hơi muộn để suy xét nên hay không nên. Thay vào đó, chúng ta nên vun đắp cho mối quan hệ này bằng cách kết nối và quảng bá cho thành công.
Khó khăn lớn hiện nay là DN của mình chưa quen cách làm việc của siêu thị và siêu thị cũng ở trong tình trạng là cung thì ít, nhưng cả ngàn DN bu lại tham gia. Do đó, não trạng của hai bên khác nhau.
Vì thế, cần phải có tổ chức hội đoàn và người làm xúc tiến, người làm truyền thông… để cùng hiểu, giới hạn bất cập để khi gặp khó khăn thì cùng nhau xốc vào tháo gỡ.
Đây là quá trình không diễn ra một lần mà nhiều lần và đòi hỏi các bên cùng hợp lực.