Chuyện những nhà vô địch SEA Games thất học

Câu chuyện thất học của các nhà vô địch SEA Games, Châu Á, thậm chí vô địch Olympic không phải hiếm trong làng thể thao VN. Nó không chỉ là vấn đề nhức nhối mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến việc thu hút nhân tài cho ngành thể thao.

8 năm chưa học xong lớp 12

Đó là câu chuyện của võ sĩ judo Tô Hải Long - người đã hạ đối thủ Philippines từng 9 lần vô địch SEA Games - để giành HCV hạng cân 81kg tại SEA Games 26. Nói về chuyện học hành thì các thầy của anh cũng phải cám cảnh. Bỏ học từ năm 2006 khi đang học lớp 11 để chuyên tâm tu luyện thể thao, năm nay 25 tuổi, võ sĩ quê gốc Hà Nội này hiện vẫn chưa có nổi bằng lớp 12.

Sau SEA Games 26 - 2011, Hải Long bị chấn thương khá nặng và anh mong muốn học đại học để theo nghiệp HLV, nhưng chưa có bằng tốt nghiệp cấp THPT nên đành chịu. Cũng may cho Hải Long là cũng học khá “cao” rồi, nên năm nay được các thầy tạo điều kiện cho đi học lại lớp 11 ở Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, với hy vọng có tấm bằng để còn lo cho tương lai.


	Võ sĩ judo Tô Hải Long

Võ sĩ judo Tô Hải Long

“Chuyện học hành với VĐV rất quan trọng. Hết đời VĐV, nhiều người được giữ lại làm HLV, nhưng có phải ai cũng có cái may đó đâu. Mà muốn làm HLV cũng phải có bằng đại học. Những VĐV dang dở học hành sẽ phải mất thêm ít nhất 7-8 năm nữa để học lại, tuổi thì cũng đâu còn trẻ nữa” - một HLV ĐTQG nhận xét.

Nhiều năm làm PV thể thao, người viết đã rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết con cái những cán bộ ở Tổng cục TDTT đều không theo nghiệp của bố mẹ. Khi được hỏi, họ chỉ lắc đầu cười... khó hiểu; nhưng cũng có người nói thẳng: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Không ai dại gì cho con theo thể thao khi mà tương lai không đảm bảo, học hành không được tới nơi tới chốn”.

Không có trường học văn hóa riêng

Điều đáng ngạc nhiên là cả 3 trung tâm huấn luyện thể thao QG, mỗi trung tâm có hàng ngàn VĐV, hiện đều chưa có trường dạy văn hóa riêng mà phải gửi VĐV đến các trường công để học nhờ, đặc biệt là với các VĐV trẻ đang học THCS, THPT. TTHLTTQG Hà Nội- lớn nhất trong 3 trung tâm- hiện có khoảng 1.000 VĐV đang tập luyện, từ lâu mong có một số lớp học văn hoá dành cho VĐV, nhưng nay cũng mới đang trong... kế hoạch xin duyệt.

“Một trong những nhược điểm của việc gửi VĐV học văn hóa ở ngoài là VĐV không chủ động được giờ tập và giờ học vì các trường đều có lịch học vào buổi sáng hoặc buổi chiều, trong khi VĐV của ta thì ban ngày tập luyện và muốn đi học vào buổi tối. Với các VĐV ĐTQG, ĐT trẻ quốc gia thì mỗi khi có giải thi đấu, họ cũng phải nghỉ học khá nhiều, điều này ở các trường bình thường là khó chấp nhận.

Chưa kể, nếu phải đi xa để học thì VĐV sẽ rất ngại và mệt vì đi học về họ còn phải tập luyện ngay. Vì vậy, có không ít VĐV đã nghỉ học. Cách tốt nhất là nên có trường học văn hóa riêng và đặt ngay tại trung tâm” - một cán bộ của TTHLTTQG Hà Nội khẳng định. Nhưng hiện kế hoạch mở lớp học văn hóa như vậy vẫn chưa được tính đến bởi... không có kinh phí.

Chuyện những nhà vô địch... thất học luôn là vấn đề nhức nhối lâu nay. Thế nhưng, trong các kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD, Olympic, thậm chí những kế hoạch phát triển thể thao dài hơi hơn, chuyện học văn hoá của VĐV cũng hầu như bị bỏ qua. Đây rõ ràng là chuyện xây nhà từ nóc!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại