Hãy trả lại “tên” cho Sea Games

Đức Phan |

(Soha.vn) - Từ lâu đấu trường Sea Games đã bị coi là một ngày hội làng của vùng trũng Đông Nam Á, với cách tổ chức chẳng giống ai.

Nhưng khi mà Lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam công khai chuyện các nước đòi “nhường” huy chương, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc lại mục tiêu tại sân chơi này.

Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, nước chủ nhà Myanmar yêu cầu Việt Nam phải nhường 7 HCV ở bộ môn Vovinam. Ngoài ra Singapore , Lào hay Campuchia cũng đưa ra yêu sách cần có HCV ở môn này. Điều đó khiến cho Việt Nam khó có cơ hội đứng đầu ở môn võ truyền thống của người Việt. Cũng theo ông Giang, nhường HCV là điều hết sức bình thường ở đấu trường Sea Games, đặc biệt ở các môn không phải phổ biến. Thậm chí, điều đó còn là điều cần thiết để quảng bá những môn thể thao như Vovinam.

 	Nhường huy chương để Vovinam được phổ biến, liệu đó có phải là giải pháp tốt?

Nhường huy chương để Vovinam được phổ biến, liệu đó có phải là giải pháp tốt?

Sự lí giải của ông Giang kể ra cũng không phải không có lí. Nhưng nó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần thể thao. Ở đó yếu tố tiên quyết luôn được đặt lên hàng đầu là sự trung thực. Việc chấp nhận lùi vài bước, để có thể đưa Vovinam đến Sea Games rõ ràng là hành động đi đêm, kiểu con buôn, chẳng có bất cứ sự trung thực nào trong thi đấu thể thao ở đây cả.

Hữu xạ tự nhiên hương. Nếu Vovinam của Việt Nam phát triển một cách đủ mạnh, tạo ra một phong trào quốc tế, thì chẳng cần đến việc thỏa hiệp, nó cũng sẽ được đưa vào các giải đấu lớn. Chắc chắn người Nhật hay người Hàn chẳng hề phải nhường ai trong việc quốc tế hóa các môn võ truyền thống của dân tộc họ như Judo, Karatedo hay Taekwondo.

Thực tế, trong giai đoạn quá độ, thể thao Việt Nam đã phải chấp nhận con đường đi tắt đón đầu. Đấy là đầu tư cho những môn thể thao “ngách” mà các nước khác chưa chú trọng phát triển, để có thể nhanh chóng vươn lên trong BXH toàn đoàn. Chỉ có điều hàng chục HCV ở các môn như bi sắt, Pencak silat, lặn….chẳng hề có mảy may giá trị nào ngoài đấu trường Sea Games. Đơn giản bởi ở Asia d hay Olympic người ta không chấp nhận những môn ít phổ biến như vậy.

Trong những kì Sea Games gần đây, Việt Nam đã có vị thế tương đối vững vàng, luôn ở Top đầu. Có lẽ đây là lúc chúng ta cần phải chuyển hướng. Phương châm “đi tắt đón đầu” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Giờ là lúc chúng ta cần mạnh dạn từ bỏ tầm nhìn Sea Games, để hướng đến các mục tiêu cao hơn. Thay vì đầu tư dàn trải để lấy vài chục thậm chí cả trăm HCV ở Sea Games, nguồn lực cần được tập trung cho các môn nằm trong hệ thống Olympic.

 	Cần phải xem xét lại nguồn đầu tư vào những môn như Pencak silat, Bi sắt, Lặn...

Cần phải xem xét lại nguồn đầu tư vào những môn như Pencak silat, Bi sắt, Lặn...

Chỉ khi dám nghĩ, dám làm, hướng đến một tầm cao mới thì thể thao Việt Nam mới có thể phát triển ra khỏi cái ao làng. Sea Games khi được tổ chức thì tôn chỉ đầu tiên của nó là: “tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN”. Nghĩa là nó giống như một festival hơn là một cuộc đấu thể thao.

Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi Sea Games vẫn đang được tổ chức như một ngày hội làng, với muôn hình vạn trạng những điều nực cười như: đòi nhường HCV, xử ép hay xuất hiện những môn chẳng ai biết là cái gì… Vậy thì tại sao những nhà làm thể thao Việt Nam không mạnh dạn đưa nó về đúng vị thế của ngày hội, cần gì phải huyễn hoặc mình bằng những mục tiêu nghe rất kêu như dẫn đầu, Top 3, vài chục HCV? Nhất là khi chúng ta phải rất chật vật mới có thể giành được HC ở Olympic hay phải đợi đến ngày cuối cùng mới có HCV duy nhất ở Asiad.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại